Làm thế nào để khắc phục hệ lụy sức khỏe thường gặp mùa lễ, Tết?
(Tiepthigiadinh) - Tết đã qua nhưng mùa lễ hội vẫn đang tiếp diễn, gây ra nhiều hệ lụy sức khỏe. Làm thế nào để khắc phục những tình trạng này?
Những hệ lụy về sức khỏe thường gặp mùa lễ, Tết
Về hệ tiêu hóa
Tết là thời điểm bạn tiếp nhận nhiều loại đồ ăn khác nhau. Việc thay đổi chế độ dinh dưỡng, tiệc tùng, bia rượu, nước có gas dùng nhiều bất thường khiến hệ tiêu hóa gặp trục trặc.
Chúng ta cần đặc biệt lưu ý những triệu chứng bất thường, cấp tính:
- Chức năng gan suy giảm: Bạn sử dụng nhiều thực phẩm giàu đạm và chất béo cũng như uống nhiều đồ uống có cồn khiến gan làm việc quá sức, gây suy giảm chức năng gan, dẫn đến chán ăn, mệt mỏi, men gan tăng cao và có thể gây vàng da.
- Viêm tụy cấp: Thường xảy ra sau bữa ăn thịnh soạn với triệu chứng là cơn đau đột ngột, dữ dội vùng thượng vị, thường lan ra sau lưng. Bệnh dễ gặp trên người bị rối loạn chuyển hóa mỡ máu, lạm dụng rượu, sỏi mật...
- Loét dạ dày, tá tràng, chảy máu dạ dày, trào ngược: Thường xảy ra trên người bệnh đã từng mắc các chứng bệnh này, do ăn uống thất thường, lạm dụng rượu, bia cộng với tình trạng căng thẳng, thời tiết lạnh khiến dạ dày rối loạn tiết dịch, rối loạn co thắt đường tiêu hóa
- Ngộ độc thực phẩm: Do ăn nhiều đồ ăn lạ, đồ ăn cũ bị ôi thiu, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc xác định nguyên nhân ngộ độc là vô cùng quan trọng do đó cần giữ lại thực phẩm để có thể kiểm chứng và ngưng sử dụng.
- Đầy hơi, khó tiêu, tiêu chảy, táo bón: Do ăn uống thất thường, dùng nhiều loại thực phẩm lẫn lộn khiến hệ tiêu hóa bị rối loạn, có thể gây ra ậm ạch, đầy bụng, khó tiêu, thậm chí táo bón.
Với người mắc bệnh mạn tính
Do sinh hoạt không điều độ, ăn ngủ thất thường, bỏ không uống thuốc... khiến các bệnh đang mắc phải có diễn biến nặng hơn.
- Tăng huyết áp: Do không uống thuốc đúng giờ, quên uống thuốc, kèm theo mất ngủ và thời tiết lạnh, bệnh nhân dễ bị co thắt mạch máu, khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.
- Đột quỵ: Thường xảy ra trên bệnh nhân có bệnh lý nền như xơ vữa mạch máu, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, tăng huyết áp... do ít vận động, dùng rượu, bia hoặc có thể do quên uống thuốc, thay đổi nhiệt độ đột ngột.
- Tăng đường huyết, hạ đường huyết.
- Cơn gout cấp.
Cách khắc phục các vấn đề sức khỏe thường gặp mùa lễ, Tết
Để khắc phục và ổn định sức khỏe không gặp bất cứ vấn đề bất lợi sau mỗi dịp lễ, Tết không khó, chỉ cần bạn nghiêm túc thực hiện như sau:
Về thói quen sinh hoạt
Lễ, Tết, bạn không thể tránh khỏi việc thức khuya, ăn nhậu quá sức, quá giờ… điều này khiến cơ thể tiêu hao nhiều sức lực, gây mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu. Thế nên hãy cố gắng đi ngủ đúng giờ, dành thời gian cho việc rèn luyện thể chất như đi bộ, đạp xe, tập yoga, thiền….
Với những trẻ có lịch sinh hoạt bị đảo lộn trong các ngày Tết, cha mẹ cần giúp trẻ điều chỉnh thói quen sinh hoạt, ăn uống thường ngày, đảm bảo ngủ đủ giấc, ăn đủ bữa, tăng cường các món ăn giúp thanh lọc cơ thể như hạt sen, táo đỏ, đậu xanh,...
Về chế độ dinh dưỡng
Nhất định phải có chế độ ăn uống khoa học nhất là những người mắc bệnh mạn tính. Đặc biệt, cần hạn chế tối đa uống bia, rượu.
Tăng cường rau xanh và trái cây
Sau những ngày Tết ăn uống thả ga với nhiều loại bánh, mứt... hệ tiêu hóa sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng. Để khắc phục tình trạng này, bạn nên bổ sung thêm rau xanh, trái cây vào thực đơn hàng ngày.
Các loại đậu xanh, đậu đỏ, đậu que, đậu đũa, bắp cải, cà rốt, su hào... rất tốt cho hệ tiêu hóa.
Tăng cường các món hấp, luộc
Thay vì sử dụng các biện pháp chiên, xào nhiều dầu mỡ, nên đưa vào thực đơn các món luộc, hấp... riêng các loại củ có thể dành để nấu canh.
Ưu tiên nhóm thực phẩm tốt cho hệ miễn dịch
Nên tăng các món ăn giàu vitamin và khoáng chất tốt cho hệ miễn dịch như sữa chua, bơ, chuối để tăng cường các lợi khuẩn có lợi cho hoạt động của hệ tiêu hóa.
Bổ sung thêm các thực phẩm ít béo
Hãy bổ sung thêm cá, rong biển giúp dễ tiêu và không làm tăng lượng calo cho cơ thể. Thêm vào đó là các thực phẩm ít béo được xếp vào nhóm ngũ cốc tốt cho sức khỏe như: gạo lứt, bánh mì lúa mạch, khoai, ngô, đậu, đậu phụ…
Hạn chế nhóm thực phẩm nhiều đạm, đồ chiên rán
Nên giảm bớt nhóm thực phẩm chứa nhiều chất béo và chất đạm ở thực đơn. Những thực phẩm này có thể khiến chứng chán ăn trở nên nghiêm trọng hơn.
Kiểm tra sức khỏe khi cần thiết
Kiểm tra sức khỏe sau Tết cũng rất cần thiết. Do sinh hoạt đảo lộn nên ra tết, những người mắc các bệnh lý mạn tính như đường máu, mỡ máu, men gan, huyết áp cao... cần kiểm soát chặt chẽ, tới bác sĩ khám sức khỏe để hạn chế được những biến chứng xảy ra.