Khuê Văn Các - Biểu tượng của Thủ đô Hà Nội
Khuê Văn Các là địa chỉ du lịch Hà Nội nổi tiếng, là một phần không thể thiếu, góp phần làm nên nét đặc trưng tiêu biểu cho quần thể di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám nói riêng và thủ đô Hà Nội nói chung.
Cẩm nang du lịch Tà Xùa “chuẩn đét” cho dân mê du lịch
Khuê Văn Các ở đâu?
Khuê Văn Các nằm bên trong khu tổ hợp Văn Miếu Quốc Tử Giám, tại số 58 đường Quốc Tử Giám, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Văn Miếu Quốc Tử Giám có tổng cộng 5 cửa, phân chia không gian khu nội tự của Văn Miếu thành 5 lớp không gian riêng biệt. Khuê Văn Các thuộc khu Thành Đạt là lớp thứ 2, nằm giữa cổng Đại Thành và Đại Trung.

Cách di chuyển đến Khuê Văn Các
Từ Hồ Hoàn Kiếm, bạn đi vào đường Lê Thái Tổ → Tràng Thi và Hàng Trống → phố Bà Triệu → rẽ phải vào Hai Bà Trưng → đường Nguyễn Khuyến → rẽ trái ở phố Văn Miếu → rẽ phải vào đường Quốc Tử Giám → thấy Văn Miếu ở bên tay phải.

Ý nghĩa của tên gọi Khuê Văn Các
Vào năm 1997, UBND thành phố Hà Nội đã lựa chọn hình ảnh Khuê Văn Các làm biểu tượng chính thức của Thủ đô. Bên cạnh đó, địa điểm này còn xuất hiện trên mặt sau của tờ 100.000 VNĐ. Đây chính là những minh chứng hùng hồn và rõ ràng nhất cho những giá trị mà công trình này đang sở hữu.
Cái tên Khuê Văn Các (Nơi đón vẻ đẹp của sao Khuê) hàm chứa rất nhiều ý nghĩa đặc biệt, khi phân tách các từ ra có thể giải thích tên gọi Khuê Văn Các như sau: Khuê là tên của một ngôi sao thuộc hệ thống chòm 28 sao, nghĩa là ngôi sao sáng. Chòm sao Khuê bao gồm 16 ngôi, bố trí khúc khuỷu tương tự như hình chữ Văn. Trong cuốn sách Hiếu kinh cũng đã có ghi chép lại: “Khuê chủ văn chương” (sao Khuê là ngôi sao chủ của văn chương). Do đó, biểu tượng Khuê Văn Các được xem là đại diện cho đỉnh cao của trí tuệ, đồng thời nhấn mạnh lại chân lý khắc trên văn bia Văn Miếu “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”.

Lịch sử hình thành Khuê Văn Các
Khuê Văn Các là 1 trong 5 chiếc cổng trong khu vực nội tự của Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Nếu tính từ ngoài vào trong thì đây là cổng thứ 3, trước đó là cổng Đại Trung và kế tiếp là cổng Đại Thành. Các Khuê Văn được xây dựng vào năm 1805, rất lâu sau khi Văn Miếu và Quốc Tử Giám ra đời (1070 và 1076) do Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành xây dựng. Ở một số nước, đặc biệt là Trung Quốc, Khuê Văn Các được sử dụng như một thư viện sách, nơi tập hợp và chứa đựng tinh hoa tri thức nhân loại. Khác với phiên bản tại Trung Quốc, ở Việt Nam thì nơi đây không dùng để chứa sách mà chỉ mang nhiệm vụ tưởng niệm Khổng tử và Nho giáo.
Trong khi Văn miếu – Quốc Tử Giám là trường đại học đầu tiên, là sự khởi đầu cho nền giáo dục khoa bảng Nho học của Việt Nam thì Các Khuê Văn lại là nơi mà các nhà Nho tìm đến để đàm đạo, bình luận thơ văn của những sĩ tử đã thành công đỗ đạt trong khoa thi Hội. Đây cũng là nơi tổ chức khảo thí học trò vào mỗi mùa xuân và mùa thu hàng năm.

Khám phá kiến trúc của Khuê Văn Các
Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một khối kiến trúc cổ mang đậm phong cách phương Đông, im đậm dấu ấn Nho học và Phật giáo. Toàn bộ khu di tích được chia làm 5 lớp nối tiếp với nhau qua các cánh cổng gạch, trong đó Khuê Văn Các được coi là cánh cổng thứ 3 và cũng là cánh cửa đẹp, mang nhiều ý nghĩa nhất.
Các Khuê Văn cùng cổng phụ Bí Văn và Súc Văn gợi liên tưởng tới kiểu cổng Tam quan đặc trưng của phong cách chùa chiền Việt Nam, đặc biệt là khu vực miền Bắc, trong đó Khuê Văn Các được coi là cổng chính. Công trình là một căn gác gồm 2 tầng được xây trên một nền vuông lát gạch Bát Tràng với bề mặt cao hơn so với mặt đất. Tầng dưới là 4 cột trụ bằng gạch lớn được trang trí hoa văn cầu kỳ với 4 mặt xung quanh không xây gạch mà để trống. Tầng trên được làm hoàn toàn bằng gỗ với nước sơn màu đỏ nổi bật đồng điệu với phần mái ngói. Phần mái được xây theo kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái trong đó, loại ngói ống được chọn làm vật liệu chính.
Điểm nhấn trong kiến trúc Khuê Văn Các chính là những ô cửa tròn có 8 tiếp điểm tỏa những đường thẳng ra xung quanh. Đây chính là sự tái hiện hình ảnh ngôi sao Khuê ngời sáng trên bầu trời giống như những vị hiền tài luôn toát ra vẻ đẹp của ánh sáng tri thức. 4 mặt trên tầng lầu đều khắc một cặp câu đối bằng chữ Hán với nội dung tôn vinh vẻ đẹp của nơi này và đạo học. Phía trên của khung cửa tròn là một bức đại tự đề chữ Khuê Văn Các. Xung quanh là dải lan can hình con tiện khiến tổng thể trở nên nhẹ nhàng, thanh thoát hơn nhiều.

Các Khuê Văn chính là cánh cửa đưa du khách từ cổng Đại Trung vào đến Giếng Thiên Quang và hệ thống bia đá tiến sĩ trên mai rùa đá, nơi được coi là địa điểm phải đến của các sĩ tử trước khi bước vào những kì thi căng thẳng và quyết định cuộc đời mình. Vào ban đêm, công trình này được thắp đèn đỏ nổi bật và đẹp mắt vô cùng.

Ý nghĩa biểu tượng Khuê Văn Các
Dù chỉ là một công trình lầu cao rất nhỏ nhưng bản thân Khuê Văn Các lại mang nhiều ý nghĩa biểu tượng tốt đẹp, không chỉ truyền tải văn hóa, tinh hoa dân tộc mà còn liên quan tới yếu tố phong thủy.
Ý nghĩa văn hóa của Khuê Văn Các
Từ thờ nhà Lý, Nho giáo trở lên thịnh hành và được đề cao hàng đầu. Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xây dựng, chính thức mở đầu cho nền giáo dục khoa cử Nho học ở Việt Nam. Không chỉ có mục đích thờ cúng mà đây còn là nơi đặt dấu ấn cho sự phát triển của tinh thần tự cường, tự chủ, truyền thống hiếu học của người Việt.
Gác Khuê Văn xưa là nơi họp bình những bài văn hay của các sĩ tử đã thi trúng khoa thi hội. Gác nhỏ, kiến trúc giản dị nhưng tao nhã. Không gian xung quanh là vườn cây cổ thụ, cạnh giếng Thiền Quang luôn đầy nước in bóng, xa xa là ao vuông đầy hoa sen. Khuê Văn Các là nơi mà những bậc thi nhân xưa luôn muốn đặt chân tới, là nơi lưu lại sự thành danh cho rất nhiều danh nhân xưa.

Ý nghĩa phong thủy của Khuê Văn Các
Nhìn về mặt phong thủy, Khuê Văn Các thường được nhắc cùng Thiên Quang tỉnh (giếng Thiên Quang). Thiên Quang có nghĩa là Ánh sáng của bầu trời. Giếng thu nhận tất cả tinh túy của trời đất, soi bóng Gác Khuê Văn. Giếng Thiên Quan có hình vuông, tượng trưng cho đất, thuộc về yếu tố Âm. Cửa Khuê Văn có hình tròn, tượng trưng cho bầu trời, thuộc về phần Dương. Như vậy, tất cả hòa hợp với nhau, hội tụ tinh hoa Đất và Trời. Thời xưa, các danh sĩ thường tập trung tại gác để bàn luận về thi văn, có lẽ một phần cũng là mong muốn nhận được những tinh hoa của đất trời hội tụ, soi sáng cho con đường văn học khoa cử.

Mua quà lưu niệm gì khi đến Khuê Văn Các?
Ngày nay, Khuê Văn các nói riêng và quần thể Văn Miếu - Quốc Tử Giám nói chung vẫn luôn là trung tâm văn hóa, lịch sử của dân tộc, là biểu tượng cho Thăng Long - Hà Nội. Tại các quầy hàng lưu niệm, du khách có thể lựa chọn các món đồ lưu niệm có in hình hay tạo hình Các Khuê Văn như: móc khóa, tranh thêu, áo,…

Bên cạnh đó, các mô hình hay địa hình bằng đồng Khuê Văn Các thường được đặt làm để mang tới các hội nghị, hội thảo quốc tế dành tặng cho các vị khách quý nước ngoài như một món quà đối ngoại ý nghĩa. Khi nhìn vào mô hình, chúng ta sẽ biết được Khuê Văn Các là biểu tượng cho một nền văn hóa tinh hoa của Việt Nam, thể hiện truyền thống hiếu học, coi trọng nhân tài từ thời xưa, đồng thời là cách quảng bá hình ảnh đẹp của Việt Nam đến với bạn bè thế giới.
Đặc biệt, nếu tới tham quan Khuê Văn Các nhân dịp đầu năm mới, bạn sẽ có cơ hội được tham gia những hoạt động thú vị như: xin chữ, khai bút đầu năm với sự tham dự của rất đông các bạn học sinh, sinh viên và cả các bậc phụ huynh.
Một số lưu ý khi đi tham quan Khuê Văn Các
Khi đến gác Khuê Văn có một số lưu ý mà du khách cần biết để chuyến đi tham quan của bạn được suôn sẻ nhất:
-
Mặc trang phục lịch sự, nghiêm túc, gọn gàng.
-
Không được viết, vẽ bậy lên tường hay bất cứ nơi nào khác.
-
Không xả rác bừa bãi, đảm bảo giữ gìn vệ sinh chung, để rác đúng nơi quy định.
-
Không chạy nhảy, nói chuyện, cười đùa quá to, gây ồn ào trong khuôn viên.

Địa điểm tham quan nổi tiếng gần Khuê Văn Các
Nếu có thời gian, bạn nên sắp xếp lịch trình để kết hợp đi khám phá các địa điểm du lịch nổi tiếng, nằm rất gần Khuê Văn Các, thuận tiện cho việc di chuyển của bạn như:
-
Công viên Thống Nhất

-
Chùa Một Cột

-
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

-
Đền Ngọc Sơn

Khuê Văn Các với lối kiến trúc ấn tượng không chỉ đại diện cho nét đẹp truyền thống dân tộc mà còn thể hiện được tầm vóc, ý chí con người Việt Nam. Các Khuê Văn cùng với các địa điểm gần đó đã làm nên một tổ hợp di tích tiêu biểu mà bất cứ ai khi đặt chân tới vùng đất thiêng liêng này đều không nên bỏ lỡ.