Hành trình 15 năm của bác sĩ nhiễm chất độc da cam
Chiến tranh đã rời xa nhưng những hậu quả để lại, đặc biệt là hệ lụy của chất độc da cam vẫn hiện hữu. Đó là những căn bệnh hiểm nghèo, những di chứng truyền qua thế hệ con, cháu của những người lính. Thế nhưng, vượt lên nỗi đau, họ sống có ích cho bản thân, cho cuộc đời. Chàng trai Nguyễn Quang Thái (30 tuổi) với chiều cao vỏn vẹn 1m40 đã chứng minh điều đó.
Là nạn nhân của chất độc da cam, anh Nguyễn Quang Thái có ngoại hình thấp hơn bạn bè đồng trang lứa, đồng thời có một khối U ở lưng.
“Ngày bé tôi như mất niềm tin vào chính mình, hoài nghi về năng lực của bản thân. Sự miệt thị từ bạn bè khiến tôi cảm thấy chán nản và sợ hãi mỗi khi đến trường. Nhiều người còn cho rằng, việc học hành với tôi là vô nghĩa”, anh Thái chia sẻ.
Niềm tin vào tương lai chỉ thật sự đến khi anh Thái đến Làng Hữu nghị Việt Nam (Hoài Đức, Hà Nội) sinh sống. Những ngày đầu sống ở môi trường mới, gặp nhiều người xa lạ, anh nhiều lần sợ hãi, muốn bỏ trốn.
Thế nhưng nhận được sự hỗ trợ và chăm sóc đặc biệt từ các thầy cô, bác sĩ ở Làng Hữu nghị Việt Nam, anh đã vơi đi mặc cảm về bản thân và dần mở lòng hơn.
“Ở đây tiếp xúc với những người có ngoại hình chưa hoàn hảo, chứng kiến những cơn đau về thể xác và vết thương trong tâm hồn, tôi thấy bản thân mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người. Điều này đã thôi thúc anh nỗ lực học tập để trở thành bác sĩ, chăm sóc và điều trị cho các bệnh nhân nhiễm chất độc da cam”, anh Thái tâm sự.
Với niềm mơ ước to lớn, sau những nỗ lực cố gắng anh Thái đã trúng tuyển Đại học Y khoa Vinh (Nghệ An). “Sức khỏe không tốt nên việc học hành của tôi vô cùng vất vả, đôi khi tôi gần như kiệt sức. Thế nhưng lúc nào tôi cũng phải động viên bản thân phải cố gắng để có thể chạm đến ước mơ”, anh Thái nói.
Sau khi tốt nghiệp, anh trở về Làng Hữu nghị Việt Nam và làm việc tại Trung tâm Y tế tại Làng Hữu nghị Việt Nam. Việc chữa trị ở đây gặp nhiều khó khăn. Không đơn giản là áp dụng những kiến thức Y khoa được học ở giảng đường, anh phải nỗ lực tìm tòi, học hỏi thêm các phương pháp điều trị cho bệnh nhân nhiễm chất độc da cam, dành nhiều thời gian trò chuyện, chia sẻ với bệnh nhân về cuộc sống thường ngày.
“Là nạn nhân của chất độc da cam nên tôi hiểu và đồng cảm nỗi đau với họ. Nhìn thấy những nụ cười rạng ngời của các bệnh nhân là động lực nhắc nhở tôi phải cố gắng mỗi ngày. Hơn nữa việc chăm lo sức khỏe cho người có công với đất nước là một trong những hoạt động sống đẹp thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn”, anh Thái chia sẻ.
Vượt lên nỗi đau, anh Thái đã làm được những việc có ích cho bản thân, cho cuộc đời. Chính sự thấu cảm của anh Thái là chìa khóa giúp mở cửa trái tim những bệnh nhân đặc biệt. Những nghị lực ấy thật đáng trân quý biết bao!