Tiếp Thị Gia Đình

Thứ hai, 06/11/2023, 11:27 (GMT+7)

Lời khuyên của bác sĩ về những điều mẹ sau sinh nên làm

Cơ thể người mẹ sau sinh khá yếu, vì thế cần sự chăm sóc chu đáo vào đặc biệt để phục hồi lại nhanh chóng.

Ăn đủ dưỡng chất

ThS.BS Phạm Ngọc Hà - Bác sĩ Sản phụ khoa tại Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, dinh dưỡng tốt rất quan trọng trong những tháng sau khi sinh con. Nếu mẹ đang cho con bú hoặc vắt sữa, sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chính cho con. Ăn đa dạng thực phẩm sẽ giúp bé của bạn khỏe mạnh và giúp bạn củng cố sức khỏe.

sau sinh Tiepthigiadinh H1
Mẹ sau sinh nên uống nhiều nước và ăn thực phẩm bổ dưỡng

Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc đưa ra một số lời khuyên cho các mẹ về thực phẩm nên ăn và nên kiêng sau sinh. Những loại thực phẩm sau rất tốt cho việc phục hồi sức khỏe sau sinh: Các loại hạt (gạo, yến mạch, lúa mạch, hạnh nhân, hạt điều, óc chó, hạt họ đậu); Rau xanh; Trái cây; Thịt gia cầm, bò, gà, thịt nạc lợn; Cá hồi; Sản phẩm từ sữa; Nước lọc...

Sau khi sinh, để hồi phục sức khỏe nhanh chóng, tránh các bệnh hậu sản, mẹ nên kiêng các loại thực phẩm sau: Thực phẩm cay; Caffein, rượu, bia; Các loại hải sản có hàm lượng thủy ngân cao như cá kiếm, cá thu vua, cá ngói; Thực phẩm lạnh; Thực phẩm sống, tái; Thực phẩm có vị chua; Đồ uống có ga; Thực phẩm nhiều dầu mỡ; Thực phẩm chức năng làm đẹp, giảm cân không rõ nguồn gốc hoặc khuyến cáo không dùng cho phụ nữ đang cho con bú.

Ngủ nhiều nhất có thể

Giấc ngủ rất quan trọng cho quá trình phục hồi. Nhưng điều này lại thật khó cho những bà mẹ mới sinh. Theo March of Dimes, trẻ sơ sinh ngủ 16 giờ/ngày với 3-4 giờ mỗi lần khiến cho người mẹ thật khó để ngủ lâu. Cách tốt nhất là mẹ nên ngủ khi trẻ ngủ, thậm chí chỉ là những giấc ngủ ngắn và dạy trẻ phân biệt ngày đêm càng sớm càng tốt để bạn có thể dần có một giấc ngủ đêm ngon giấc. Các mẹ có thể mở rèm cửa và giữ yên tĩnh trong giấc ngủ ngắn ban ngày và để phòng ngủ tối và thật yên tĩnh vào ban đêm.

Vận động nhẹ nhàng

sau sinh Tiepthigiadinh H2
Mẹ sau sinh có thể tập các bài tập hít thở nhẹ nhàng

Các mẹ nên dành ít nhất 6 tuần để nghỉ ngơi, các mẹ sinh mổ cần 8 tuần để cơ thể phục hồi đầy đủ. Trong thời gian này, mẹ chỉ nên vận động nhẹ nhàng. Tùy vào thể trạng của mẹ, nếu những mẹ có cơ thể phục hồi chậm hơn, cơ sàn chậu yếu hơn hay gặp các bệnh về khớp thì nên bắt đầu muộn hơn và lựa chọn bài tập nhẹ nhàng hơn. Sau thời gian đó, mẹ có thể lên một kế hoạch tập luyện tại nhà với các bài tập đơn giản để lấy lại vóc dáng và cơ thể khỏe mạnh: yoga, thiền, kegels…

Giữ tinh thần tốt, tránh trầm cảm

Các số liệu cho thấy, đến 70 – 80% các bà mẹ mới sinh con lần đầu trải qua sự thay đổi tâm trạng hoặc cảm giác tiêu cực sau sinh. Khi tinh thần suy sụp, người mẹ rơi vào trầm cảm sau sinh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé, hạnh phúc gia đình thậm chí có nguy cơ xảy ra án mạng hoặc tổn thương nghiêm trọng khi người mẹ thiếu tỉnh táo.

Các chuyên gia khuyên mẹ nên làm những điều sau:

  • Tìm hiểu kiến thức chăm sóc trẻ sơ sinh, sắp xếp hợp lý các công việc cần thiết và ghi ra sổ tay để tránh quên.
  • Tìm kiếm sự hỗ trợ nếu mẹ không giải quyết được một việc nào đó. Nếu bạn chưa có kiến thức về việc chăm con, bạn có thể cần đến sự tư vấn của chuyên gia hoặc kinh nghiệm từ những người đi trước.
  • Nếu mẹ quá mệt mỏi với việc phải một mình chăm trẻ, hãy nhờ sự giúp đỡ từ người thân, thuê thêm giúp việc để hỗ trợ.
  • Tìm kiếm sự gắn kết, sẻ chia từ người bạn đời để bạn giải tỏa tâm trạng, cảm giác được quan tâm và hạnh phúc hơn.
  • Tìm kiếm một thú vui mới như nghe nhạc, đọc sách, xem chương trình thú vị hoặc gọi điện mời bạn bè đến nhà chơi, giao lưu với các mẹ bỉm sữa khác…
sau sinh Tiepthigiadinh H3
Nếu bạn gặp các vấn đề không có hướng giải quyết, hãy chia sẻ với người thân và tìm tới bác sĩ

Đi khám sau sinh

Hiệp hội Nhi khoa và Sản khoa Mỹ khuyên phụ nữ nên đi khám ít nhất 2 lần trong giai đoạn 3 tháng sau sinh, bởi đây được gọi là giai đoạn thứ 4 của thai kỳ. Ở Việt Nam, các bác sĩ khuyên mẹ nên khám lần đầu vào 1 tháng sau sinh và lần 2 vào trước thời hạn 3 tháng sau sinh.

Trong những lần khám này, mẹ và bác sĩ sẽ thảo luận về các chủ đề như: Phục hồi thể chất; Tâm lý, sức khỏe và cách để mẹ ngủ tốt nhất; Tình trạng sức khỏe của bé; Phương pháp tránh thai; Hay trong một số trường hợp thì cần quản lý các bệnh mãn tính, quản lý các biến chứng liên quan đến thai kỳ, chẳng hạn như cao huyết áp, đái tháo đường thai kỳ.

Đặc biệt, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ ngay nếu gặp phải các vấn đề như:

  • Cơn đau bụng sau sinh, một loại đau giống như chu kỳ kinh nguyệt xảy ra khi tử cung của bạn trong giai đoạn co trở lại kích thước trước khi mang thai
  • Tiết sữa, căng tức ngực
  • Xuất huyết sau sinh
  • Khô âm đạo
  • Bị đổ mồ hôi vào ban đêm
  • Đau đầu.
  • Rụng tóc; Những thay đổi về da, chẳng hạn như da lỏng hoặc mụn trứng cá...
Từ khóa:
Cùng chuyên mục