Thứ bảy, 12/07/2025
logo
Gia đình

Giảm cân không cần cắt cơm: Mẹo ăn tinh bột mà vẫn eo thon

Thanh Hoa Thứ sáu, 11/07/2025, 08:48 (GMT+7)

Giảm cân không đồng nghĩa với việc “bài trừ” tinh bột. Điều quan trọng là lựa chọn đúng loại, ăn lượng phù hợp và kết hợp lối sống lành mạnh.

Giảm cân khoa học: Chọn đi bộ hay đạp xe để lấy lại vóc dáng?

Đừng chỉ đếm calo, hãy bổ sung thêm 5 dưỡng chất này để hỗ trợ cơ thể giảm cân hiệu quả

Không chỉ giảm cân, nước ép cần tây còn mang đến 6 lợi ích ít ai ngờ tới

Trong hành trình giảm cân, tinh bột thường bị liệt vào danh sách "đen" và nhiều người chọn cách cắt giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn nhóm thực phẩm này.

Tuy nhiên, liệu đó có phải là chiến lược đúng đắn? 

Vì sao tinh bột bị “kết tội”?

Tinh bột (carbohydrate) là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho cơ thể. Tuy nhiên, khi tiêu thụ quá mức cần thiết, lượng tinh bột dư thừa sẽ được chuyển hóa thành glucose, dự trữ dưới dạng glycogen trong gan và cơ. Khi glycogen đạt ngưỡng, phần còn lại sẽ tích tụ dưới dạng mỡ – đây chính là nguyên nhân khiến chúng ta tăng cân.

Đặc biệt, các loại tinh bột tinh chế như bánh mì trắng, cơm trắng, đường, bánh kẹo... rất dễ gây tăng đường huyết đột ngột. Điều này khiến tuyến tụy phải tiết ra nhiều insulin để điều hòa. Insulin tăng cao lâu dài không chỉ kích thích lưu trữ mỡ mà còn làm chậm quá trình đốt cháy năng lượng. Đó là lý do sau khi ăn đồ ngọt hay tinh bột tinh chế, ta thường cảm thấy đói rất nhanh – và ăn nhiều hơn trong các bữa sau.

Từ quan sát đó, nhiều người nghĩ đơn giản: "Cứ bỏ hết tinh bột là giảm cân được". Tuy nhiên, đây là con dao hai lưỡi với không ít rủi ro.

photo-1-1556768750950982562001-1711680574503-1506
Bỏ hết tinh bột để giảm cân là con dao hai lưỡi với không ít rủi ro

Cắt tinh bột hoàn toàn – lợi bất cập hại

Việc loại bỏ hoàn toàn tinh bột khỏi khẩu phần ăn có thể khiến cân nặng giảm nhanh trong thời gian đầu, chủ yếu do mất nước và glycogen. Nhưng về lâu dài, cơ thể sẽ phải trả giá.

Tinh bột không chỉ cung cấp năng lượng mà còn mang đến các vitamin nhóm B, khoáng chất và chất xơ cần thiết cho quá trình trao đổi chất và tiêu hóa. Cắt tinh bột đồng nghĩa với việc làm giảm hiệu suất hoạt động của cơ thể và não bộ. Bạn sẽ dễ rơi vào tình trạng mệt mỏi, đau đầu, mất tập trung, thậm chí trầm cảm nhẹ do thiếu glucose – “nhiên liệu” chính cho não.

Chế độ ăn không tinh bột cũng có thể khiến đường huyết giảm đột ngột, dẫn đến run rẩy, chóng mặt, thèm ăn dữ dội – từ đó phá vỡ ý chí giảm cân và dễ dàng gây tăng cân trở lại.

Bên cạnh đó, thiếu tinh bột đồng nghĩa thiếu chất xơ – yếu tố then chốt trong hoạt động của hệ tiêu hóa. Hệ quả có thể là táo bón, đầy bụng và cảm giác khó chịu kéo dài.

Ăn tinh bột thông minh, giảm cân vẫn khỏe

Giải pháp không nằm ở việc “tuyệt giao” với tinh bột, mà là lựa chọn đúng loại và kiểm soát hợp lý lượng tiêu thụ.

Ưu tiên tinh bột “tốt”

Hãy thay thế tinh bột tinh chế bằng các nguồn tinh bột phức tạp như gạo lứt, yến mạch, khoai lang, ngũ cốc nguyên hạt… Đây là những thực phẩm giàu chất xơ, tiêu hóa chậm, giúp bạn no lâu hơn và kiểm soát đường huyết tốt hơn. Tinh bột phức tạp còn mang lại cảm giác no bền vững, hạn chế tình trạng ăn vặt hoặc ăn quá mức.

Chia khẩu phần hợp lý

Thay vì ăn “no cơm” trong mỗi bữa, hãy điều chỉnh tỷ lệ tinh bột chỉ chiếm khoảng 1/4 khẩu phần ăn. Phần còn lại nên là rau xanh và protein lành mạnh từ thịt nạc, trứng, cá, đậu… Cách này vừa kiểm soát calo, vừa giúp cơ thể đủ chất và no lâu.

Kết hợp tinh bột với chất xơ và đạm

Tinh bột nên đi kèm chất xơ và protein trong mỗi bữa để làm chậm quá trình hấp thu đường vào máu, giúp năng lượng ổn định, giảm cảm giác thèm ăn và cải thiện sức khỏe tiêu hóa.

Đừng bỏ bữa sáng

Một bữa sáng đủ tinh bột phức tạp như yến mạch, bánh mì ngũ cốc hoặc khoai lang sẽ giúp bạn duy trì năng lượng và tránh ăn quá nhiều vào các bữa sau.

Đọc thêm

Đừng bỏ lỡ

Cùng chuyên mục