Thứ sáu, 29/11/2024, 13:57 (GMT+7)

Dòng tiền quảng cáo 'chảy ngược', Bộ TT&TT khuyến nghị các doanh nghiệp thực hiện điều này

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) khuyến nghị các doanh nghiệp nên ưu tiên quảng cáo trong những trang, kênh có nội dung sạch, tích cực (white list), không quảng cáo trong những trang, kênh vi phạm để điều hướng dòng tiền quảng cáo. 

Thực tế cho thấy, quảng cáo trực tuyến trên các nền tảng xuyên biên giới ngày càng phát triển nhanh chóng, trở thành xu thế tất yếu nhờ khả năng tiếp cận khách hàng lớn, chi phí linh hoạt, hiệu quả cao. Tuy nhiên, quảng cáo xuyên biên giới cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, khi người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo không thể bảo đảm quản lý tốt vị trí hiển thị. Quảng cáo bị cài đặt vào các nội dung nhảm nhí, phản cảm, thậm chí là xấu độc, chống phá chính quyền, vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Theo quy định tại Điều 8 Luật An ninh mạng, Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ, việc đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm pháp luật là hành vi tiếp tay cho các đối tượng xấu. Chính dòng tiền quảng cáo được các mạng xã hội chia sẻ cho các đối tượng sản xuất clip xấu, độc, phản động, qua đó tiếp tay cho hành vi chống phá Đảng, Nhà nước, phát tán tin giả, tin xấu độc trên môi trường mạng.

Thumb (67)
Dòng tiền quảng cáo 'chảy ngược', Bộ TT&TT khuyến nghị các doanh nghiệp ưu tiên quảng cáo trong những trang, kênh có nội dung sạch, tích cực.

Nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, Bộ TT&TT đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng danh sách Blacklist - White list. Bộ TT&TT khuyến nghị các đại lý quảng cáo, các nhãn hàng lớn ưu tiên quảng cáo trong những trang, kênh có nội dung sạch, tích cực (white list), không quảng cáo trong những trang, kênh vi phạm. Qua đó, điều hướng dòng tiền quảng cáo vào các nội dung sạch đã được cấp phép. Hiện danh sách Whitelist đã được mở rộng thêm từ 7.028 lên gần 8.000 trang/kênh/tài khoản.

Trong năm 2024, Bộ tăng cường biện pháp kỹ thuật để rà quét, giám sát, tập trung đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ AI để rà quét; phát huy vai trò của "đường dây nóng" nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm; tiếp tục duy trì các biện pháp cứng rắn để đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới, buộc các nền tảng phải tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam; thường xuyên có văn bản lưu ý, nhắc nhở các tổ chức; doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội hoạt động theo đúng quy định của pháp luật

Tính đến 15/11/2024, Bộ TT&TT đã cấp phép cho 1.056 trang mạng xã hội hoạt động và 13 tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam. Bộ TT&TT cũng đã  phối hợp với các nền tảng xuyên biên giới lớn (Facebook, Google, TikTok, Netflix, Apple...) để nhắc nhở, đôn đốc các nền tảng này tuân thủ pháp luật Việt Nam. Kết quả, Facebook đã chặn, gỡ 8.981 nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam (tỷ lệ 94%). Google đã chặn, gỡ 6.043 nội dung vi phạm trên YouTube (tỷ lệ 91%). TikTok chặn, gỡ 971 nội dung vi phạm (tỷ lệ 93%). 

Cũng trong năm 2024, Bộ TT&TT tiếp tục tập trung nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý quảng cáo trên mạng và đề xuất bổ sung vào trong dự thảo Luật sửa  đổi, bổ sung Luật Quảng cáo; triển khai hệ thống kỹ thuật rà quét, tăng cường xử lý vi phạm với các đại lý quảng cáo, nhãn hàng có sản phẩm quảng cáo trên các video có nội dung xấu độc; yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới phải kết hợp công nghệ AI và nhân sự chủ động kiểm duyệt chặt chẽ nội dung quảng cáo, vị trí cài đặt quảng cáo, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam. 

Năm 2025, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục phối hợp sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ; phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy lĩnh vực thông tin điện tử phát triển; điều hướng dòng tiền quảng cáo vào báo chí, tài khoản, kênh nội dung đã thông báo để tăng nguồn thu cho các trang, kênh, tài khoản sạch trong nước đã xác thực; định hướng các nhà sáng tạo nội dung, kênh nội dung để khuyến khích sản xuất các nội dung tích cực để thu hút quảng cáo.

Cùng chuyên mục