Đại biểu nói gì về đề xuất giao Chính phủ quy định nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt?
Các ý kiến cho rằng dự thảo luật nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật hiện nay và phù hợp với đặc điểm của Luật Quảng cáo.
Tăng cường quản lý đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt
Hiện nay, các yêu cầu cụ thể đối với nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt được quy định tại Nghị định số 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Trong khi đó, các quy định về nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt là những nội dung cơ bản nhất, đặc thù và mang yếu tố bắt buộc (tên, tính năng, công dụng, khuyến cáo, cảnh báo...), phải có của các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Bên cạnh đó, quy định này chỉ áp dụng riêng cho hoạt động quảng cáo chứ không điều chỉnh tính chất kỹ thuật, chuyên ngành của các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Để bảo đảm thống nhất trong hoạt động quản lý nhà nước về quảng cáo, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của các quy định về nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt và phù hợp với pháp luật chuyên ngành, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo (dự thảo Luật) đã bổ sung quy định về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo đối với mỹ phẩm, thực phẩm, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn, thiết bị y tế, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, giống thủy sản, giống vật.
Góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, thời gian qua, nhiều cuộc thảo luận lấy ý kiến đã được diễn ra. Trong Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết, xoay quanh quy định về nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt có 2 loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất tán thành với Ban soạn thảo bổ sung quy định về nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt. Đồng thời, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành là giao Chính phủ quy định vì đây là những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, mang tính kỹ thuật, chuyên ngành có tác động trực tiếp đến sức khoẻ của con người và có thể biến động theo từng thời kỳ.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, đối với những nội dung đã được quy định trong luật chuyên ngành thì không quy định lại mà chỉ viện dẫn tại dự thảo Luật, đồng thời, giao Chính phủ quy định yêu cầu về nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt khác khi có phát sinh trên thực tế.
Đại biểu Quốc hội nói gì?
Trong phiên thảo luận chiều 25/11, góp ý về quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, có 2 loại ý kiến khác nhau, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp tán thành với loại ý kiến thứ nhất là bổ sung quy định yêu cầu về nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt đã nêu trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nếu có vấn đề phát sinh thêm các loại quảng cáo hàng hóa khác thì đề nghị giao cho Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể nội dung này.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang đề nghị đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt (như: rượu, bia; sản phẩm dinh dưỡng; các loại hóa chất độc hại, hóa chất nguy hiểm, thuốc bảo vệ thực vật v.v…), bảo đảm thống nhất với các Luật chuyên ngành (như: Luật An toàn thực phẩm, Luật Dược, Luật Khám, chữa bệnh v.v…). Và khi có trường hợp các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt khác phát sinh trên thực tế thì tiếp tục giao Chính phủ quy định để bảo đảm sự linh hoạt trong điều hành.
Quan tâm đến nội dung quy định về quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa đặc biệt, đại biểu bày tỏ đồng tình với quan điểm cần phải đảm bảo quản lý đối với các sản phẩm, dịch vụ đặc biệt như: mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật… Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần cân nhắc việc liệt kê chi tiết các sản phẩm đặc biệt trong dự thảo Luật, vì các sản phẩm này thường xuyên biến động và có yếu tố chuyên môn cao. Thay vào đó, nên đưa ra cách thức quy định linh hoạt để có thể điều chỉnh khi cần thiết.
Giải trình, làm rõ vấn đề liên quan đến quy định về quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết sẽ tính toán lại và giao Chính phủ hướng dẫn. Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với Cơ quan chủ trì thẩm tra để tiếp tục hoàn thiện và đảm bảo chất lượng của dự thảo Luật.
Được biết, ngay sau kỳ họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phát biểu để xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến các vị đại biểu Quốc hội hoàn chỉnh dự thảo luật để báo cáo tại kỳ họp tới.
- Những con số làm 'nóng' nghị trường Quốc hội khi sửa đổi Luật Quảng cáo
- 'Gian nan' hoạt động quản lý quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới, làm gì để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng?
- Quảng cáo 'xấu độc' tác động tiêu cực đến trẻ em, Quốc hội nêu loạt đề xuất mang tính pháp lý
- Black Friday: Giảm giá kịch sàn nhưng người tiêu dùng vẫn dè dặt
- Thêm loạt mỹ phẩm vi phạm chất lượng của Nhật Việt, Mỹ phẩm Hải Dương bị yêu cầu thu hồi, chuyên gia khuyến cáo gì?
- 5 mẫu chân váy đáng sắm nhất dịp Black Friday, nàng 'săn' ngay để diện mùa đông này
- Cá nhân thực hiện quảng cáo trên các nền tảng số sẽ bị đánh thuế thu nhập, mức quy định là bao nhiêu?
- 4 bộ phận của lợn vừa ngon, vừa rẻ nhưng thèm mấy cũng nên hạn chế ăn kẻo rước bệnh vào người
- KFC 'thêm vị' cho mùa Giáng sinh với giấy gói quà 'hương gà rán' đặc trưng, nếm thử vô tư