Thứ sáu, 22/09/2023, 06:11 (GMT+7)

Đồ chơi truyền thống Việt Nam giành lại vị thế trên thị trường đồ chơi Tết Trung thu

Tết Trung thu năm nay, đồ chơi truyền thống Việt Nam đang nhận được sự quan tâm, tìm mua của khách hàng. Điều này cho thấy đồ chơi truyền thống đang dần lấy lại vị thế sau nhiều năm bị đồ chơi Trung Quốc lấn át.

Chỉ còn hơn tuần nữa là tới Tết Trung thu nhưng trước đó cả tháng, các loại đồ chơi trẻ em đã được bày bán với đủ loại màu sắc, mẫu mã đa dạng. Điểm đáng chú ý là năm nay, đồ chơi truyền thống hay đồ chơi thuần Việt đang nhận được nhiều sự quan tâm, tìm mua của khách hàng.

trung thu 2
Đồ chơi trung thu truyền thống tràn ngập các con phố Hàng Mã, Hàng Lược. Ảnh: Sontung

Những ngày này tại nhiều tuyến phố ở Hà Nội như Hàng Mã, Hàng Gai, Hàng Lược, Hàng Rươi… các đồ chơi, trang trí Trung thu được bày bán với đủ loại sắc màu. Theo khảo sát, thị trường đồ chơi Tết Trung thu năm 2023 có giá vừa phải, phù hợp với tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn như hiện nay. Nếu như những năm trước, đồ chơi Trung Quốc phủ sóng thị trường, len lỏi vào từng hộ gia đình thì hiện nay đồ chơi truyền thống của Việt Nam đang dần lấy lại vị thế, được nhiều khách hàng ưa chuộng và chọn lựa.

Bên cạnh những món đồ chơi nguồn gốc từ Trung Quốc như đèn nhấp nháy, gậy phát sáng, lồng đèn phát nhạc, mặt nạ nhân vật hoạt hình, lắp ráp lego, xe điều khiển từ xa… có giá thành rẻ, màu sắc bắt mắt, âm thanh sống động, nhiều tính năng thì đồ chơi Việt Nam cũng có chỗ đứng nhất định.

trung thu 3
Mặt nạ giấy bổi truyền thống của Việt Nam được nhiều khách hàng lựa chọn. Ảnh: Sontung

Gần đây, tâm lý “người Việt dùng hàng Việt” và sự tự hào dân tộc đã dần thay đổi nhận thức cũng như hành vi tiêu dùng của người dân nước ta. Nhờ việc bảo tồn các làng nghề truyền thống, đưa máy móc vào sản xuất nên đồ chơi của Việt Nam đa dạng, đẹp mắt, cải tiến, giá bán cạnh tranh nhưng vẫn giữ được những giá trị tốt đẹp của dân tộc.

Trên phố Hàng Mã, những chiếc đèn ông sao, đèn cá chép, mặt nạ, trống lân, trống lắc tay, tò he… được bày bán rất nhiều, thu hút sự chú ý của cả người lớn và trẻ em. Theo đó, giá bán của một chiếc đèn ông sao khoảng 10.000 – 30.000 đồng; đèn lồng thủ công giá khoảng 20.000 – 50.000 đồng/chiếc; mặt nạ ông địa có giá khoảng 80.000 đồng/chiếc; chuồn chuồn tre từ 8.000 – 20.000 đồng mỗi con; trống lắc tay từ 30.000 – 40.000 đồng; tò he từ 10.000 – 30.000/con.

trung thu

Tranh thủ cuối tuần, vợ chồng chị Phan Thị Nga (Hà Đông, Hà Nội) đưa con đi chơi phố Hàng Mã. Trong khi bé trai thích thú với đầu lân thì bé gái 3 tuổi lại đặc biệt chú ý tới những con tò he được nặn từ bột gạo nếp. Chị Nga cho biết: “Thấy con thích đồ chơi thuần Việt, tôi rất vui. Đó cũng là những món đồ chơi tuổi thơ tôi từng chơi và giờ con tôi cũng được thừa hưởng trọn vẹn văn hóa dân tộc”.

Một chủ cửa hàng bán đồ chơi, đồ trang trí trên phố Hàng Mã cho biết đồ chơi truyền thống của Việt Nam đang chiếm 80% tại cửa hàng của gia đình. Từ năm 2020 đến nay, phụ huynh và trẻ em Việt có xu hướng lựa chọn đồ chơi truyền thống nhiều hơn hàng Trung Quốc.

371769006_610598104588629_8780124335265366400_n
Đèn ông sao, trống quân, đầu lân được bày bán rất nhiều

Tại làng nghề ông Hảo (xã Liêu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên) không khí Tết Trung thu đã tràn ngập, từ khắp các ngõ hẻm, sắc màu của những món đồ chơi đều rực rỡ. Từ lâu, ông Hảo được biết đến là làng nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống nổi tiếng ở nước ta. Mỗi năm cứ dịp Trung thu về, cả làng nghề lại tất bật sản xuất những thứ đồ chơi gắn liền với bao thế hệ người Việt. Làng nghề ông Hảo trước đây chỉ tập trung làm các loại đồ chơi như trống, mặt tễu. Tuy nhiên, hiện nay với sự phát triển của xã hội và thị hiếu ngày càng phong phú của trẻ em nên người dân đã sáng tạo và đổi mới các mẫu mã sản phẩm.

mặt nạ giấy bổi
Làng nghề ông Hảo tất bật chuẩn bị cho Tết Trung thu

Tất cả các sản phẩm đồ chơi của làng nghề ông Hảo đều được làm thủ công qua bàn tay điêu luyện của các nghệ nhân, nguyên liệu sản xuất ra các món đồ chơi đều có nguồn gốc thiên nhiên như gỗ, giấy, tre nứa… Hiện nay mặt nạ giấy bổi tại làng nghề ông Hải đang có giá từ 20.000 – 30.000 đồng/cái và được nhiều thương lái tìm đến tận nơi mua hàng.

làng nghề tò he Phú Xuyên

Không chỉ ở làng nghề ông Hảo mà những ngày này, làng nghề tò hè Xuân La (Phú Xuyên, Hà Nội) cũng tất bật hơn. Tò he là trò chơi dân gian được nặn từ bột gạo, bột nếp, gạo tẻ kết hợp với màu phẩm tự nhiên và có thể ăn được. Tò he có từ lâu đời, dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân, món đồ chơi này được tạo thành các hình thù sống động như người, con gà, con trâu, nhân vật hoạt hình, bông hoa… Và được bày bán rất nhiều trên phố Hàng Mã, Hàng Lược…

Do-Choi-Trung-Thu-Ha-01
Chị Nguyễn Thị Hương Giang (Hoài Đức, Hà Nội) hạnh phúc khi thấy 3 con gái của mình thích thú với những món đồ chơi hình con thú được làm từ gạo nếp. Ảnh: Lao Động

Có thể thấy, đồ chơi truyền thống của Việt Nam đang dần lấy lại vị thế trước đồ chơi Trung Quốc. Đồ chơi Trung thu truyền thống không chỉ giải trí đơn thuần mà còn giáo dục, nuôi dưỡng thế hệ trẻ, như một lời nhắn nhủ nhớ về cội nguồn và những giá trị tốt đẹp của dân tộc ta.

Cùng chuyên mục