Cafe Highlands Coffee trở thành thương hiệu cà phê đình đám nhờ điều ít ai ngờ tới
Cafe Highlands Coffee đã gắn bó và đồng hành với văn hóa uống cà phê của người Việt hơn 20 năm qua. Vì sao thương hiệu này lại tạo ra thành công đến vậy?
Cafe Highlands Coffee là cái tên không còn lạ lẫm gì với giới trẻ Việt Nam khi có mặt ở các con đường lớn, trung tâm thương mại và các tòa nhà ở trung tâm thành phố. Để thành công được như vậy, chính là nhờ vào các yếu tố truyền thông - marketing nhạy bén.
Chặng đường đi của Highlands Coffee
Cafe Highlands Coffee được thành lập từ năm 1998, hoạt động dưới sự điều hành của David Thái, thuộc Công ty Việt Thái Quốc tế.
Những nước cờ đầu tiên
Sau 10 năm thành lập, thương hiệu “bán mình” cho Jollibee đến từ Philippines với mức giá 25 triệu USD. Ngay từ những ngày đầu, Highlands Coffee chỉ bán chủ yếu các mặt hàng cà phê đóng gói. Sau đó, định vị thương hiệu dành cho những khách hàng tầm cao, có tiền, muốn trải nghiệm và hướng tới những giây phút thảnh thơi. Ngay cả cách thiết kế của mọi cơ sở cũng đều hướng tới sự trang trọng, nhã nhặn, thực đơn đồ ăn là các món Tây.
Sự chuyển đổi của Highlands Coffee tại Việt Nam
Tuy nhiên, sau 4 năm hoạt động cùng Jollibee, Cafe Highlands Coffee đã “bình dân hóa” để đạt tới thành công tại thị trường Việt Nam. Từ thiết kế sang trọng biến đổi thành kiểu bàn ghế đơn giản, đồ ăn Việt Nam hiện hữu, các món nước uống cũng có những cái tên dân dã hơn. Chuyển đổi hình thức “được phục vụ” thành “tự phục vụ”, đem tới trải nghiệm mới mẻ cho khách hàng.
Những thay đổi này có đem tới thành công cho thương hiệu hay không? Câu trả lời nằm ở những con số. Đây là cái tên nằm trong top 3 thương hiệu cà phê Việt Nam dẫn đầu về số lượng các cửa hàng. Có hơn 500 bảng hiệu Highlands Coffee trải dài từ Bắc vào Nam, phân bố ở các thành phố lớn, nền kinh tế mạnh, dân cư tập trung đông đúc.
Gần 25 năm qua, hãng cà phê này đã thay đổi thói quen của người dùng, đem tới trải nghiệm mới mẻ, “sang” hơn khi thưởng thức cà phê mà không làm mất đi giá trị truyền thống của Việt Nam.
Yếu tố thúc đẩy sự thành công của Highlands Coffee
Có ít nhất 3 yếu tố mà thương hiệu này đã làm để tạo nên sự thành công.
Thứ nhất, định vị thương hiệu và lựa chọn đối tượng. Có thể thấy rằng, các tọa độ của Highlands Coffee đều nằm ở những tỉnh, thành phố lớn, tập trung nhiều cửa hàng, là khu vực kinh tế trọng điểm, nổi trội. Đơn cử như Thủ đô Hà Nội, Thành phố hoa lệ Sài Gòn, các thành phố du lịch Đà Nẵng, Nha Trang,...
Thương hiệu tập trung vào nhóm đối tượng là doanh nhân và trí thức có thu nhập ổn định. Đó là lý do mà cái tên Highlands Coffee chưa xuất hiện ở các tỉnh miền Tây và vùng cao phía Bắc.
Thứ hai, khi đã xác định nhóm khách hàng mục tiêu, Highlands Coffee lựa chọn các vị trí đẹp nhất. Điển hình là các trung tâm văn phòng, chân tòa nhà chung cư, cạnh các khu du lịch, văn hóa - di tích. Độ phủ sóng của thương hiệu hướng tới sự thuận tiện, dễ tìm cho khách hàng. Bên cạnh đó giải quyết các vấn đề tưởng chừng như nhỏ bé nhưng gây rắc rối lớn cho khách hàng như chỗ để xe, chỗ vui chơi cho trẻ, khu vực có thể hút thuốc lá ngoài trời,...
Thứ ba, chiến lược marketing “kiềng ba chân” thông minh. Highlands Coffee có menu rất đa dạng và phong phú nhưng thực chất chỉ có 3 nhóm chính: Coffee, Trà và Freeze. Mỗi nhóm lại có các sản phẩm đại diện lần lượt là Phin Sữa Đá, Trà Sen Vàng, Freeze Trà Xanh. Dù là hình ảnh quảng cáo, TVC hay poster nào thì đều chỉ tập trung vào 3 sản phẩm này, vì thế tạo dấu ấn rất lớn trong lòng khách hàng.
Ngoài 3 yếu tố kể trên thì cũng phải dành lời khen cho sản phẩm và dịch vụ của Highlands. Nếu như không có thức uống ngon miệng, dịch vụ bán hàng chuyên nghiệp thì dẫu có “biến hóa” thế nào cũng không thể cạnh tranh với các ông lớn trong giới cà phê tại Việt Nam.