Đậu nành nhiều dinh dưỡng nhưng 'đại kỵ' với đối tượng này, nên tránh kẻo ảnh hưởng đến sức khỏe
Đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành là nguồn thực phẩm ngon, giàu dinh dưỡng nhưng không phải đối tượng nào cũng nên ăn vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Đậu nành có tác dụng gì với cơ thể?
Theo Gia đình Việt Nam, đậu nành để làm sữa đậu nành, đậu phụ, tàu hũ, tào phớ... là những món ăn quen thuộc của người Việt Nam. Đậu nành cũng là loại đậu có nhiều dinh dưỡng, đặc biệt là rất giàu protein. Hơn nữa trong đậu nành còn chứa phospholipids, vitamin B1, B2, sắt, canxi.
Sữa đậu nành được đánh giá là loại sữa có thành phần dinh dưỡng cao, giàu đạm và acid amin thiết yếu, nhiều vitamin nhóm B (B1, B2, B3, B6) và vitamin E, giàu các khoáng chất Ca, Fe, Mg, K, Na, rất tốt cho sức khỏe. Rất nhiều người sử dụng sữa đậu nành để thanh nhiệt giải khát hàng ngày.
Bên cạnh đó, axit béo Omega 3, Omega 6 và những chất chống oxy hoá trong đậu nành giúp bảo vệ các mạch máu khỏi bị vỡ và tổn thương.
Thực phẩm từ đậu nành là lựa chọn tốt cho phái nam để đáp ứng nhu cầu đạm hằng ngày. Nguyên nhân vì đậu nành cung cấp nguồn đạm chất lượng cao giúp tăng cường khối lượng và sức mạnh cơ bắp cũng như phục hồi sau luyện tập của nam giới. Bên cạnh đó, thành phần isoflavone trong đậu nành còn giúp hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt và ruột kết.
Ngoài ra, đậu nành còn giúp ngăn ngừa triệu chứng hậu mãn kinh. Trong suốt thời kỳ này, lượng hoocmon estrogen tiết ra trong cơ thể phụ nữ rơi xuống mức thấp nhất. Isoflavones trong đậu nành còn giúp cân bằng estrogen hiệu quả. Chính vì thế, bổ sung thực phẩm này thường xuyên vào chế độ ăn sẽ giúp giảm các triệu chứng hậu mãn kinh này.
Những ai không nên ăn đậu nành?
Theo Thời báo Văn học Nghệ thuật, dù đậu nành giàu dinh dưỡng nhưng những đối tượng sau nên hạn chế ăn vì có thể gặp các tác dụng phụ.
Người đang bị bệnh gout nặng
Những người mắc bệnh Gout không nên sử dụng sữa đậu nành. Gout là bệnh do rối loạn chuyển hóa Purine gây ra trong khi đậu nành lại chứa hàm lượng Purine tương đối cao. Ăn đậu nành và chế phẩm đậu nành nhiều sẽ gây cơn guot cấp đau đớn.
Purin là chất ưa nước nên đậu nành sau khi xay sẽ có hàm lượng purin cao gấp nhiều lần so với các sản phẩm làm từ đậu nành khác. Vì vậy, bệnh nhân gout nên tránh uống sữa đậu nành. Trường hợp, sau khi uống mà xuất hiện hiện tượng nhức đầu, tắc nghẽn đường hô hấp hay các triệu chứng khác thì bạn nên dừng ngay và đến cơ sở y tế gần nhất để được chữa trị kịp thời.
Bệnh nhân đang bị suy thận
Bệnh nhân suy thân cần duy trì một chế độ ăn ít đạm. Trong khi đó, đậu nành lại là thực phẩm giàu chất đạm, nếu ăn nhiều có thể không tốt cho quá trình phục hồi. Do đó những người mắc bệnh thận nên ăn liều lượng đậu và chế phẩm đậu nành phù hợp.
Người yếu tiêu hóa
Đậu nành và chế phẩm từ đậu nành có thể gây ra ợ chua nóng, và khó tiêu nên những người có bệnh dạ dày và chức năng tiêu hóa kém nên hạn chế uống sữa đậu nành. Bên cạnh đó, sữa đậu nành cũng không tốt cho những người bị viêm dạ dày vì chúng sẽ khiến axit trong dạ dày bị dư thừa sẽ dễ bị đầy hơi, làm bệnh nặng thêm.
Người có bệnh về tuyến giáp
Với những người có tuyến giáp khỏe mạnh thì viêc ăn đậu nành sẽ không có vấn đề gì. Tuy nhiên, nếu là người có tuyến giáp kém hoạt động khi bổ sung nhiều đậu nành có thể cản trở cơ thể hấp thụ thuốc tuyến giáp. Vì vậy, tốt nhất bạn nên đợi ít nhất bốn giờ sau khi ăn các sản phẩm từ đậu nành để uống thuốc tuyến giáp.
Người bệnh đang hồi phục sau phẫu thuật, giảm sức đề kháng
Những người sau khi phẫu thuật hoặc ốm đau, sức đề kháng của cơ thể yếu thì việc tiêu hóa đậu và sản phẩm từ đậu nành sẽ kém. Vì thế, lúc này bạn cần hạn chế ăn đậu để giảm gánh nặng cho cơ thể.
- Sữa đậu nành có thật sự tốt cho nam giới?
- Sữa đậu nành có tác dụng như thế nào đối với phụ nữ?
- Sữa đậu nành và những lợi ích mà nó đem lại cho người trưởng thành