Tiếp Thị Gia Đình

Thứ hai, 10/06/2024, 11:01 (GMT+7)

Cùng đóng bảo hiểm 15 năm, vì sao tỷ lệ hưởng lương hưu của lao động nam thấp hơn nữ?

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), tỷ lệ hưởng lương hưu bình quân cho một năm đóng bảo hiểm xã hội (tỷ lệ tích lũy) của lao động nữ và lao động nam khác nhau nên việc quy định mức tối thiểu 15 năm hưởng 33,75% đối với nam và 45% đối với nữ là phù hợp.

Nguồn tin từ An ninh Thủ đô cho biết, trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 7, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất giảm năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm, nhưng tỷ lệ hưởng lương hưu tối thiểu của lao động nam khác nữ.

Theo đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, lao động nghỉ hưu trong điều kiện bình thường được hưởng 45% bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng với 20 năm đóng bảo hiểm của lao động nam và 15 năm với lao động nữ.

Sau đó, cứ thêm một năm đóng bảo hiểm, người lao động sẽ được hưởng thêm 2%. 

Trường hợp lao động nam đóng 15 năm bảo hiểm xã hội, mức lương hưu được nhận tối thiểu là 33,75% và cần đóng 35 năm để hưởng lương tối đa 75%. Nếu thời gian đóng bảo hiểm đủ từ 15 năm đến dưới 20 năm thì mức hưởng được tính thêm 2,25% mỗi năm. 

Trường hợp lao động nữ tham gia bảo hiểm xã hội 15 năm, mức lương hưu được nhận tối thiểu là  45% và cần đóng 30 năm để nhận mức tối đa 75%.

Quy định về TUỔI NGHỈ HƯU của người lao động 2024
Do tỷ lệ tích luỹ khác nhau nên có sự chênh lệch tỷ lệ hưởng lương hưu giữa nam và nữ. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Lý giải về đề xuất này, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động nhiều chiều với nguyên tắc đảm bảo sự ổn định, kế thừa thành quả Luật Bảo hiểm xã hội 2014, tránh xáo động lớn trong xã hội.

Để đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 xác định lộ trình điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu bình quân cho một năm đóng bảo hiểm xã hội (tỷ lệ tích lũy) từ 3% còn 2,5% (giảm 0,5%) đối với nữ và từ 2,5% còn 2,14% (giảm 0,36%) đối với nam.

Căn cứ theo luật hiện hành, việc quy định mức tối thiểu 15 năm tham gia đóng bảo hiểm được hưởng lương hưu bình quân 33,75% đối với nam và 45% đối nữ là phù hợp.

Cũng theo Bộ LĐ-TB&XH, bình quân trong 30 năm thì tỷ lệ hưởng lương hưu bình quân cho một năm đóng bảo hiểm xã hội của nam là 2,14%/năm. Tuy nhiên, để đảm bảo mối tương quan hài hòa và không để lương hưu tương đương 15 năm tham gia bảo hiểm xã hội quá thấp, cơ quan soạn thảo đã dự thảo tỷ lệ tích lũy đối với nam là 2,25% tương đương 15 năm đóng hưởng 33,75% thay vì hưởng 32,1%.

So với các quốc gia khác trên thế giới, quy định tỷ lệ hưởng lương hưu tính bình quân cho một năm đóng bảo hiểm xã hội của Việt Nam đang ở mức cao. Theo đó, tỷ lệ hưởng lương hưu tính bình quân cho một năm đóng bảo hiểm xã hội chỉ là 1%; bình quân của thế giới chỉ khoảng 1,7%.

Cùng chuyên mục