Thứ sáu, 06/10/2023, 10:42 (GMT+7)

Cách làm cua sốt me chua ngọt thơm ngon, đơn giản tại nhà

Cua sốt me là một món ăn được rất nhiều người yêu thích bởi hương vị chua ngọt dìu dịu của sốt với vị hơi mằn mặn của cua thật sự là một cách kết hợp hoàn hảo. Cách làm cua sốt me rất dễ làm, không hề phức tạp và cầu kỳ như mọi người nghĩ đâu. Hãy cùng tham khảo cách làm cua sốt me được bật mí dưới đây nhé!

Cách làm cua sốt me

Nguyên liệu

Nguyên liệu để làm cua sốt me rất đơn giản, gồm có:

  • 1kg cua (nên chọn cua thịt)

  • 100g me chín (có thể là me chua hoặc me thái)

  • 4 tép tỏi băm nhuyễn

  • 2 củ hành tím

  • 5 lát gừng tươi

  • Bột chiên, bột năng

  • Rau thơm như rau răm, rau mùi…

  • Gia vị thông dụng: Muối, tiêu xay, mì chính, hạt nêm, tương ớt, tương cà, nước mắm… 

cua-sot-me-1
Nguyên liệu làm cua sốt me (Ảnh: sưu tầm)

Các bước làm cua sốt me

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu 

Sau khi mua cua về, đem rửa sạch và tách phần mai, khều lấy phần gạch ở mai cua để riêng ra bát. Tùy vào sở thích mà cắt cua thành 2 hoặc 4 phần. Cua cắt thành nhiều phần sẽ giúp cua ngấm gia vị nhiều hơn. 

Còn phần càng cua bạn nên đập dập để gia vị có thể ngấm vào thớ thịt trong càng cua cũng như giúp lúc ăn càng cua sẽ dễ dàng hơn.

Hành tím, tỏi bóc vỏ, đem băm nhỏ.

Gừng cạo sạch vỏ, sả bóc bỏ phần vỏ già, đem đi rửa sạch và băm nhỏ.

Cho các phần cua đã sơ chế xong vào tô lớn, cho thêm 1 thìa muối, nửa thìa tiêu xay, 1 thìa hạt nêm, 1 thìa bột ngọt, nửa số hành tím và tỏi băm đã chuẩn bị rồi trộn thật đều lên, để ướp khoảng 30 phút cho cua ngấm gia vị.

cua-sot-me-2
Cách sơ chế cua tươi (Ảnh: sưu tầm)

Bước 2: Chiên cua 

Cua sau khi đã ướp xong thì cho lên chảo chiên vàng. Có thể lăn qua một lớp bột chiên hoặc chiên bình thường sao cho cua vàng giòn là được. Chua chín thì vớt ra để ráo dầu.

Bước 3: Pha nước sốt me 

Nước sốt me có ngon hay không sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến hương vị của món ăn. 

Đầu tiên, bạn cần cho me vào nước nóng, dằm nhuyễn rồi lọc lấy phần nước me, bỏ phần bã, lọc lấy đủ 3/4 bát là đủ. 

Sau đó cho chảo lên bếp, thêm 1 thìa canh dầu ăn, đun dầu sôi và cho phần hành tím với tỏi băm còn lại, gừng và sả băm vào phi thơm. Cho tới khi tỏi chuyển sang màu vàng nhạt và dậy mùi thơm thì cho phần nước me đã lọc vào đun, cho thêm các gia vị như muối, bột ngọt, nước mắm, tương cà. Đun hỗn hợp này cho tới khi sôi thì cho thêm ớt, ớt nhiều hay ít tùy thuộc vào khẩu vị của bạn.

Tiếp tục đun và khuấy đều cho tới khi nước sốt me sệt lại, nếu không bạn có thể thêm ít bột năng để nước sốt có độ sánh hơn. Nêm nếm lại các gia vị một lần nữa sao cho vừa ăn là được. 

Bước 4: Rim cua với nước sốt me 

Cuối cùng cho phần cua đã chiên vàng giòn vào đảo hoặc xóc thật đều và đun thêm khoảng 5 phút nữa cho thấm gia vị rồi tắt bếp. 

Bắc chảo lên bếp, cho thêm ít dầu ăn và phi thơm tỏi, đổ phần gạch cua vào xào chín, nêm nếm gia vị cho vừa ăn.

cua-sot-me-3
Cách làm cua sốt me (Ảnh: sưu tầm)

Thành phẩm

Cho cua ra đĩa, có thể trình bày đẹp mắt bằng cách xếp thành hình con cua hoàn chỉnh, úp phần mai lại, rưới gạch cua xung quanh rồi trang trí thêm ít rau mùi hoặc rau răm lên trên. Như vậy là đã hoàn thành món cua sốt me ngon tuyệt cú mèo cho cả gia đình thưởng thức rồi. Cua sốt me ăn lúc còn nóng sẽ ngon hơn nhé.

cua-sot-me-4
Cua sốt me chua ngọt hấp dẫn (Ảnh: sưu tầm)

Cách chọn cua ngon 

Mỗi loại cua sẽ có những cách chọn khác nhau. Vậy làm sao để chọn được cua ngon nhất làm cua sốt me, hãy cùng tham khảo các cách chọn cua ngon sau đây nhé:

Đối với cua đồng: 

  • Khi chọn cua đồng, bạn lật ngửa con cua lại, ấn vào phần yếm mà không thấy bị lún thì là cua chắc thịt. Còn nếu bị lún thì đó là cua ốp, ít thịt, thường bị khai và ăn không ngon. 

  • Cua đồng nên mua vào đầu hoặc cuối tháng âm lịch, còn cua vào giữa tháng thường sẽ thay vỏ nên gầy, thịt bở, ăn không ngon. Cua càng dính phèn màu cam càng nhiều thì thịt càng chắc.

Đối với cua biển:

  • Khi chọn cua biển, nên chú ý vào màu lớp da giữa kẹt khuỷu trên càng cua. Nếu như lớp da này có màu hồng đỏ hoặc hồng sậm thì đó là cua nhiều thịt. Và cua mới bắt thì lớp da này sẽ thẳng thẳng bóng. 

  • Khi bóp phần yếm cua mà thấy cứng thì cua chắc thịt. Hoặc bóp phần đầu đùi của que dầm bơi phía dưới mai, nếu thấy cua giãy toàn bộ que thì cua còn khỏe và chắc thịt.

cua-sot-me-5
Cách chọn cua ngon (Ảnh: sưu tầm)

Lưu ý khi làm cua sốt me 

Hương vị của cua sốt me phụ thuộc vào nhiều yếu tố và cần chú ý các điều sau đây để làm được cua sốt me ngon nhất:

  • Đối với cua biển, không nên cho quá nhiều muối vào để ướp bởi cua biển đã có vị mằn mặn sẵn.

  • Càng cua đập dập làm vỡ lớp vỏ cứng bên ngoài để khi ướp, thịt cua bên trong sẽ ngấm được gia vị. Không nên đạp nát quá nhé. 

  • Nên lăn cua qua một lớp bột trước khi chiên để cua chiên xong vẫn giữ được phần nước ngọt bên trong. Nên nhớ là chỉ lăn phần vết cắt qua bột chứ không lăn cả miếng cua đâu nhé. 

  • Nên chiên cua ở mức lửa lớn, sau đó hạ nhỏ lửa và trước khi vớt cua ra thì nên để lửa lớn để hạn chế dầu thấm vào trong cua. Không nên chiên cua quá lâu hoặc chiên trong lửa lớn quá vì sẽ làm cho thịt cua bị khô, không có vị ngọt tự nhiên nữa. 

  • Không nên nêm quá nhiều bột ngọt khi làm cua sốt me nhé. 

cua-sot-me-6
Lưu ý khi làm cua sốt me (Ảnh: sưu tầm)

Với cách làm cua sốt me được trình bày ở trên, hy vọng rằng bạn sẽ biết cách chế biến món ăn siêu ngon này để thưởng thức và chiêu đãi gia đình. Đừng quên theo dõi danh mục Bếp nhà của Tiếp thị & Gia đình để biết thêm nhiều cách làm món ăn ngon khác nhé!

Cùng chuyên mục