Thứ sáu, 30/06/2023, 06:58 (GMT+7)

Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam trả lời những thông tin nóng hổi về quảng cáo

Biên Thùy (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Hiện nay tình trạng quảng cáo trang web cờ bạc trên ghế đá, quảng cáo cá độ bóng đá trên không gian mạng, nghệ sỹ quảng cáo sai sự thật đang diễn biến hết sức phức tạp. Mặc dù đã bị xử phạt nhưng các đối tượng vẫn ngang nhiên vi phạm nhiều lần.

Liên quan đến thông tin hàng loạt quảng cáo ghế đá ở TP. Thủ Đức (Hồ Chí Minh) bị các đối tượng lạ mặt xịt sơn quảng cáo trang web cờ bạc, bóng đá khiến người dân bức xúc, mới đây, tại chương trình "Vấn đề hôm nay" phát sóng trên VTV1, ông Nguyễn Trường Sơn (Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam) đã có những chia sẻ cụ thể về thực trạng quảng cáo tại nước ta.

Cần xác định rõ 7 chủ thể tiếp cận sản phẩm quảng cáo 

- Thưa ông Nguyễn Trường Sơn, chỉ những doanh nghiệp đủ điều kiện mới được phép kinh doanh, đặt cược cá độ bóng đá. Và việc quảng cáo bóng đá công khai như vậy có vi phạm pháp luật hay không?

Việc quảng cáo cá độ bóng đá hoàn toàn là hành vi vi phạm pháp luật. Hiện nay nước ta chỉ có những công ty được cấp phép kinh doanh trò chơi thể thao có thưởng chứ không phải cấp phép quảng cáo cá độ. Chỉ cần liên quan đến cá độ là đã vi phạm pháp luật. Đặc biệt là các hình thức quảng cáo trên không gian mạng, nền tảng mạng xã hội.

ng Nguyễn Trường Sơn 2

Ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam

- Vậy với hành vi tự ý xịt sơn lên ghế đá để quảng cáo trang web cá độ thì vi phạm những quy định nào trong lĩnh vực quảng cáo hiện nay?

Rõ ràng nếu quảng cáo sai sự thật sẽ bị xử phạt và để xử phạt thì chúng ta phải định hình lại khái niệm quảng cáo. Một sản phẩm quảng cáo sẽ có 7 chủ thể tiếp cận. Chủ thể đầu tiên là nhãn hàng, các đơn vị trả tiền để truyền tải, quảng bá sản phẩm của mình. Chủ thể thứ 2 là đơn vị sản xuất ra sản phẩm quảng cáo ví dụ như tạo bảng biển, làm clip... Chủ thể thứ 3 là phương tiện truyền tải thông điệp của nhãn hàng đó. Chủ thể thứ 4 rất quan trọng chính là người trực tiếp tham gia vào việc truyền tải thông điệp, ví dụ như những diễn viên, nghệ sỹ quảng cáo. Chủ thể thứ 5 là các đại lý phát hành quảng cáo. Thứ 6 chính là người dân – những người tiếp cận sản phẩm quảng cáo, ở đây nếu người dân tiếp cận sản phẩm quảng cáo sai nhưng tuyên truyền, cổ súy thì cũng vi phạm pháp luật. Chủ thể cuối cùng là các cơ quan quản lý liên ngành về vấn đề quảng cáo.

Trên cơ sở 7 chủ thể này chúng ta mới có thể đưa ra chế tài xử phạt nghiêm minh cho các hành vi vi phạm quảng cáo. Quay lại câu chuyện phun sơn ở ghế đá, nếu nói về phạt hành chính thì chúng ta không biết phạt như thế nào. Nhưng nếu nói về luật căn cứ trên 7 chủ thể thì hiểu rằng ghế đá đó nằm ở công viên do công ty công viên quản lý và có bảo vệ, tại sao bảo vệ lại để cho các đối tượng quảng cáo vẽ bậy mà không kiểm tra, xử lý. Cho nên các chủ thể này liên quan đến nhau và các cơ quan Nhà nước buộc phải suy nghĩ điều chỉnh, đưa ra các mức độ xử phạt khác nhau phù hợp và mang tính răn đe.

- Thưa ông, việc chủ động xịt sơn quảng cáo vào ban đêm rõ ràng là vi phạm nhưng với những hành vi công khai hơn thì sao? Ví dụ như quảng cáo ngay trên cánh cửa của xe taxi hay xe buýt mà nội dung dẫn đến những trang web cá độ bóng đá. Vậy theo ông, trường hợp này căn cứ vào 7 chủ thể thì sẽ xử phạt như thế nào?

Trước hết người vẽ quảng cáo lên cánh cửa taxi, xe buýt dứt khoát phải chịu trách nhiệm. Việc truy ra ai là người thuê người quảng cáo đó chính là chủ thể thứ 2. Thứ 3 là taxi, xe buýt đó khi được vẽ quảng cáo lên cánh cửa có tiếp tục chạy ra đường không hay vì có quảng cáo này mà không dám ra đường? Nếu biết sai mà vẫn đi ra đường tức là đã tuyên truyền quảng cáo và sẽ bị xử phạt. Công ty quản lý taxi, xe buýt vẫn cho tài xế lái xe chứa nội dung quảng cáo cá độ ra đường thì cũng vi phạm pháp luật. Mức độ như nào sẽ có mức xử phạt khác nhau. Nhưng hành vi thì rõ ràng là vi phạm.

- Nhìn rộng ra một chút thì quảng cáo ngoài trời trên các tòa nhà hay quảng cáo trong thang máy vi phạm thì sao, thưa ông?

Trước hết với quảng cáo ngoài trời được Bộ VHTTDL phụ trách, Bộ TTTT sẽ phụ trách quảng cáo trên nền tảng không gian mạng, quảng cáo trên báo chí, phát thanh, truyền hình. Hiện nay quảng cáo ngoài trời rất đa dạng, phong phú, phát triển mạnh và luật pháp vẫn chưa theo kịp được sự sáng tạo này. Nếu bây giờ người ta chiếu quảng cáo sai bậy lên tường của tòa nhà, chúng ta sẽ không biết phải xử lý như thế nào, cho nên khi lập luận chúng ta phải lường trước được tương lai có những gì.

ng Nguyễn Trường Sơn 1

Ông Nguyễn Trường Sơn chia sẻ về thực trạng quảng cáo hiện nay tại Việt Nam

Lên án, tẩy chay nghệ sỹ quảng cáo sai sự thật là án phạt nặng nhất

- Thưa ông mức xử phạt hiện nay không nhiều so với nguồn lợi mà các đối tượng, đơn vị vi phạm nhận được. Vậy ngoài xử phạt còn có quy định nào khác nữa, nhất là trên không gian mạng?

Không gian trên mạng thiên biến vạn hóa và Bộ TTTT đã phải ra rất nhiều Nghị định dưới luật để tăng mức xử phạt đặc biệt nhất là mạng xã hội, các nền tảng xuyên biên giới như Facebok, TikTok, Youtube… Vừa qua Bộ cũng đã tiến hành thanh tra hàng loạt và đưa ra các chủ trương rất nghiêm.

Vấn đề đầu tiên là phải tuân thủ nghiêm pháp luật của Việt Nam dù có đặt ngoài lãnh thổ nước ta đi chăng nữa. Vấn đề thứ 2 là phải đảm bảo đóng thuế đầy đủ cho Chính phủ Việt Nam. Thứ 3 nếu tái phạm nhiều lần sẽ bị cấm cửa tại Việt Nam. Cách làm của Bộ TTTT theo chỉ đạo của Chính phủ là vô cùng kiên quyết. Chính vì vậy hiện nay Facebok, TikTok, Youtube… đã có một số cam kết giảm tải số lượng quảng cáo sai phạm. Theo thống kê trong năm 2023, những quảng cáo sai phạm, đặc biệt là nói xấu, xuyên tạc Nhà nước Việt Nam đã giảm đi rất nhiều.

- Quảng cáo sai sự thật là quảng cáo lừa dối người tiêu dùng. Nói về vấn đề này thì tại Việt Nam có rất nhiều nghệ sỹ từng quảng cáo các sản phẩm mà không đọc rõ thông tin về chất lượng, công dụng và cũng đã bị xử lý. Với những kinh nghiệm của quốc tế trong việc đối phó vấn đề này, theo ông chúng ta có thể ứng dụng những điều nào vào thị trường quảng cáo Việt Nam?

ng Nguyễn Trường Sơ

Ông Sơn cho biết năm 2023 những quảng cáo sai phạm ở nước ta đã giảm đi rất nhiều

Trước hết quảng cáo sai sự thật rõ ràng đã vi phạm Luật Quảng cáo, để có khả năng xử phạt được thì chúng ta phải hoàn thiện hành lang pháp lý. Muốn thế thì Luật Quảng cáo và các Nghị định dưới luật về vấn đề xử phạt phải tăng mạnh để đủ sức răn đe khiến người ta sợ không dám làm nữa. Điều quan trọng thứ hai là với những hành vi quảng cáo sai sự thật như vậy cần có sự lên án, tẩy chay, phản đối của dư luận xã hội. Tôi nghĩ cái án đó còn nặng hơn so với số tiền bị xử phạt. Với các nghệ sỹ quảng cáo sai sự thật mà bị các cơ quan truyền thông báo chí đăng lên và khi đã bị xã hội tẩy chay thì những người này sẽ không còn đất diễn. Như vậy việc xây dựng dư luận xã hội để bài trừ cái xấu, xây dựng cái tốt là điều vô cùng quan trọng và phải nhờ sự hỗ trợ đắc lực của các cơ quan báo chí, truyền thông.

- Cảm ơn ông vì những chia sẻ này!

Quảng cáo trái phép có thể là nội dung hoặc hình thức trái phép. Dù là như thế nào cũng đưa đến khách hàng những thông tin không đúng sự thật, thậm chí là nội dung xấu độc. Tuy nhiên khách hàng là người dùng cuối cùng, chúng ta sẽ chỉ mất tiền khi thực hiện theo những lời quảng cáo đó. Vì vậy bên cạnh các chế tài xử phạt đã và đang được tăng nặng để nâng cao tính răn đe với các bên thực hiện thì chúng ta cũng phải nâng cao tính cảnh giác với những quảng cáo trái phép, hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt là đề phòng với những quảng cáo mang đến quá nhiều lợi ích mà chẳng tốn chút công sức tiền bạc cho nó. Bởi không có miếng pho mát nào miễn phí, luôn có những chiếc bẫy sẵn sàng rình rập chúng ta mọi lúc mọi nơi.

Cùng chuyên mục