Mâm cơm Việt ấm cúng, siêu thực từ đất sét của chàng trai 8X khiến ai cũng thán phục
Anh Nguyễn Tấn Đạt đã có cách giữ hồn món ăn Việt qua mô hình đất sét được nặn hoàn toàn bằng tay, không dùng khuôn tạo hình.
Nằm vùng trong một nhóm về ẩm thực trên mạng xã hội đã lâu, tuy nhiên với kinh nghiệm vẽ hơn 12.000 tác phẩm cá 3D, anh Nguyễn Tấn Đạt (Quận 3, TP.HCM) tập nặn mô hình các món ăn bằng đất sét thuần Việt khiến cư dân mạng trầm trồ, thán phục.
Anh Đạt chia sẻ, tác phẩm đầu tay được anh thực hiện vào năm 2020. Thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát cũng như bao người khác mọi công việc hàng ngày của anh Đạt bị ngưng đọng. Để tận dụng thời gian nhàn rỗi, anh xem lại các phim tư liệu mà mình từng ghi nhận được ở miền Tây.
Qua những thước phim đó, anh nhớ cảnh vật, con người vùng sông nước phương Nam, xuất phát từ đó anh Đạt quyết định nặn thử món cá khô, một món ăn đặc trưng của vùng đất này.
Nói đến lý do lựa chọn nguyên liệu để nặn, anh Đạt chia sẻ sau khi phát hiện được loại đất nặn thuần Việt do một thợ thủ công làm hoa đất tạo ra, anh đã quyết định sử dụng chất liệu này cho các sản phẩm của mình.
Anh Đạt thông tin thêm, trước đó phần nhiều người chơi đất nặn đều phải dùng đất sét của nước ngoài. Sau đó, anh vô tình biết có một người bạn của mình tạo ra được loại đất sét thuần Việt.
Từ đó, anh càng có quyết tâm thực hiện mô hình món ăn độc đáo của người Việt và từ nguyên liệu do người Việt tự sáng tạo.
Với những kinh nghiệm sẵn có của mình, anh Đạt không gặp quá nhiều khó khăn trong quá trình hoàn thành sản phẩm của mình. Điều duy nhất khiến anh trăn trở là về cách diễn tả món ăn sao cho “có hồn”.
Theo đó, mỗi mô hình món ăn được anh Đạt làm trong khoảng từ 1 đến 2 ngày tùy vào độ khó. Anh dành thời gian nghiên cứu lịch sử món ăn theo cách nấu, khẩu vị của từng vùng miền.
Ngoài ra, anh còn tìm hiểu cả cách thức chế biến món ăn, tạo cảm hứng thực tế để mô hình thực sự sống động, “có hồn”.
Sau món cá khô, anh Nguyễn Tấn Đạt mạnh dạn thực hiện mô hình các món mắm, cá lóc nướng, đuông dừa…Các bộ sưu tập Góc miền Tây, Mâm cơm Tết ba miền, Hộp mứt truyền thống, 30 món ăn Việt Nam… lần lượt được hoàn thành và nhận được nhiều sự ủng hộ.
Mô hình món ăn được đưa lên mạng xã hội, nhiều người xem còn nghĩ đây là món ăn thật. Phải đến khi anh Đạt tiết lộ tất cả đều được anh làm bằng đất sét ai cũng đều cảm thấy giật mình, khó tin.
Anh Đạt cũng tâm sự, chính cảm xúc “mắt chữ A miệng chữ O” của người xem đã khiến anh rất tự hào và càng có thêm động lực để sáng tạo thêm các sản phẩm món ăn truyền thống Việt Nam từ đất sét.
Sau 4 năm thực hiện các mô hình bằng đất sét, anh Đạt đang thương mại hóa một số tác phẩm. Tùy theo độ khó, kích thước, anh Đạt bán từ 500.000 – 1 triệu đồng/mô hình.
Theo đó, giá trị của sản phẩm thể hiện sự kỳ công của người sáng tạo. Do tác phẩm đều được làm bằng tay, không qua khuôn đúc nên giá thành cao. Một số người yêu thích nghệ thuật, đặc biệt là các sản phẩm mô hình làm thủ công đã không ngần ngại tìm đến và chi tiền để đặt hàng.
Về độ bền của tác phẩm, anh Đạt đã thử nghiệm trưng bày trong 3 năm nhưng vẫn không bị hư hại. Anh chia sẻ: “Nếu đặt mô hình trong hộp kính thì đảm bảo độ bền và màu sắc không thay đổi theo thời gian.”
Theo anh Đạt, khách du lịch rất thích sản phẩm riêng biệt, độc đáo của vùng đất mà họ tham quan. Ở Việt Nam, sản phẩm Local Brand (thương hiệu địa phương) còn thiếu.
Chính lý do này đã thúc đẩy anh mong muốn phát triển mô hình đất nặn để du khách mua làm quà tặng, truyền tải thông điệp văn hóa, ẩm thực Việt đến thế giới.