Chủ nhật, 02/07/2023, 08:48 (GMT+7)

Cha mẹ chú ý để không mắc phải những sai lầm này khi pha sữa cho con

PV (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Pha sữa bột không đúng cách có thể gây hại đến sức khỏe của trẻ. Cha mẹ cần chú ý để không mắc phải những sai lầm này.

Pha sữa sai công thức của nhà sản xuất

Mỗi loại sữa bột đều có công thức pha khác nhau, được ghi rõ trên bao bì của hộp sữa. Tuy nhiên, có nhiều cha mẹ không chú ý đến việc này hoặc cho rằng thêm chút sữa bột để bé no lâu hơn cũng không sao. Thực tế, việc cho nhiều bột sữa vượt quá mức quy định in trên bao bì của nhà sản xuất sẽ cung cấp hàm lượng dinh dưỡng nhiều hơn cơ thể bé cần. Từ đó, làm bé khó hấp thu hơn, các dưỡng chất còn thừa ứ đọng khiến thận trẻ làm việc quá tải, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ.

pha sua Tiepthigiadinh H1
Nhiều người nghĩ rằng cho nhiều sữa bột cho bé hơn sẽ giúp bé no bụng hơn và tăng cân tốt

Bên cạnh đó, việc sử dụng thìa đong sữa không chuẩn, dùng không đủ lượng sữa bột được nhà sản xuất khuyến cáo, hoặc pha với quá nhiều nước có thể khiến sữa bị loãng. Sữa sẽ không cung cấp đủ dưỡng chất thiết yếu mà cơ thể bé cần, lâu dần bé sẽ thiếu hụt dinh dưỡng, không phát triển về cân nặng, chiều cao và dễ đau ốm.

Dùng nước không đúng nhiệt độ

Nhiệt độ nước quá cao sẽ khiến cho các thành phần dinh dưỡng trong sữa dễ dàng bị tiêu hủy, phá vỡ các liên kết của vitamin và làm chết lợi khuẩn có trong sữa. Còn nhiệt độ nước quá nguội sẽ không thể hòa tan hoàn toàn bột sữa, khiến sữa bị vón cục, gây ra các cặn sữa.

Nhiều mẹ pha nước lạnh và nước sôi để tạo thành nước ấm, tuy nhiên điều này không được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích. Tốt nhất, mẹ nên dùng nước đun sôi để nguội đến đúng nhiệt độ phù hợp với từng loại sữa. Có thể mua các loại nhiệt kế đo nhiệt độ nước pha sữa hoặc dùng các loại máy pha sữa chuyên dụng với nhiệt độ nước được điều chỉnh theo yêu cầu.

Dùng nước khoáng, nước cháo, nước hoa quả để pha sữa

Một số người nghĩ nước khoáng rất sạch sẽ nên dùng loại nước này để pha sữa rất an toàn cho bé. Tuy nhiên, các chất khoáng có trong nước sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện của bé, gây ra sỏi thận nếu sử dụng trong thời gian dài, thậm chí còn dẫn đến các bệnh lý khác như mệt mỏi, khát nước, khô tế bào...

pha sua Tiepthigiadinh H2
Nên dùng nước lọc đun sôi để nguội để pha sữa cho bé

Nước cơm và cháo chứa vitamin B1, tinh bột, glucid, khi với sữa sẽ khiến hàm lượng dinh dưỡng vượt qua giới hạn hấp thụ tiêu hóa của trẻ. Tinh bột và lipoxidase trong nước cơm và cháo sẽ phá hoại vitamin A trong sữa. Hơn nữa, tinh bột và canxi trong sữa cạnh tranh để được hấp thu khiến khả năng tiếp nhận canxi của bé giảm đi, khiến trẻ chậm phát triển chiều cao, khó ngủ, còi xương, suy dinh dưỡng...

Nước trái cây cũng không thích hợp dùng để pha sữa vì trong nước trái cây có chứa nhiều vitamin C và một số acid hữu cơ. Các chất này sẽ làm vón casein, gây kết tủa và làm biến chất protein khiến trẻ khó tiêu và đầy bụng.

Lắc quá mạnh bình sữa

Nhiều cha mẹ có thói quen lắc mạnh bình sữa để sữa nhanh tan hơn, kịp thời cho bé uống. Tuy nhiên, lắc mạnh bình sữa dễ tạo nhiều bọt khí. Trẻ nuốt nhiều bọt khí dễ bị đầy hơi sau khi uống, gây khó chịu cho hệ tiêu hóa.

Thay vì lắc bình sữa mạnh, khi vặn nắp bình sữa, cha mẹ nên giữ bình sữa trong 2 tay, lăn qua lại theo chiều ngang hoặc cầm bình sữa và di chuyển theo chuyển động tròn. Hoặc cha mẹ cũng có thể dùng thìa sạch của bé khuấy tan sữa rồi mới đóng nắp bình. Ngoài ra, nên sử dụng những loại bình có núm chống sặc, chống bọt khí để giảm bớt lượng bọt khí khi pha sữa.​

Cùng chuyên mục