Tiếp Thị Gia Đình

Thứ hai, 26/06/2023, 11:36 (GMT+7)

Rửa mũi hằng ngày cho trẻ, cha mẹ nên làm hay không?

Rửa mũi là việc làm được nhiều cha mẹ áp dụng khi trẻ mắc bệnh hô hấp giúp mũi trẻ sạch sẽ hơn. Vậy có nên rửa mũi cho trẻ hằng ngày không?

Có nên rửa mũi cho trẻ thường xuyên không?

Những ngày thời tiết thất thường như hiện tại ở miền Bắc, nhiều trẻ bị mắc các bệnh đường hô hấp như sổ mũi, nghẹt mũi, ho... Rửa mũi là phương pháp được nhiều cha mẹ lựa chọn để giúp giảm triệu chứng và phòng các bệnh hô hấp cho trẻ. Nhiều cha mẹ cho rằng, rửa mũi hằng ngày sẽ tốt cho trẻ, kể cả khi trẻ khỏe mạnh. Điều này có đúng không?

Về vấn đề này, PGS.TS.BS chuyên khoa Nhi Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: "Không cần thiết phải làm như vậy, đó là cách làm sai. Khi nào con ốm mới cần phải vệ sinh mũi hàng ngày cho bé. Lý do không nên vệ sinh mũi cho bé hàng ngày kể cả bằng nước muối sinh lý là vì cấu trúc, niêm mạc mũi có hệ thống luân chuyển, rung liên tục để nếu như hít phải các bụi bặm, virus, vi khuẩn, các tác nhân gây bệnh... thì ngay lập tức nó rung chuyển để đẩy chúng ra ngoài. Đôi khi có thể tiết dịch một chút, đồng thời hắt hơi, sổ mũi để đẩy bụi bẩn, giúp vi khuẩn ra ngoài. 

Đó là quá trình miễn dịch của cơ thể. Như vậy khi con không bị bệnh, mũi đang ở trạng thái sạch nhất, đôi khi rửa lại khiến mũi con bẩn thêm nếu tay chân bố mẹ, dụng cụ rửa mũi không sát trùng, lọ nước muối sinh lý để quá lâu cũng tự nhiễm trùng. Thế nên bố mẹ hãy bỏ thói quen rửa mũi hàng ngày khi con đang khỏe mạnh. Trên thực tế, bé nào bị rửa đi rửa lại mũi hàng ngày đều xảy ra tình trạng ốm đau triền miên, không khỏi hẳn".

Vệ sinh mũi cho trẻ quá nhiều có thể gây kích ứng niêm mạc mũi hoặc làm mất đi chất dịch bảo vệ tự nhiên
Vệ sinh mũi cho trẻ quá nhiều có thể gây kích ứng niêm mạc mũi hoặc làm mất đi chất dịch bảo vệ tự nhiên

Vì vậy, khi trẻ bị bệnh hoặc bị kích ứng, mẫn cảm với yếu tố nào đó, dẫn tới tình trạng đường thở bị hẹp lại với các triệu chứng như thở khò khè, khó thở, sổ mũi... Lúc đó cha mẹ mới nên vệ sinh mũi cho con để làm giảm triệu chứng, phòng bệnh tiến triển nặng hơn.

Rửa mũi cho trẻ thế nào là hợp lý và đúng cách?

Tần suất rửa mũi

Tuỳ thuộc vào tình trạng trẻ gặp phải, cha mẹ có thể tiến hành rửa mũi với tần suất như sau:

- Trẻ nhỏ mắc các bệnh như cảm cúm, cảm lạnh, viêm xoang, viêm mũi dị ứng, nên vệ sinh mũi cho trẻ hằng ngày và 1 - 2 lần/ngày.

- Trẻ nhỏ thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, khói bụi… nên vệ sinh mũi cho trẻ 2 lần/tuần.

Cách rửa mũi

Trẻ dưới 1 tuổi

Cho trẻ nằm trên gối cao hoặc nằm nghiêng trên mặt phẳng để trẻ không bị sặc vào đường thở khi tiến hành vệ sinh mũi.

Nhỏ 1 - 2 giọt nước muối vào mũi trẻ để tạo độ ẩm, giúp chất nhầy loãng ra và dễ hút hơn.

Đợi 1 đến 2 phút rồi dùng tăm bông hoặc khăn bông thấm nhẹ các phần dịch tiết ra trong lỗ mũi bé. Cha mẹ không nên ngoáy mạnh hoặc đưa khăn và quá sâu vì có thể làm tổn thương mũi của bé.

Cha mẹ có thể dùng dụng cụ hút mũi để hút dịch nhày trong mũi trẻ
Cha mẹ có thể dùng dụng cụ hút mũi để hút dịch nhày trong mũi trẻ

Nếu mũi bé có nhiều dịch nhầy, cha mẹ có thể dùng dụng cụ hút mũi chuyên dụng để hút phần dịch này ra bên ngoài.

Dùng khăn giấy mềm lau sạch mũi, dãi rồi vứt bỏ ngay sau khi sử dụng. Không nên dùng khăn xô vì sau mỗi lần lau mũi, dãi cho trẻ, nếu không thay khăn mới, dùng lại khăn cũ vi khuẩn/virus vẫn bám lại trên khăn.

Trẻ 1 - 2 tuổi

Pha nước muối sinh lý ấm (loại cho trẻ) vào bình và nhỏ vào từng hốc mũi của trẻ

Dùng 2 ngón tay day 2 cánh mũi cho nước mũi chảy ra

Làm như vậy 2 đến 3 lần để làm sạch hốc mũi của trẻ

Đảm bảo trẻ mở miệng trong quá trình vệ sinh mũi để nước từ mũi không chảy vào họng

Dùng khăn giấy lau sạch và làm khô vùng mũi sau khi đã vệ sinh 2 bên mũi xong.

Trẻ trên 3 tuổi

Pha nước muối sinh lý ấm (loại cho trẻ) vào bình

Để trẻ đứng nghiêng đầu 1 góc 45 độ rồi xịt nước muối vào 1 bên cánh mũi để nước muối chảy từ mũi bên này sang mũi bên kia và sau đó đi ra ngoài

Đảm bảo trẻ mở miệng, không được thở bằng mũi vì có thể gây sặc

Cha mẹ nên nhắc nhở trẻ mở miệng trong quá trình rửa mũi
Cha mẹ nên nhắc nhở trẻ mở miệng trong quá trình rửa mũi

Hướng dẫn trẻ xì mũi nhẹ để đẩy hết dịch ra bên ngoài

Dùng khăn giấy lau sạch và làm khô vùng mũi sau khi đã vệ sinh 2 bên mũi xong.

Ngoài cách rửa mũi, cha mẹ có thể sử dụng máy tạo độ ẩm để làm giảm chất nhầy trong mũi, giúp trẻ thở thoải mái hơn.

Một số lưu ý khi rửa mũi cho trẻ

Cha mẹ cần chọn dung dịch rửa mũi phù hợp. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng.

Nên rửa mũi cho trẻ đúng thời điểm, tốt nhất là trước khi ăn và ngủ.

Tuyệt đối không rửa mũi khi trẻ vừa ăn no và khóc bởi trẻ có bị sặc hoặc nôn trớ. Tuyệt đối không rửa mũi khi trẻn ngủ, bởi có thể làm dung dịch vệ sinh bị ứ đọng và chảy tới các cơ quan khác như tai, họng.

Đảm bảo vệ sinh các dụng cụ vệ sinh mũi và tay của cha mẹ phải sạch sẽ khi rửa mũi, tránh các loại vi khuẩn, virus xâm nhập vào mũi gây bệnh cho trẻ.

Nếu gặp khó khăn trong quá trình rửa mũi, cha mẹ nên đưa con đến bệnh viện để được tư vấn và rửa mũi đúng cách.

Cùng chuyên mục