Thứ sáu, 16/06/2023, 13:58 (GMT+7)

Mẹ đã biết cách tiệt trùng bình sữa an toàn cho bé chưa?

PV (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Bình sữa nếu không được tiệt trùng kỹ lưỡng sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Mẹ đã biết đến các cách tiệt trùng bình sữa phổ biến hiện nay chưa?

Tại sao phải tiệt trùng bình sữa cho bé?

Tiệt trùng bình sữa là việc làm quan trọng mà các mẹ phải hết sức lưu ý bởi nó có những ích lợi sau:

  • Loại bỏ nấm mốc, vi khuẩn bám trên bình: Bình sữa nếu không được tiệt trùng kỹ lưỡng, lâu ngày sẽ khiến vi khuẩn, nấm mốc tích tụ trong bình và xâm nhập vào cơ thể của bé và gây ra các bệnh như tiêu chảy, nhiễm nấm...
  • Bảo vệ sức khỏe của bé: Một bình sữa được tiệt trùng sạch và vô trùng sẽ giúp bảo vệ hệ miễn dịch cho trẻ và tránh mắc phải các bệnh về tiêu hóa.

Bao lâu thì nên tiệt trùng bình sữa cho bé?

Cần tiệt trùng các bộ phận của bình sữa trước khi sử dụng lần đầu tiên và ngay sau khi sử dụng để loại bỏ và ngăn ngừa các loại vi khuẩn xâm nhập. Nếu không có thời gian tiệt trùng sau mỗi lần sử dụng, bạn có thể vệ sinh sạch bình sữa và tiệt trùng bình vào mỗi tuần 2 - 3 lần để đảm bảo an toàn.

Các cách tiệt trùng bình sữa cho bé

Mẹ có thể tham khảo và lựa chọn các cách sau tiệt trùng bình sữa cho bé:

Tiệt trùng bằng phương pháp đun sôi

Cách thực hiện:

  • Cho nước lạnh vào ngập 2/3 nồi và đun sôi
  • Tháo rời các bộ phận của bình sữa và đặt vào nồi nước sôi
  • Đun sôi 5-10 phút với bình thủy tinh và 3-5 phút với bình nhựa. Sau đó thì cho thêm núm ti, nắp bình và đun thêm 3-5 phút để đạt được hiệu quả tốt nhất
  • Dùng kẹp gắp các bộ phận ra và đặt lên một tấm khăn khô cho ráo nước. Để bình tự khô trong không khí trước khi sử dụng
tiet trung binh sua Tiepthigiadinh H1
Tiệt trùng bằng phương pháp đun sôi đã được áp dụng từ lâu

Ưu điểm: Đun sôi là phương pháp tiệt trùng bình sữa truyền thống, vừa tiết kiệm, vừa dễ thực hiện.

Nhược điểm: Hiệu quả tiệt trùng không cao và mất khá nhiều thời gian để thực hiện. Bình sữa bằng nhựa tiệt trùng theo cách này cũng sẽ nhanh bị hỏng hơn.

Tiệt trùng bằng hơi nước từ nồi hấp

Cách thực hiện:

  • Cho nước khoảng 2/3 nồi 
  • Chuẩn bị một vỉ sắt đặt lên trên miệng nồi hấp
  • Úp ngược bình sữa và các bộ phận khác lên vỉ
  • Bắt đầu đun sôi và duy trì trong khoảng từ 20-30 phút. Sau đó tắt bếp và lấy bình sữa và các bộ phận còn lại ra

Ưu điểm: Phương pháp khá đơn giản và tiết kiệm chi phí.

Nhược điểm: Đây là cách làm thủ công, mất tương đối nhiều thời gian.

Tiệt trùng bằng lò vi sóng

Cách thực hiện:

  • Đổ nước vào khoảng 1/2 bình sữa
  • Cho bình sữa vào lò vi sóng
  • Đặt núm ti và một số vật dụng khác vào một cái tô được đổ đầy nước
  • Để trong lò vi sóng từ 1 - 2 phút
tiet trung binh sua Tiepthigiadinh H2
Lưu ý không cho bình kim loại vào lò vi sóng

Ưu điểm: Là phương pháp tiệt trùng nhanh chóng và rất hiệu quả.

Nhược điểm: Không thích hợp để sử dụng cho các loại bình kim loại và nhựa dẻo vì có thể sinh ra tia lửa điện hoặc làm biến dạng bình sữa.

Sử dụng chất tẩy rửa chuyên dụng và cọ rửa chuyên dụng

Cách thực hiện:

  • Pha một ít nước rửa chuyên dụng với nước lọc (xem hướng dẫn sử dụng để có tỉ lệ pha thích hợp và chú ý thành phần an toàn cho bé).
  • Nhúng ngập hoàn toàn tất cả các bộ phận của bình sữa sao cho dung dịch thấm vào tất cả các lỗ trên núm ngậm và không có bọt khí
  • Ngâm bình sữa trong thời gian khuyến nghị, thường là ít nhất 2 phút
  • Lấy tay hoặc kẹp sạch gắp bình sữa ra
  • Không cần rửa sạch sau khi khử trùng vì vi trùng có thể xâm nhập trở lại vào các vật dụng đã được khử trùng. Lượng thuốc tẩy còn sót lại sẽ nhanh chóng “biến mất” khi bình khô và không làm tổn thương em bé.

Ưu điểm: Nước rửa bình sữa và cọ rửa chuyên dụng là sản phẩm dịu nhẹ và có khả năng làm sạch sâu, hạn chế tối đa sự phát triển của các vi khuẩn có hại.   

Nhược điểm: Phương pháp này có thể làm mất vị ngon của sữa.

Tiệt trùng bằng nước cốt chanh 

Cách thực hiện: 

  • Pha hỗn hợp nước cốt chanh và nước ấm theo tỉ lệ 1:1
  • Đậy nắp bình và lắc mạnh, sau đó đổ nước ra ngoài.
  • Tháo hết các bộ phận của bình sữa và ngâm từ 6 - 8 tiếng trong nước.
  • Sau khi ngâm xong, tráng lại bằng nước sạch để loại bỏ hết hỗn hợp chanh còn sót lại trên bình. 
tiet trung binh sua Tiepthigiadinh H3
Sử dụng chanh để rửa bình khá an toàn

Ưu điểm: tiện dụng và an toàn.

Nhược điểm: không đạt được hiệu quả tiệt trùng cao, cần phải sử dụng liên tục thì mới đạt kết quả tốt. 

Tiệt trùng bằng máy tiệt trùng hơi nước

Cách thực hiện: 

  • Vệ sinh thật sạch các bộ phận của bình sữa
  • Đổ nước vào khoang của máy tiệt trùng bình sữa theo hướng dẫn của từng loại máy.
  • Đặt bình sữa và các bộ phận của bình vào máy: Úp bình sữa vào giá đỡ sau đó đặt khay phụ kiện (núm ti, ti giả...) ở phía trên.
  • Đậy nắp lại, cắm điện và bật nút công tắc nguồn.
  • Sau khi tiệt trùng xong (khoảng 5 - 6 phút), máy sẽ tự động ngắt. Khi bạn đậy nắp của máy tiệt trùng, các vật dụng trong máy sẽ được giữ vô trùng, không bị vi khuẩn xâm nhập trong vòng 3 giờ.
  • Khi cần dùng bình sữa ngay, bạn nên sử dụng kẹp gắp chuyên dụng để tránh vi khuẩn có cơ hội tiếp xúc và xâm nhập vào bình sữa.

Ưu điểm: Nhanh chóng, tiện dụng và an toàn. Tiệt trùng sạch sẽ và mang lại hiệu quả cao. Có thể tiệt trùng các dụng cụ khác của bé: ti giả, bàn chải…

Nhược điểm: Tốn kém tiền mua máy so với các phương pháp truyền thống, cần vệ sinh máy móc thường xuyên và vẫn còn đọng hơi nước (nếu không có chế độ sấy khô).

Tiệt trùng bằng máy tiệt trùng tia UV

Cách thực hiện:

  • Bước 1: Mở cửa máy tiệt trùng.
  • Bước 2: Đặt các chi tiết bình sữa vào bên trong theo từng ngăn phù hợp. Hướng phần miệng bình sữa lên trên.
  • Bước 3: Đóng cửa máy, cắm nguồn điện.
  • Bước 4: Chạm nút và chọn các chế độ chức năng cần tiết. Khởi động.
  • Bước 5: Máy sẽ tự động ngắt và thông báo khi hoàn thành. Mẹ có thể sử dụng ngay hoặc bảo quản bên trong máy khử trùng.
tiet trung binh sua Tiepthigiadinh H4
Tiệt trùng bằng máy tiệt trùng tia UV được nhiều mẹ sử dụng

Ưu điểm: Công nghệ tia UV sẽ tiêu diệt vi khuẩn bên ngoài bề mặt bình, mặt trong sẽ dựa trên cơ chế khuếch tán mang lại hiệu quả cao, độ bền bỉ tốt cũng như kết hợp nhiều chức năng khác từ sấy khô, hâm nóng… Có thể tiệt trùng các dụng cụ khác của bé: ti giả, bàn chải…

Nhược điểm: Tốn kém nhất trong số các phương pháp tiệt trùng

Cùng chuyên mục