Tiếp Thị Gia Đình

Thứ ba, 13/06/2023, 14:38 (GMT+7)

4 thời điểm cha mẹ nên học cách “mặc kệ” con

Giáo dục con cái là việc rất quan trọng, thế nhưng không phải cha mẹ nào cũng có phương pháp giáo dục con đúng cách để chúng thành đạt sau này. Cha mẹ cần học cách "mặc kệ" con ở những thời điểm này để con có thể phát triển độc lập, có tương lai triển vọng hơn.

"Mặc kệ" con tự làm

Con thức dậy và muốn tự mặc quần áo nhưng mẹ cảm thấy con làm sẽ lâu hơn, khiến con bị muộn học và không cho con thực hiện. Điều đó làm con có chút thất vọng. Mẹ nên cho bé dậy sớm hơn để có thể hướng dẫn bé tự làm những việc cá nhân.

mac ke con Tiepthigiadinh h1
Hãy dạy con tự làm những việc đơn giản

Khả năng làm việc của trẻ chưa cao nhưng bố mẹ nên để con tự làm những việc trong khả năng của mình. Hãy ở bên quan sát, động viên và chỉ dẫn để con làm đúng chứ đừng cấm con tự làm. Như vậy sẽ làm giảm bớt tâm lý dựa dẫm vào người lớn và giúp trẻ nâng cao khả năng tự xử lý việc của mình. Khi trẻ muốn làm và tự làm được sẽ có cảm giác thành tựu, cổ vũ trẻ tự lập hơn.

Mặc kệ con nhưng vẫn cần hướng dẫn, chỉ bảo cho trẻ. Trẻ tự thân vận động không đồng nghĩa với việc muốn làm gì thì làm, bố mẹ vẫn cần có trách nhiệm giáo dục, chỉ bảo cho con để trẻ được phát triển tốt nhất.

"Mặc kệ" khi con không đạt được thành tích như mong muốn

Cha mẹ nào cũng muốn con mình là những đứa trẻ giỏi giang, thông minh. Nhiều phụ huynh trong cuộc sống hiện nay đã vì vậy mà hay chạy theo thành tích. Người lớn đưa ra những yêu cầu, chuẩn mực khiến con trẻ dường như phải gồng mình lên để đáp ứng sự hoàn hảo trong mắt cha mẹ. Điều này vô tình tạo nên sự áp lực và kìm hãm khả năng sáng tạo, phát triển của con.

Không có cha mẹ nào là hoàn hảo, cho nên, cha mẹ hãy chấp nhận sự không hoàn hảo của con mình, chấp nhận những lúc con không đạt được điểm số cao... Cha mẹ thông minh sẽ chọn cách ứng xử chân thành với con khi đối mặt với những tình huống con chưa giỏi và chưa hiểu hoặc phạm sai lầm, không theo ý muốn của cha mẹ. Hãy sẵn sàng cùng con khám phá những điều con chưa biết, hoặc cùng con vượt qua những bài học khó khăn. Như vậy, chúng sẽ thoải mái chia sẻ và bày tỏ những điều chúng không biết, không hiểu. Qua đó, cha mẹ sẽ trở thành người bạn dòngo hành cùng con cái, giúp con tự tin thể hiện bản lĩnh hơn

"Mặc kệ" khi con mắc những lỗi nhỏ

Khi trẻ mắc lỗi, chỉ cần đó không phải là vấn đề quá nghiêm trọng, thì cha mẹ không nên can thiệp và kỷ luật quá nhiều. Nếu trẻ chỉ phạm một lỗi nhỏ mà cha mẹ đã cáu giận, phạt trẻ hoặc liên tục nhắc đi nhắc lại lỗi lầm đó thì trẻ sẽ trở nên tự ti và nhận thức lệch lạc về mức độ nghiêm trọng của lỗi lầm mà chúng phạm phải.

mac ke con Tiepthigiadinh h2
Cha mẹ nên học cách "mặc kệ" khi con mắc những lỗi nhỏ

Dần dần, vì con sợ sẽ mắc lỗi và bị cha mẹ trách mắng, khoảng cách của con và cha mẹ cũng sẽ xa hơn. Tình trạng này kéo dài ảnh hưởng nhiều đến khả năng sáng tạo và giới hạn sự phát triển về tính cách của con trong tương lai.

"Mặc kệ" con tự quyết định

Cuộc sống không phải lúc nào cũng suôn sẻ, thế nên việc con vấp phải những thất bại, khó khăn trong quá trình lớn lên là chuyện rất bình thường. Để con tự quyết định không phải là cha mẹ vô tâm mà là để con tự do phát triển. Cha mẹ luôn theo dõi và quan tâm đúng lúc để động viên con hoặc đưa ra những lời khuyên giúp con giải quyết phần nào khó khăn mà con gặp phải.

Cha mẹ cũng có thể phân tích tình hình để trẻ tự lựa chọn quyết định sẽ làm gì. Tính trách nhiệm của trẻ sẽ được hình thành từ chính những lúc được ra quyết định, trẻ sẽ phải suy xét cẩn thận và có chính kiến; từ lúc phải nỗ lực để hoàn thành các nhiệm vụ của mình vì mình đã lựa chọn...

Cùng chuyên mục