Mẹo tiết kiệm khi sử dụng các thiết bị điện trong gia đình
Vào mùa hè oi bức, nếu biết cách sử dụng các thiết bị điện đúng cách, gia đình bạn sẽ tiết kiệm được tối đa hóa đơn tiền điện.
Điều hòa
Điều hòa là một trong những thiết bị tiêu thụ nhiều điện năng nhất trong gia đình, đặc biệt là vào mùa hè oi bức. Bạn nên chọn điều hòa có công suất phù hợp với căn phòng và chọn loại máy có bộ điều chỉnh tự động bằng điện tử. Nhiệt độ thích hợp để sử dụng là trên 26 độ C, sẽ tiết kiệm được khoảng 30% điện năng.
Để không bị tốn điện, hãy thường xuyên vệ sinh, bảo dưỡng định kỳ và lau chùi bộ phận lọc không khí của máy để cho không khí dễ lưu thông, tiết kiệm điện năng tiêu thụ đồng thời giúp tăng tuổi thọ sử dụng của điều hòa.
Bình nóng lạnh
Bình nóng lạnh là một trong những thủ phạm ngốn điện nhiều nhất. Thông thường, bình nóng lạnh gián tiếp có công suất phổ biến ở mức 2.500W. Bình nóng lạnh trực tiếp có công công suất từ 3.500W đến 4.500W.
Nếu bạn bật bình nóng lạnh cả ngày mà không tắt, mức tiêu thụ điện năng sẽ tiêu tốn nhiều điện năng vầ tiền điện tương ứng. Bạn chỉ cần bật bình nóng lạnh 30 phút trước khi sử dụng. Khi nhiệt độ trên đèn báo đạt nhiệt độ phù hợp nên tắt đi để có thể tiết kiệm được nhiều điện.
Tủ lạnh
Tủ lạnh là một trong những thủ phạm ngốn nhiều điện trong gia đình. Một tủ lạnh 150 lít, công suất 100-150 W sẽ tiêu thụ khoảng 4-5 kWh/ngày. Tủ lạnh có công suất và kích thước lớn hơn sẽ tiêu thụ khoảng 6 kWh/ngày. Trong những ngày hè nóng nực, việc làm mát càng khiến tủ hoạt động nhiều hơn, mở tủ nhiều lần mà không nhanh chóng đóng lại cũng sẽ khiến hóa đơn tiền điện tăng lên.
Vì thế, bạn không nên đặt các thiết bị tản nhiệt khác như lò vi sóng, lò nướng... gần tủ lạnh bởi sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả làm lạnh cũng như làm tăng lượng tiêu thụ điện năng. Chú ý khi đóng mở tủ lạnh để không bị thoát quá nhiều hơi lạnh ra ngoài gây tốn điện.
Bếp điện
Một thiết bị gia dụng khác cũng tiêu tốn điện năng mà bạn ít khi để ý chính là bếp điện. Ngay từ khi mua bếp điện, bạn nên chọn đúng kích cỡ và chất liệu nồi dùng để nấu, việc dùng đúng loại nồi cho bếp thì quá trình nấu nướng sẽ nhanh chóng và tiết kiệm điện hơn. Bạn nên dùng nồi nấu có đáy phẳng, tròn, vừa với vòng lửa trên mặt bếp, sẽ giúp nhiệt tập trung làm nóng đáy nồi nhanh hơn.
Bếp phải vận hành với công suất lớn, do đó nấu ăn với nhiệt độ cao lâu chẳng những điện hao phí nhiều mà các thiết bị bên trong của bếp cũng bị ảnh hưởng. Nếu cần nấu ăn với nhiệt độ cao, nên chọn thời gian trong vài phút, sau đó hạ nhiệt độ xuống ở mức trung bình. Trước khi món ăn chín khoảng 5 phút, hãy tắt bếp bởi dù không còn điện vào bếp nhưng nhiệt lượng vẫn tỏa ra và làm chín thức ăn, lại giúp tiết kiệm điện hiệu quả.
Nồi cơm điện
Trong quá trình sử dụng nồi cơm điện, nhiều người cho rằng thiết bị này chỉ tiêu hao điện năng khi ở chế độ nấu, còn ủ hay hâm không gây tốn điện. Bởi vậy mới có những gia đình cắm cơm rất sớm và để ủ như vậy mấy tiếng đồng hồ. Đây là thói quen gây lãng phí bởi dù ở bất kỳ chế độ nào cũng tiêu hao năng lượng.
Khi không sử dụng, bạn nhớ rút phích cắm nồi cơm điện để giảm tiêu hao năng lượng. Hơn nữa, khung vỏ của thiết bị này cũng cần được lau chùi thường xuyên, tránh rỉ sét, làm tăng mức tiêu thụ điện năng.
Set-top box của TV
Mức tiêu thụ điện năng của TV không lớn nhưng nhiều người lại bỏ qua Set-top box – một thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình và chuyển dữ liệu hình ảnh và âm thanh lên màn hình TV. Thiết bị này nằm trung gian giữa nguồn tín hiệu và TV với công suất hoạt động thường là 16 W. Nếu chúng phải hoạt động cả ngày thì cũng tốn một khoản chi phí đáng kể trong gia đình.
Bên cạnh đó, khi ở trạng thái chờ, mức tiêu thụ điện năng của thiết bị này duy trì ở mức 6-7W. Đây là công suất cao nhất của các đồ dùng điện khác ở cùng trạng thái. Do đó, khi không sử dụng Set-top box, hãy rút nguồn điện. Nếu không rút phích cắm ra thiết bị vẫn sẽ chạy, từ đó chúng sẽ ngầm lấy đi rất nhiều điện.