CEO Tôn Nữ Xuân Quyên và bí quyết dạy con thời công nghệ
Để con trở thành công dân thời đại mới mà vẫn không đánh mất những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, Xuân Quyên dạy con một cách tự nhiên nhất, để con có thể cảm nhận và thêm yêu quê hương, biết quý trọng giá trị văn hóa tốt đẹp của nước Việt.
Tôn Nữ Xuân Quyên (sinh năm 1989) là một trong những nữ CEO nổi tiếng trong cộng đồng người trẻ khởi nghiệp. Sau khi tham gia gọi vốn tại Shark Tank mùa 4, đến nay CEO Tôn Nữ Xuân Quyên cùng công ty BLUSAIGON của cô đã gặt hái nhiều thành tựu nhất định trong kinh doanh. Bên cạnh đó, cô khiến không ít người phải ngưỡng mộ khi có một cuộc sống hạnh phúc bên gia đình nhỏ của mình.
Trong cuộc trò chuyện cùng Tiếp thị & Gia đình mới đây, CEO Tôn Nữ Xuân Quyên đã “bật mí” nhiều điều thú vị và bổ ích về chủ đề nuôi dạy con cái trong thời đại công nghệ hiện nay.
Luôn đối mặt với thất bại
- Xin chào CEO Tôn Nữ Xuân Quyên! Để có được những thành công với start-up BLUSAIGON như hiện tại, chị đã học hỏi và trau dồi kinh nghiệm từ đâu?
Trong hành trình 12 năm, mình học được rất nhiều thứ từ chính những lần thất bại trước đó. Các chiến lược mang đến tác dụng, mình kế thừa và phát huy, những mặt còn hạn chế, mình cố gắng khắc phục.
Bên cạnh đó, gia đình cũng là nguồn để mình học được nhiều điều. Mình nể phục sự chăm chỉ, chịu khó, không ngại thất bại của ba mẹ và cũng dần yêu thích, muốn gắn bó với công việc kinh doanh.
- Có một người bố là doanh nhân thành đạt, cơ hội để chị có thể phát triển bản thân là rất lớn. Nhưng song song với đó, chắc hẳn chị cũng sẽ cảm thấy nhiều áp lực?
Gia đình vừa là nơi để học hỏi, vừa là nơi giúp đỡ mình về mặt tài chính. Sự hỗ trợ từ gia đình có truyền thống 25 năm làm trang sức vỏ sò đã hỗ trợ mình rất nhiều. Sự thành công của ba mẹ cũng thúc đẩy mình phải tự cố gắng rất nhiều.
Mình không bao giờ dựa dẫm vào gia đình quá mức mà luôn tự mình nỗ lực. Hành trình với BLUSAIGON là không ngừng tìm hiểu, trau dồi và làm việc cật lực. Từ những điều này, mình nghĩ áp lực sẽ tạo nên kim cương. Đây là cơ hội để mỗi người có thể tôi luyện bản thân.
- Điều lớn nhất mà chị học được từ người bố của mình là gì? Chị có áp dụng những những điều đó để dạy con cái của mình không?
Điều lớn nhất mình học được từ ba là luôn đối mặt với thất bại, không chỉ trích con cái và không đặt quá nhiều kỳ vọng. Trong quãng thời gian còn đi học, ba luôn nói “con là học sinh gì cũng được, miễn là được lên lớp”. Điều này khiến mình đạt được nhiều thành công lớn nhỏ trong học tập và cuộc sống. Ba mẹ mình luôn là tấm gương để mình trân quý lao động, biết sử dụng thời gian hợp lý, dạy mình phải trọng đạo đức trong cuộc sống và kinh doanh.
Sau này khi có con cái, mình cũng hướng chúng đến việc xây dựng lối sống tích cực, trở thành một người công dân tốt như chính ba mẹ đã từng dạy mình.
Tôn trọng sở thích và lựa chọn của con
- Được biết gia đình nhỏ của chị đang có 2 bé trai. Chị có thể chia sẻ một chút về những “thiên thần nhỏ” này không?
Hiện tại mình có 2 bé trai, bé lớn 11 tuổi, bé nhỏ 6 tuổi. Mình có bé lớn trong lần khởi nghiệp đầu tiên. Lúc này, vừa phải lo cho con nhỏ, vừa phải tập tành kinh doanh nên gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên sau tất cả, với những nỗ lực của bản thân cùng sự đồng hành của gia đình, mình đã có thể vượt qua được.
- Là một doanh nhân, công việc của chị chắc hẳn rất bận rộn. Làm thế nào để chị cân bằng được thời gian dành cho công việc và chăm sóc gia đình, con cái?
Khi bước chân vào kinh doanh, tôi xác định sự cân bằng chỉ là tương đối. Để làm được điều này, phải biết mình cần gì, cần làm gì cho con và cần làm gì cho công việc.
Lúc con còn bé, tôi ưu tiên dành nhiều thời gian để chăm sóc con. Sau này, khi con đã lớn hơn và bắt đầu đi học, tôi lại có nhiều thời gian hơn cho công việc.
Tôi luôn duy trì thói quen viết ra thời gian biểu, những điều cần làm trong ngày rồi dán lên tường để theo dõi và thực hiện.
- Chồng của chị đã đồng hành với chị ra sao trong việc nuôi dạy con cái cũng như chăm lo cuộc sống gia đình?
Trong hành trình khởi nghiệp, tôi may mắn có chồng hậu thuẫn ngay từ những ngày đầu. Tôi và chồng làm chung, ngoài công việc, anh luôn là người chồng, người cha tuyệt vời. Anh hỗ trợ tôi hết mực trong việc nuôi dạy con, dạy con cách đối nhân xử thế, xây dựng đạo đức cùng tính tự lập trong cuộc sống.
Với gia đình nhỏ của tôi, vợ chồng đều có trách nhiệm nuôi dưỡng con cái. Cả hai hướng đến sự tôn trọng, hỗ trợ cùng nhau giải quyết mọi vấn đề.
- Chị từng chia sẻ rằng đã tự đặt áp lực cho bản thân từ nhỏ. Vậy đối với 2 con, chị có đặt áp lực cho chúng hay không?
Ngay từ thời còn đi học, tôi đã luôn tự so sánh, ganh đua với bạn bè đồng trang lứa. Tôi nghĩ điều này sẽ đốc thúc bản thân cố gắng, không ngừng trau dồi.
Đối với con cái, tuy không muốn con gặp nhiều áp lực nhưng tôi vẫn luôn mong con biết nỗ lực. Tôi dạy chúng hiểu tầm quan trọng của thời gian và biết tự cố gắng để đạt được những điều bản thân mong muốn.
- Vợ chồng chị có định hướng cho 2 con theo đuổi sự nghiệp kinh doanh của gia đình không?
Với tôi, kinh doanh giúp con người không ngừng hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Bởi nếu muốn thành công, chúng ta đều cần nỗ lực học hỏi, tìm kiếm giải pháp, dũng cảm chấp nhận thất bại để vươn lên.
Tương lai sau này, tôi vẫn muốn con đi theo sự nghiệp của ba mẹ, vì nó có thể học hỏi được nhiều điều. Tuy vậy, tôi tôn trọng sở thích và lựa chọn của con. Tôi không ép buộc con cần có thành tựu lớn lao mà phải biết kiếm tiền chân chính, trở thành một công dân có ích cho đất nước.
Trở thành “bạn” của con
- Chị có thể chia sẻ một số phương pháp nuôi dạy con của mình? Ngoài thời gian học tập, những hoạt động chị cho con tham gia là gì?
Đối với tôi, việc nuôi dạy cần dựa trên tình yêu thương và sự thấu hiểu và tôn trọng. Ngoài việc trau dồi những kiến thức giáo dục chung, tôi muốn con được biết nhiều lĩnh vực khác như văn hóa, ngôn ngữ, nghệ thuật.
Ví dụ, con biết thêm nhiều ngôn ngữ, chơi các môn thể thao, kết thân với loại nhạc cụ bất kỳ... Những môn học này giúp con phát triển toàn diện, dễ dàng tìm thấy niềm đam mê và sở trường của mình.
Thi thoảng, tôi cũng dành thời để đọc một số mẩu truyện nhỏ, dạy con những bài học về sự yêu thương, lòng dũng cảm và trung thực trong cuộc sống.
- Chị và các con có thường xuyên chia sẻ, tâm sự với nhau hay không? Theo chị, làm thế nào để có thể trở thành “bạn” của con?
Tôi rất yêu con và luôn cố gắng dành nhiều thời gian nhất để ở bên chúng. Mỗi khi đón con đi học về, tôi hỏi thăm, trò chuyện để con cảm thấy được quan tâm, lắng nghe. Trong bữa cơm tối, gia đình tôi quây quần vừa ăn vừa nói chuyện vui vẻ.
Với tôi, cách tốt nhất để làm bạn với con là cùng chơi, cùng chia sẻ; nghe con kể chuyện đi học, tìm hiểu sở thích của con để cùng chơi, cùng trò chuyện. Thời gian dành cho con nên là lúc để mình tận hưởng chứ không phải chịu đựng.
- Theo chị, việc nuôi dạy con cái trong thời hiện đại cần lưu ý những gì? Làm thế nào để có thể nâng cao tính tự lập ở trẻ?
Tôi luôn nói rằng: “Con hãy sống vì một điều gì đó đúng đắn, hoặc con sẽ ngã vì bất kỳ điều gì!”. Để con có thể trở thành người tốt, việc đầu tiên bố mẹ cần làm là trở thành một tấm gương.
Rèn cho con tự lập không dễ thực hiện. Bố mẹ có thể bắt đầu với những hành động đơn giản như hướng dẫn con tự vệ sinh cá nhân, dọn dẹp giường ngủ, thu gọn đồ chơi... Dần dần, con sẽ biết mình cần phải tự giải quyết vấn đề của bản thân.
- Không ít đứa trẻ thời nay bị ảnh hưởng bởi công nghệ cùng sự thiếu quan tâm của cha mẹ, khiến chúng quên đi những truyền thống cốt lõi của gia đình, rộng hơn là truyền thống văn hóa của dân tộc. Vậy theo chị, làm thế nào để nuôi dạy một đứa trẻ vừa trở thành một công dân thời đại mới, vừa không đánh mất những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc?
Đã từng có thời gian tôi tự trách bản thân do quá bận rộn mà để cho con xem điện thoại, máy tính nhiều. Ngay sau đó, tôi đã học cách giải quyết bằng phương pháp dạy con đọc sách, chơi thể thao, lao động vừa sức để tránh những đam mê liên quan đến các thiết bị điện tử.
Song song với đó, tôi luôn tạo điều kiện để con được đến nhiều vùng miền khắp mảnh đất chữ S. Cho con đến các làng nghề, vùng nông thôn với những tinh hoa truyền thống lâu đời để con có thể cảm nhận và thêm yêu quê hương, biết quý trọng giá trị văn hóa tốt đẹp của nước Việt.
Cảm ơn CEO Tôn Nữ Xuân Quyên về những chia sẻ bổ ích cùng Tiếp thị & Gia đình. Chúc chị và gia đình thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công!