Sau vụ bắt cóc đòi tiền chuộc 15 tỷ: Cha mẹ cần lưu ý gì?
Phòng tránh bắt cóc là kỹ năng quan trọng cha mẹ nào cũng cần dạy trẻ để phòng tránh nguy cơ bị kẻ xấu làm hại.
Những nguyên tắc cha mẹ cần chú ý để đề phòng trẻ bị bắt cóc
Trước khi dạy trẻ những kỹ năng phòng tránh bị bắt cóc, cha mẹ cần lưu ý những điều sau:
- Luôn để trẻ trong tầm mắt của cha mẹ và người thân
- Không để trẻ một mình ở nhà, ở cửa hàng hay trên tàu xe
- Không để trẻ chơi một mình ở cửa nhà hay ngoài cổng gần đường đi lại
- Không cho trẻ đi chơi với một trẻ khác mà không có người lớn đi cùng quản lý
- Không giao trẻ cho người lạ trông hoặc nhờ đưa ra chỗ này chỗ kia, chỉ giao trẻ cho bạn bè, người thân tin tưởng.
- Khi ra ngoài, cha mẹ nên địu trẻ dưới 1 tuổi ở trước ngực vừa an toàn vừa tránh bị lạc. Thắt dây an toàn khi trẻ ngồi xe đẩy để tránh bị ngã hoặc bị người lạ nhấc đi dễ dàng
- Cho trẻ mang theo thông tin của bố mẹ bằng cách đeo vòng có số điện thoại, địa chỉ nhà; để giấy vào ba lô, túi áo quần của trẻ…
- Nếu giao con cho người giúp việc, cha mẹ cũng cần nhắc nhở những vấn đề đảm bảo an toàn cho trẻ.
- Đón trẻ đúng giờ khi tan học để tránh đón trẻ muộn sẽ tạo cơ hội cho những kẻ xấu hành động.
Những kỹ năng cần thiết mà trẻ cần nắm được để phòng thân
Không được cho người lạ vào nhà khi ở nhà một mình
Nếu có trường hợp bắt buộc cần phải ra ngoài và để trẻ ở nhà một mình, cha mẹ cần dặn dò kỹ trẻ không được nói chuyện hay mở cửa cho người lạ vào nhà. Nếu người gõ cửa lấy lý do là đến tìm bố mẹ, đến có việc gấp… để xin vào nhà thì cần gọi điện cho bố mẹ thông báo và bảo họ lúc khác quay lại. Tốt nhất, cha mẹ nên dặn trẻ không trả lời người lạ và không đặt hàng trên giao đến nhà để tránh phải xuống mở cửa. Cũng không được tự mở cửa đi chơi mà phải ở yên trong nhà.
Ghi nhớ thông tin quan trọng
Từ 2-3 tuổi, cần bắt đầu dạy trẻ ghi nhớ họ tên, số điện thoại, địa chỉ nhà ở của cha mẹ để nhờ người giúp đỡ liên lạc khi bị lạc hoặc gặp vần đề xấu. Khi lớn hơn, con cần nhớ ít nhất 2 số điện thoại của người thân đề phòng không gọi được trong lúc khẩn cấp. Ngoài ra, cũng cần dạy trẻ số điện thoại 113 của cảnh sát khi đi lạc hay cần giúp đỡ.
Những người có thể tin tưởng
Lập danh sách người mà bạn có thể tin tưởng, những người có thể đón trẻ đưa đón trẻ và thông báo cho trẻ biết. Những người thân, hàng xóm hoặc người trông trẻ khi đón trẻ cũng cần có mật mã để trẻ theo về. Mật mã này chỉ nên được tạo ra bởi bố mẹ và trẻ.
Biết từ chối đúng lúc, đúng chỗ
Trẻ không được nhận quà bánh, đồ chơi, tiền bạc, lời rủ đi chơi… của người lạ. Hãy nhắc cho trẻ nhớ những món quà này có thể tẩm thuốc mê, nếu trẻ ngửi hoặc ăn vào sẽ bị kẻ xấu bắt đi. Do đó, cha mẹ dạy trẻ từ chối khéo rằng “Ba mẹ cháu không cho phép nhận” sau đó trẻ hãy tìm đến chỗ có người lớn hoặc bảo vệ đứng để tránh bị người lạ tiếp tục dụ dỗ.
Phát tín hiệu khi bản thân đang gặp nguy hiểm
Khi gặp nguy hiểm, nếu chỉ la hét không chưa chắc người khác biết trẻ đang gặp nguy hiểm. Cha mẹ cần dạy thêm trẻ hét những câu cầu cứu như: "Cô ra đi, con không quen biết cô" hoặc "Bố mẹ ơi cứu con với", "Cháu không quen ông ta/cô ta"… khi bị kẻ xấu bắt đi.
Đây là cách xử trí nhanh nhất bởi những kẻ bắt cóc luôn muốn hạn chế sự chú ý của đám đông, khi trẻ la hét, mọi người xung quanh sẽ hướng đến con và từ đó hạn chế khả năng con bị bắt cóc. Ngoài việc la hét, trẻ cũng cần cố gắng thu hút sự chú ý của người xung quanh bằng mọi cách.
Xem video và thực hành tình huống thường xuyên
Cách tốt nhất để dạy trẻ các kỹ năng phòng tránh bắt cóc là cho trẻ xem video clip bắt cóc và mô phỏng các tình huống bắt cóc. Khi xem clip, cha mẹ hãy dừng lại để hỏi trẻ và dạy trẻ cần làm gì trong từng trường hợp. Hãy cố gắng khơi gợi và giải đáp kỹ những thắc mắc của con để chúng dần hình thành ý thức phòng vệ trong những tình huống tương tự nếu gặp phải.