Thứ năm, 10/08/2023, 15:00 (GMT+7)

Dạy kỹ năng phòng thân cho trẻ để tránh bị bắt cóc

Hiện nay, các thủ đoạn bắt cóc của kẻ xấu ngày càng trở nên tinh vi hơn. Vì thế, phòng thân khi trẻ bị bắt cóc là kỹ năng quan trọng mà cha mẹ nào cũng phải dạy con.

1. Nguy hiểm không chỉ đến từ người lạ

Trẻ em khó phân biệt được ai là người lạ hoặc ai là người có thể tin tưởng. Chúng thường đánh giá mức độ tốt - xấu qua hình dáng bên người. Chẳng hạn như người có vẻ ngoài trông đáng sợ, ghê gớm thường được trẻ em coi là người xấu. Còn những người có vẻ ngoài lịch sự, cho đồ chơi hoặc kẹo là người tốt… Tuy nhiên, người lạ và có ý đồ xấu vẫn có vẻ ngoài thân thiện và ưa nhìn. Rất nhiều các vụ bắt cóc đã được thực hiện bởi những người như thế.

2. Ai được coi là người lớn có thể tin tưởng được

Cần phân định rõ cho trẻ, người có thể tin tưởng chỉ là người thân của trẻ như bố, mẹ, ông, bà, anh/chị. Ai là người có thể đón con đi học từ trường về hoặc vào nhà khi con ở một mình. Cha mẹ có thể đặt một "mật mã" mà chỉ bạn, con và những người "an toàn" biết. Bằng cách này, con có thể dễ dàng hiểu ai là người tin tưởng được.

phong tranh bat coc Tiepthigiadinh H1
Hãy lên một danh sách những người trẻ có thể tin tưởng được

Bên cạnh đó, hãy dạy trẻ tuyệt đối không được nói chuyện với những người lạ có ý định tiếp cận, bất kể họ có cho gì hay nói những lời dụ dỗ thế nào.

3. Chạy về hướng ngược lại của xe ô tô

Cha mẹ hãy dạy con rằng nếu con bị một người lái ô tô theo dõi, con nên chạy về hướng ngược lại với chiếc xe. Như thế, chiếc ô tô sẽ phải quay đầu và con có nhiều thời gian chạy trốn hơn.

4. Tìm những người mẹ có con nhỏ

Nếu con bị lạc và xung quanh con không có người lớn "an toàn" trong những người đã nêu trên, con cần tìm một người mẹ đi với con nhỏ và nhờ họ giúp đỡ. Con cũng có thể tìm đến chú cảnh sát, chú bảo vệ nhưng không phải lúc nào cũng có sẵn những người làm công việc an ninh ở đó.  

5. Cho người khác biết con gặp nguy hiểm

Trẻ nhỏ thường ăn vạ, la hét, nên một đứa trẻ la hét sẽ không khiến mọi người chú ý nhiều, ngay cả khi trẻ đang gặp nguy hiểm. Thay vào đó, cha mẹ cần dạy con nói các câu có dạng cầu cứu như: "Cô là ai? Bỏ cháu ra!" hoặc "Cháu không biết chú! Cứu cháu với!".

6. Con có thể làm vỡ đồ

Trường hợp đã la hét, kêu cứu mà không có tác dụng thì trẻ cần thu hút nhiều sự chú ý hơn. Có thể làm vỡ đồ đạc trên giá hay dùng đá đập vỡ cửa ô tô hoặc ném đá ra vị trí xung quanh…

7. Học cách từ chối

phong tranh bat coc Tiepthigiadinh H2
Trẻ cần biết cách từ chối người lạ

Quan trọng hơn hết, cha mẹ cần dạy trẻ biết cách từ chối người lớn nếu đó không phải cha mẹ hay người lớn "an toàn". Hãy thường xuyên thực hành các bài học ứng xử khi gặp người lạ với nhiều tình huống khác nhau để con hình thành kỹ năng xử lý tình huống tốt nhất.

8. Dạy con an toàn trên mạng

Với những trẻ lớn có sử dụng mạng xã hội, bạn cần quản lý những gì con làm trên mạng. Không cấm đoán trẻ tham gia mạng xã hội nhưng cần nắm được ai là người con đang nói chuyện cùng và những ứng dụng nào con đang sử dụng. Hãy dạy con đề phòng cảnh giác bởi không thể biết được ai là người đang nhắn tin với con.​

Cùng chuyên mục