Cân bằng dinh dưỡng và thể chất cho trẻ sau dịp nghỉ lễ
Lịch sinh hoạt và chế độ ăn uống của trẻ nhỏ có thể bị xáo trộn trong những ngày nghỉ lễ vừa qua. Bố mẹ cần áp dụng những nguyên tắc sau để cân bằng dinh dưỡng và thể chất cho trẻ.
Hạn chế thức ăn nhanh và đồ ngọt
Dịp lễ tết là thời gian nhiều bố mẹ buông lỏng quản lý và để trẻ sử dụng nhiều món đồ ăn nhanh, nước ngọt như: khoai tây chiên, gà rán, coca… Những thực phâm này hoàn toàn không tốt cho sức khỏe của người lớn và trẻ nhỏ. Kéo dài thói quen ăn uống không lành mạnh này sẽ dẫn đến béo phì, bệnh tim mạch, đái tháo đường, ảnh hưởng đến trí não… Trẻ thường xuyên ăn thực phẩm chiên rán và đồ uống có gas cũng dần dần trở nên kén ăn hơn.
Do đó, bố mẹ nên dừng việc cho trẻ tiêu thụ thực phẩm chiên rán và thực phẩm chứa nhiều đường như các loại bánh kẹo… để đảm bảo sức khỏe của trẻ.
Ăn đa dạng và đầy đủ dưỡng chất
Điều quan trọng nhất trong chế độ dinh dưỡng của trẻ nhỏ là cần ăn đủ bữa và đủ chất. Mỗi ngày, trẻ nên ăn 3 bữa ăn chính và các buổi sáng, trưa, tối và 2 bữa ăn phụ buổi sáng và chiều. Bữa ăn nên cân đối 4 nhóm dưỡng chất: tinh bột, đạm, chất béo và vitamin cùng khoáng chất. Mõi nhóm dưỡng chất, bố mẹ chú ý cho trẻ ăn đa dạng các loại thực phẩm để mang lại nguồn dinh dưỡng phong phú. Nhóm tinh bột cần ăn đa dạng: cơm, cháo, các loại đậu, củ, hạt...; nhóm đạm ăn đa dạng: thịt cá, trứng, hải sản, đạm thực vật...; nhóm chất béo ăn: mỡ, dầu thực vật, bơ... và nhóm vitamin, khoáng chất gồm: rau xanh, trái cây...
Tăng cường rau củ và trái cây
Trên thực tế, nhiều trẻ không thích ăn rau xanh mà chỉ thích ăn thịt và các món chiên giòn. Việc thiếu hụt rau củ trong chế độ ăn có thể khiến trẻ bị táo bón và nhiều vấn đề khác. Để khắc phục tình trạng này, bố mẹ nên chế biến rau củ theo nhiều cách để kích thích trẻ ăn ngon hơn. Ngoài ra, có thể kết hợp làm nước ép hoặc sinh tố rau xanh cùng một số loại trái cây phù hợp để bổ sung chất xơ.
Lấy lại thói quen sinh hoạt ổn định
Nhiều gia đình cho con đi xa hoặc về quê trong dịp nghỉ lễ. Điều này sẽ gây ra những xáo trộn không nhỏ trong thói quen sinh hoạt. Trẻ có thể ngủ muộn, dậy muộn, ăn uống thất thường, bỏ ngủ trưa, xem tivi cả ngày... ảnh hưởng đến việc đi học. Bố mẹ nên tận dụng thời gian đi học trở lại của trẻ để đưa trẻ trở lại nhịp sinh hoạt lành mạnh. Nên đi ngủ đúng giờ và đủ giấc, rèn thói quen ngủ sớm, có lợi cho phát triển trí não và chiều cao. Ngoài ra, khuyến khích trẻ tham gia hoạt động thể dục thể thao cũng là cách giúp trẻ tăng sức đề kháng và ăn uống ngon miệng hơn, tránh tình trạng ù lì...