5 hành vi của khách hàng ảnh hưởng đến chiến lược tiếp thị FMCG
Chiến lược tiếp thị của các doanh nghiệp FMCG cần phải thay đổi linh hoạt bởi xu hướng hành vi của người tiêu dùng trong thời đại phát triển công nghệ.
FMCG là thuật ngữ viết tắt của ngành hàng tiêu dùng nhanh (Fast Moving Consumer Goods). Ngành hàng bao gồm các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng cần thiết của con người, vì vậy mà lĩnh vực này luôn là đề tài bàn tán sôi nổi. Bởi lẽ, hành vi mua hàng của người tiêu dùng luôn thay đổi và tạo ra xu hướng mới, khiến doanh nghiệp trong ngành phải tìm cách để thay đổi chiến lược tiếp thị.
Hành vi Double Devices
Đây là hành vi ngày một phổ biến trong việc sử dụng nhiều thiết bị kỹ thuật số cùng lúc để truy cập Internet và tiêu thụ nội dung trực tuyến. Người thực hiện hành vi Double Devices có kiến thức và kỹ năng cao để sử dụng các thiết bị như máy tính, smartphone, máy tính bảng, TV thông minh và các thiết bị khác nữa. Họ sử dụng đa nền tảng và truy cập nhiều dịch vụ trực tuyến khác nhau, từ mạng xã hội tới chơi game và các ứng dụng di động.
Hành vi này xuất hiện ở mọi độ tuổi nhưng điển hình nhất là thế hệ người trẻ gen Y và gen Z. Điều này đặt ra thách thức rằng các doanh nghiệp cần thích nghi và tìm hiểu chiến lược tiếp thị phù hợp với xu hướng này.
Hành vi của Double Devices có tác động đáng kể đến chiến lược tiếp thị của các công ty. Điều này đòi hỏi đội ngũ nhân viên marketing phải tạo ra trải nghiệm liền mạch và tương thích trên nhiều thiết bị khác nhau. Đồng thời, phải sáng tạo khi quảng cáo và truyền tải nội dung để thu hút và giữ chân khách hàng trong hoàn cảnh tiêu dùng trên nhiều thiết bị. Nhiều doanh nghiệp đã áp dụng chiến lược đa nền tảng nhằm triển khai các chiến dịch quảng cáo với mục tiêu và tính nhất quán để tăng hiệu quả khi tiếp cận khách hàng.
Hành vi “tắt thông báo”
Hành vi người dùng “tắt thông báo” đề cập đến việc người tiêu dùng tự nguyện tắt hoặc tối ưu hóa cài đặt thông báo trên thiết bị hoặc ứng dụng để tránh bị làm phiền. Điều này có thể áp dụng cho mọi ứng dụng di động, trình duyệt web, mạng xã hội, email. Khách hàng có hành vi này thường thích yên tĩnh và tập trung vào cuộc sống hàng ngày. Việc điện thoại, máy tính thường xuyên thông báo khiến họ xao nhãng.
Ngoài ra, nhóm người này quan tâm đến quyền riêng tư và không muốn thông báo xâm phạm vào cuộc sống cá nhân hoặc tiết lộ quá nhiều thông tin về họ. Hơn thế nữa, các đối tượng có hành vi này thường làm việc với mục tiêu cụ thể và muốn có thể duyệt web hoặc làm việc mà không bị gián đoạn. Do đó, việc “tắt thông báo” là hoạt động cần thiết khi sử dụng thiết bị trực tuyến.
Với hành vi này, doanh nghiệp sẽ không thể thực hiện chiến lược tiếp thị thông qua thông báo. Vì vậy, những công ty làm trong lĩnh vực FMCG cần đảm bảo nội dung của mình thực sự hữu ích, thú vị để người tiêu dùng sẵn sàng theo dõi hoặc tìm kiếm mà không cần thông báo.
Bởi vì các khách hàng đã có xu hướng “tắt thông báo”, vậy nên doanh nghiệp cần sử dụng đa kênh để giúp hoạt động tiếp thị vẫn tới được với khách hàng mà không cần phải phụ thuộc quá nhiều vào thông báo.
Bên cạnh đó, cần triển khai đồng thời xây dựng các mối quan hệ và chăm sóc khách hàng tốt hơn thông qua dịch vụ trong quá trình mua bán, trao đổi. Điều này sẽ giúp người tiêu dùng ghi nhớ nhiều hơn về thương hiệu, từ đó thúc đẩy nhận thức tìm hiểu doanh nghiệp và quay trở lại mua hàng.
Sử dụng đồng thời nhiều ứng dụng OTT
Đây là một trong những xu hướng phổ biến và quen thuộc, được hiểu là người dùng sử dụng nhiều ứng dụng OTT để truy cập và xem nội dung trực tuyến. Các ứng dụng OTT như Netflix, Spotify, YouTube, TikTok, v.v. cung cấp nội dung qua internet mà không cần thông qua các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp hoặc viễn thông truyền thống.
Người tiêu dùng thường có sở thích giải trí đa dạng, không giới hạn ở việc xem nội dung. Họ muốn thưởng thức nhiều loại nội dung khác nhau như phim, nhạc, video ngắn, chương trình phát sóng trực tiếp, v.v. Bằng cách sở hữu và sử dụng nhiều thiết bị kỹ thuật số như điện thoại thông minh, máy tính bảng, TV thông minh và PC, họ có thể truy cập nội dung OTT từ nhiều nguồn khác nhau.
Xu hướng hành vi này thúc đẩy người dùng dành nhiều thời gian để theo dõi và chia sẻ nội dung trên ứng dụng OTT. Các ứng dụng như Zalo, Viber, Telegram, Skype ngoài phục vụ cho mục đích cá nhân còn là phương thức liên lạc trực tuyến quen thuộc của nhiều công ty.
Doanh nghiệp có thể tận dụng việc sử dụng đồng thời nhiều ứng dụng OTT để chạy quảng cáo trên nhiều nền tảng khác nhau nhằm tiếp cận nhiều đối tượng. Điều quan trọng, doanh nghiệp phải tích hợp sản phẩm vào nội dung do ứng dụng OTT tạo ra để tạo ấn tượng về sản phẩm, thương hiệu trong tâm trí người tiêu dùng. Đồng thời, theo dõi xu hướng và sở thích của khách hàng để tìm ra chiến lược tiếp thị phù hợp và thu hút người dùng hiệu quả.
Bỏ qua quảng cáo
Người tiêu dùng việt Nam có hành vi chủ động bỏ qua quảng cáo, tránh né hoặc tắt quảng cáo và thông điệp tiếp thị trên các nền tảng trực tuyến. Điều này xảy ra khi người tiêu dùng không thấy quảng cáo trên Facebook, Google, Youtube phù hợp và đủ hấp dẫn để nhận thông tin truyền thông.
Nhóm mục tiêu này thường có kiến thức đặc biệt về quảng cáo trực tuyến và quen thuộc với các nền tảng và thiết bị kỹ thuật số. Họ sẽ sử dụng phần mềm hoặc tiện ích của trình duyệt web để chặn quảng cáo, khuyến mãi; tắt hoặc giảm tần suất quảng cáo trong cài đặt ứng dụng.
Việc người dùng chủ động bỏ qua quảng cáo gây ảnh hưởng tới tỷ lệ chuyển đổi và hiệu quả của chiến dịch tiếp thị khách hàng. Doanh nghiệp phải tìm cách tạo ra quảng cáo hấp dẫn hơn để thu hút sự chú ý và tương tác của khách hàng. Sự cạnh tranh của hàng trăm quảng cáo khác nhau trên nền tảng trực tuyến gây ra nhiều thách thức, đặc biệt là chi phí quảng cáo.
Thói quen kiểm định hàng thông qua sàn thương mại điện tử
Thói quen kiểm tra giá, đọc review sản phẩm, tìm kiếm thông tin trên các sàn thương mại điện tử là hành vi phổ biến của các nhóm mua sắm trực tuyến. Đây có thể coi là thành công trong việc thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, một xu hướng phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam trong thập kỷ qua.
Đặc điểm chung của nhóm người này là họ sẽ không mua sản phẩm ngay mà sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng về sản phẩm, đọc nhận xét và so sánh giá ở nhiều nền tảng mua sắm khác nhau trước khi quyết định mua hàng. Chất lượng sản phẩm và dịch vụ là ưu tiên hàng đầu để nhóm khách hàng này sẵn sàng trả giá cao hơn để đảm bảo chất lượng và độ tin cậy. Bên cạnh đó, xu hướng này thúc đẩy hành vi tìm kiếm ưu đãi, mã giảm giá để tiết kiệm tiền khi mua hàng.
Hành vi kiểm định sản phẩm trước khi mua hàng cũng hình thành nhiều nhóm trao đổi, mua sắm để người tiêu dùng cùng bàn luận, chia sẻ về sản phẩm đã mua, địa chỉ mua sắm uy tín. Thông qua điều này, doanh nghiệp có thể tận dụng các hội nhóm để thực hiện chiến lược tiếp thị, chia sẻ trải nghiệm của khách hàng hoặc đóng vai khách hàng để chia sẻ về sản phẩm. Từ đó, sản phẩm sẽ được truyền tải rộng rãi hơn đối với nhóm người tiêu dùng có hành vi “cẩn thận”.
- Khách hàng mạnh tay chốt đơn xe máy điện tại triển lãm “VinFast - Vì tương lai xanh”
- Phiên đấu giá biển số đẹp gặp sự cố: Quyền lợi khách hàng được giải quyết thế nào?
- Phe vé Blackpink chạy quảng cáo trên Facebook để tìm kiếm khách hàng