Trứng gà rất tốt nhưng người mắc những bệnh này không nên ăn
Không phải ai cũng ăn được trứng gà. Những người mắc bệnh tim mạch, tiêu chảy, dị ứng… khi ăn trứng gà sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Trứng gà là thực phẩm quen thuộc hàng ngày với tất cả mọi người. Trứng gà có thể chế biến thành nhièu món ăn ngon và cung cấp lượng dinh dưỡng tuyệt vời cho cơ thể. 100 gr trứng gà có 166 kcal năng lượng, 14,8 gr protein, 11,6 gr chất béo, 0,5 gr glucid. Ngoài ra, còn có nhiều loại vitamin như: vitamin A, vitamin B12, vitamin D, vitamin K... và các chất khoáng như: canxi, sắt, kali, kẽm, magie... Trứng gà bổ dưỡng là vậy nhưng những người mắc các bênh sau không nên ăn trứng gà:
Bệnh tim mạch
Một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Western (Canada) cho thấy, ăn 3 quả trứng/tuần có thể làm các mảng bám ở thành động mạch dày lên. Các mảng bám này sẽ thu hẹp không gian bên trong động mạch, khiến máu chảy qua khó khăn hơn, buộc trái tim phải bơm mạnh hơn, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.
Nguy hiểm hơn, những mảng bám có thể vỡ ra, hình thành các cục máu đông chặn dòng chảy của máu, gây đột quỵ hoặc đau tim. Ngoài ra, hàm lượng cholesterol cao trong trứng gà cũng không tốt cho người bị bệnh xơ vữa động mạch và bệnh mạch vành vì làm thu hẹp, tắc nghẽn động mạch vành.
Bệnh gan
Lòng đỏ trứng gà và trứng vịt là thực phẩm có chứa hàm lượng mỡ và cholesterol cao. Trong 100g trứng vịt có chứa 14,7g mỡ, còn chất protein chỉ có 13g, lượng cholesterol là 634mg, hàm lượng cholesterol trong lòng đỏ trứng gà cao tới 1522mg.
Chúng đều tiến hành trao đổi chất trong gan, làm tăng thêm gánh nặng cho gan, không có lợi cho việc khôi phục chức năng của gan, vì vậy người viêm gan và gan nhiễm mỡ không nên ăn
Bệnh sỏi mật
Trứng gà có hàm lượng đạm rất cao, trong khi đó, do sự kích thích của viên sỏi lâu ngày trong túi mật, chức năng co bóp của túi mật của người bệnh sẽ yếu dần, nếu người bệnh dùng thức ăn có hàm lượng đạm cao, đường ruột sẽ tiết nhiều chất làm co bóp túi mật, khiến túi mật vốn đã bị bệnh phải làm việc quá tải, từ đó sinh ra các triệu chứng lâm sàng như: gây đau đớn, nôn mửa…
Viên sỏi có thể sẽ theo sự co bóp của túi mật di chuyển đến cuống mật, làm tắc lối thông của dịch mật, gây ứ đọng dịch mật, áp suất bên trong mật tăng cao, dẫn đến đau thắt mật và viêm mật.
Cơ địa dị ứng
Trứng là nguyên nhân thường gây dị ứng thức ăn ở trẻ nhỏ, số liệu cho thấy có khoảng 1,5% các bé dị ứng với trứng gà. Tuy nhiên đến khoảng 80% trẻ thoát khỏi dị ứng trứng khi lên 6 tuổi.
Nguyên do là các protein gây dị ứng trong lòng trắng trứng gà. Do có sự tương đồng giữa protein trứng gà và các loại trứng khác nên người dị ứng trứng gà thường dị ứng với trứng vịt, trứng ngan… Vì vậy, nếu cơ địa dị ứng với trứng, bạn nên tránh món này để không ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể
Tiêu chảy
Nhiều người cho rằng khi bị tiêu chảy, người bệnh sẽ mất nước và chất dinh dưỡng nên cần bồi bổ cơ thể bằng cách ăn nhiều trứng gà. Thật ra, đây là quan niệm sai lầm.
Khi bị tiêu chảy, dịch tiêu hóa sẽ tiết ra ít hơn, hoạt tính men tiêu hóa bị giảm nên việc hấp thu chất mỡ, đạm và đường thường bị rối loạn. Ăn trứng gà khi bị tiêu chảy sẽ làm mất đi tác dụng bổ dưỡng cơ thể mà còn làm cho tình trạng bệnh càng nặng thêm. Vì thế, không được cho người bệnh tiêu chảy ăn trứng gà.
Sốt
Thành phần chủ yếu của trứng gà là chất đạm, trong đó, chủ yếu là nhóm chất đạm có thành phần đơn giản và luôn ở trạng thái hòa tan nên rất dễ hấp thu vào cơ thể. Thế nhưng, sau khi ăn chúng sẽ tạo ra nhiệt lượng rất cao. Trong lúc cơ thể đang bị sốt mà ăn trứng gà sẽ làm cho nhiệt độ cơ thể tăng lên nhanh hơn, làm tình trạng sốt càng thêm trầm trọng, rất khó hạ sốt.