Tiếp thị hàng hóa không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội, khó quản lý nhưng có thể siết chặt
Tiếp thị sản phẩm trên các nền tảng số là hình thức kinh doanh không còn xa lạ, giúp người bán dễ dàng tiếp cận khách hàng, tăng doanh thu. Không có gì đáng nói nếu không xuất hiện tình trạng lợi dụng những kẽ hở trong chính sách của các nền tảng số để công khai tiếp thị các sản phẩm không rõ nguồn gốc.
“Mảnh đất màu mỡ” cho các vi phạm
Theo báo cáo của WeAreSocial Digital 2024, ở Việt Nam có khoảng 68 triệu người dùng mạng xã hội Tiktok, Facebook. Cũng theo các chuyên gia, con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Với lượng truy cập ngày càng tăng, các nền tảng này đã và đang trở thành mảnh đất màu mỡ để tiếp cận khách hàng, thúc đẩy doanh thu cho các doanh nghiệp cũng như các hộ kinh doanh cá nhân.
Trên các nền tảng này, người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm và so sánh giá cả sản phẩm. Chỉ với một thao tác, các nền tảng này sẽ trả về vô vàn kết quả liên quan đến sản phẩm mà bạn đang tìm kiếm. Đó có thể là sản phẩm được rao bán, các video quảng cáo hay thậm chí là những phiên livestream đang phát ngay thời điểm đó. Quá trình mua bán cũng trở nên thuận tiện hơn nhờ các cú click từ cập nhật giỏ hàng đến tiến hành thanh toán.
Tuy nhiên, yếu điểm của hình thức mua bán này lại chỉ tập trung vào quyền lợi của người dùng. Khi mua hàng qua các nền tảng số, quyết định “xuống tiền” phần lớn dựa vào “niềm tin” của người mua khi nghe người bán hàng quảng cáo.
Đánh vào lòng tin của khách hàng cùng những kẽ hở trong chính sách của các nền tảng số, nhiều đối tượng đã công khai bày bán, tiếp thị hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như hạn sử dụng hay những cảnh báo về sức khỏe đối với người sử dụng. Và “trái đắng” cho những ai không may sập bẫy của những kẻ này là tiền bạc, sức khoẻ, thậm chí là tính mạng.
Với những khách hàng thận trọng hơn, họ cũng chỉ có thể dựa vào những đánh giá của các khách hàng đã mua sản phẩm để kiểm chất lượng. Tuy nhiên, điều này rất khó cho người dùng trong việc xác minh những phản hồi được cho là của khách hàng là thật hay ảo.
Không chỉ gây khó khăn cho người dùng mà cơ quan chức năng cũng gặp phải tình trạng tượng tự. Bởi, hiện nay, hầu hết hộ kinh doanh cá nhân trên nền tảng mạng xã hội đều không có giấy phép kinh doanh, các sản phẩm chế biến không có giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm. Điều này khiến việc kiểm soát, hay xử lý các vi phạm về đảm bảo an toàn thực phẩm đối với hình thức kinh doanh qua mạng cũng đang gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Liên quan đến vấn đề này, Cục Quản lý thị trường Hải Dương nhận định: “Việc sử dụng mạng xã hội là một kênh để giới thiệu, quảng cáo, chào bán hàng hoá, trong đó có cả hàng hoá vi phạm có xu hướng gia tăng, gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng, đặc biệt là việc xác định địa điểm tập kết, chứa trữ hàng hoá để xác minh vi phạm, tổ chức kiểm tra cũng như ghi nhận dấu hiệu vi phạm qua các thông tin được đăng tải, livestream…”, theo Tổng cục Quản lý thị trường.
Liên tiếp phát hiện và xử lý
Nhằm đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, lực lượng chức năng trên địa bàn cả nước thời gian qua đã phát hiện và xử phạt hàng loạt các vi phạm liên quan đến hành vi buôn bán, tiếp thị hàng hóa không rõ nguồn gốc trên các nền tảng số, theo Tổng cục Quản lý thị trường cho biết,
Đơn cử, ngày 5/6/2024, tỉnh Bắc Kạn đã xử lý đối với 01 hộ kinh doanh sử dụng mạng xã hội Facebook để kinh doanh hàng hóa.
Trên nền tảng này, đối tượng vi phạm đang giới thiệu kinh doanh các mặt hàng là bỉm, sữa, đồ ăn trẻ em. Tại thời điểm kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 4 phát hiện gần 70 đơn vị sản phẩm là thực phẩm, sữa bột dành cho trẻ em không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, có trị giá 7.980.000 đồng. Đây là các sản phẩm có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em.
Tiếp đến, ngày 28/5/2024, lực lượng chức năng tỉnh Hải Dương cũng phát hiện và xử phạt đối với hộ kinh doanh Đặng Thị Nhung tại địa chỉ thôn Phương Bằng, xã Hồng Hưng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương vì hành vi tương tự.
Qua theo dõi các hoạt động bán hàng mạng xã hội (facebook, zalo) và nắm tình hình kinh doanh trên địa bàn, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, phát hiện tại cửa hàng đang kinh doanh 790 đôi dép giả mạo các nhãn hiệu "BALENCIAGA" (260 đôi); nhãn hiệu "D&G" (200 đôi); nhãn hiệu "adidas và hình" (145 đôi); nhãn hiệu "GUCCI" (60 đôi) và 125 đôi dép không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Theo khai nhận, bà Đặng Thị Nhung, đại diện hộ kinh doanh được kiểm tra cho biết, số hàng hóa trên được cửa hàng mua ở khu vực chợ Ninh Hiệp - Hà Nội. Sau khi mua về, hộ kinh doanh này đã đăng lên tài khoản cá nhân để chào bán cho khách hàng với mục đích kiếm lời.
Ngày 20/5/2024, lực lượng chức năng tỉnh Vĩnh Phúc cũng tiến hành kiểm tra đối với Hộ kinh doanh Nguyễn Văn Kiên - Vân Xuân, địa chỉ thôn Xuân Húc, xã Vân Xuân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Tại thời điểm kiểm tra, hộ kinh doanh Nguyễn Văn Kiên - Vân Xuân đang kinh doanh, bày bán hàng hoá tại Cửa hàng phụ kiện điện thoại Kiên Huệ và thực hiện đăng bài bán hàng ốp điện thoại, kính cường lực điện thoại trên trang Facebook của ông Nguyễn Văn Kiên (Facebook Nguyễn Kiên …).
Ghi nhận cho biết, hộ kinh doanh này đang lưu kho 6.000 chiếc ốp điện thoại di động nhãn hiệu HOCO; 3.500 chiếc ốp điện thoại di động nhãn hiệu CASE.PRO; 7.500 chiếc ốp điện thoại di động MADE IN CHINA; 6.000 chiếc miếng dán cường lực nhãn hiệu KINGKONG GLASS. Tổng giá trị hàng hóa lên là 205.500.000 đồng. Đáng chú ý, toàn bộ số hàng hóa trên do nước ngoài sản xuất (trên sản phẩm in dòng chữ Made in China), có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Ngoài các vụ việc nói trên, liên tiếp các vụ việc vi phạm liên quan đến hoạt động buôn bán, tiếp thị hàng hóa không rõ nguồn gốc cũng được phát hiện và xử lý.
Siết chặt xử lý bằng pháp luật
Theo luật sư Nguyễn Thị Yến - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, hành vi tiếp thị hàng hóa không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội khó quản lý nhưng có thể siết chặt bằng pháp luật. Hiện các chế tài liên quan đến hành vi buôn bán, tiếp thị hàng hóa không rõ nguồn gốc đã được pháp luật Việt Nam quy định rõ ràng.
Tùy theo nội dung, tính chất và mức độ vi phạm thì hành vi “buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ” có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Điều 17 và Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định hành vi bán hàng online không rõ nguồn gốc, không chứng minh được nguồn gốc, chứng từ của hàng hóa thì sẽ bị phạt từ 300.000 đồng - 50 triệu đồng đối với cá nhân và 600.000 đồng - 100 triệu đồng đối với tổ chức.
Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định đối với người sản xuất, nhập khẩu thực hiện hành vi vi phạm hành chính hoặc hàng hóa vi phạm thuộc một trong các trường hợp là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế; chất tẩy rửa, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản, thức ăn thủy sản; hàng hóa khác thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Ngoài ra, căn cứ vào điểm a khoản 13 và khoản 14 Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, các cá nhân, tổ chức có hành vi bán hàng không rõ nguồn gốc sẽ bị xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật đối với các hành vi vi phạm, buộc tiêu hủy tang vật vi phạm và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Đáng chú ý, tùy theo mức độ nghiêm trọng và thể loại, giá trị hàng hoá, người bán có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đặc biệt nếu hàng hóa không rõ nguồn gốc được cơ quan chức năng kết luận là được vận chuyển lậu. Cụ thể, căn cứ quy định tại Bộ luật Hình sư năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017 người bán có thể bị truy cứu vì các tội danh: Tội sản xuất và buôn bán hàng giả (Điều 192-195) hoặc Buôn lậu (Điều 188).
Theo đó, người bán có thể bị phạt hành chính từ 50 triệu - 1 tỷ đồng hoặc phạt tù lên đến 20 năm; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề; hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm; tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Cũng theo bà Yến, bên cạnh trách nhiệm của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng cần nâng cao nhận thức khi mua sắm, cảnh giác khi mua hàng và phải nhận thức rõ vai trò của mình trong việc phát hiện cũng như phối hợp với các lực lượng chức năng trong việc xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm đối với hình thức kinh doanh qua mạng.
- Sản xuất hàng giả là thực phẩm, giả mạo nhãn hàng hóa, chế tài xử lý thế nào?
- Làm sao để biết sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật? Đọc ngay để không tự rước họa vào thân
- Tràn lan hàng giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng, hàng nhập lậu, chế tài kiểm soát thế nào?
- Bất ngờ thiết bị 'ngốn' điện hơn cả điều hòa, tủ lạnh, dùng xong nhớ rút phích cắm kẻo tiền điện tăng 'chóng mặt'
- Người đàn ông 69 tuổi ngỡ ngàng khi phải cắt cụt chân do lấy khóe móng theo cách này
- 6 nội dung cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW, công chức và viên chức có thể chưa biết
- Bát nháo quảng cáo, rao bán đao, kiếm… công khai trên mạng xã hội
- Đa cấp Skyway hoạt động như thế nào? Công an cảnh báo 'nóng' với người tiêu dùng
- Suzuki XL7 Hybrid cập bến đại lý, sẵn sàng 'khiêu chiến' với Mitsubishi Xpander