Thứ năm, 13/06/2024, 08:36 (GMT+7)

6 nội dung cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW, công chức và viên chức có thể chưa biết

L.Vũ (th) (Theo Gia đình & Xã hội)

Theo Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ), nội dung cải cách chính sách tiền lương tại Nghị quyết số 27-NQ/TW gồm 6 nội dung.

6 nội dung cải cách chính sách tiền lương từ 1/7/2024 

Theo Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 của Quốc hội, từ ngày 1/7/2024 sẽ tiến hành cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018. Đây là nội dung được hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong khu vực công mong chờ.

Theo NLĐ, Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ) cho biết, nội dung cải cách chính sách tiền lương tại Nghị quyết số 27-NQ/TW gồm 6 nội dung.

Nội dung 1: Xây dựng hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo để thay thế hệ thống bảng lương hiện hành, gồm 5 bảng lương.

Trong đó, 1 bảng lương chức vụ, áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị (bao gồm cả đơn vị sự nghiệp công lập) từ Trung ương đến cấp xã; 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ áp dụng đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo;

3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang, trong đó: 1 bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm); 1 bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an và 1 bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an.

Nội dung 2: Sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành bảo đảm cơ cấu tiền lương mới, gồm: Lương cơ bản chiếm khoảng 70% và các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương.

Nội dung 3: Bổ sung chế độ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm (không bao gồm phụ cấp).

Nội dung 4: Hoàn thiện chế độ nâng bậc lương phù hợp với quy định của bảng lương mới.

Nội dung 5: Nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương.

Nội dung 6: Quản lý tiền lương và thu nhập. Trong đó xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện; áp dụng tiền lương tăng thêm; khoán quỹ lương.

Capture
Theo Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ), nội dung cải cách chính sách tiền lương gồm 6 nội dung. Ảnh minh họa: TL

Dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30%Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, theo phương án cải cách tiền lương, từ ngày 1/7 tới, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp).

Từ năm 2025, mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hàng năm khoảng 7%/năm.

Trong 3 năm qua, chưa thực hiện cải cách tiền lương nhưng đã 2 lần điều chỉnh mức lương cơ sở, tăng 29,5%. Như vậy, tính tổng lại từ năm 2021 (thời điểm dự kiến thực hiện cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW) đến ngày 1/7 tới thì lương của cán bộ, công chức, viên chức cũng tăng bình quân chung khá nhiều, khoảng 60%. Con số này tuy không phải là vượt bậc, nhưng cũng là mức tăng đáng kể so với con số tăng bình quân mỗi năm 7% khi chưa thực hiện cải cách tiền lương.

Điều này thể hiện nỗ lực rất lớn của Chính phủ, cũng như Bộ Nội vụ và các bộ, ngành trong triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW Trung ương khóa XII; nhất là trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn sau tác động của đại dịch COVID-19.

Cùng chuyên mục