Tiền điện hơn 1 triệu đồng/tháng, hộ gia đình có nên lắp điện mặt trời mái nhà?
Với mức tiêu thụ điện hơn 400 kWh/tháng (3.000 đồng/kWh), lãnh đạo EVN khuyến cáo các hộ gia đình nên nghĩ đến việc sử dụng điện mặt trời mái nhà để tiết kiệm chi phí.
Tiền điện hơn 1 triệu đồng/tháng nên lắp pin mặt trời
Tại tọa đàm "Năng lượng sạch và giải pháp giảm chi phí điện cho người dân, doanh nghiệp" sáng 10/4 tại TPHCM, ông Lưu Mạnh Thức, Tổng Giám đốc Công ty CP Năng lượng mặt trời SPC cho biết, để quyết định lắp đặt điện mặt trời mái nhà, hộ gia đình phải xác định mỗi tháng sử dụng bao nhiêu kWh rồi mới tính toán lắp đặt.
Trường hợp hộ gia đình có hóa đơn tiền điện thông thường từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/tháng, phương án tối ưu có thể lắp đặt thiết bị điện để tạo ra khoảng 6kWh và mỗi tháng tạo ra từ 600-720kWh.
“Với công suất điện tạo ra như vậy, có thể thu hồi hơn 1 triệu đồng tiền điện/tháng. Chi phí lắp đặt thiết bị điện công suất phù hợp và có pin lưu trữ khoảng 60 triệu đồng. Thời gian thu hồi vốn từ 4-5 năm”, ông Thức phân tích.
Cũng theo ông Thức, năng lượng sạch là xu thế tất yếu, là giải pháp hiệu quả giúp doanh nghiệp và người dân tiết kiệm 50-60% chi phí điện, đặc biệt vào giờ cao điểm khi nhu cầu sử dụng tăng cao.

Đối với các doanh nghiệp, ông Phan Ngọc Ánh - Giám đốc Công ty Alena Energy cho biết, thị trường có sản phẩm pin lưu trữ với dung lượng từ 230kWh đến 2,3mWh tích hợp vào hệ thống điện hiện hữu, giúp sạc điện vào giờ thấp điểm và sử dụng vào giờ cao điểm.
"Trước đây, doanh nghiệp lắp hệ thống điện mặt trời để sử dụng và sau đó bán điện dôi dư cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chi phí thu về khoảng 2.000 đồng/kWh. Hiện nay, việc doanh nghiệp sử dụng điện mặt trời tích hợp hệ thống lưu trữ sẽ tiết kiệm chi phí, thời gian hoàn vốn từ 4-5 năm", ông Ánh nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, ông ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng Ban Kinh doanh EVN khẳng định, với hộ gia đình, lợi ích rõ nhất là tiết kiệm chi phí. Mức tiêu thụ từ 401kWh trở lên, giá điện đã hơn 3.000 đồng/kWh. Nếu sử dụng điện mặt trời mái nhà, hộ gia đình có thể giảm đáng kể tiền điện hàng tháng".
Đối với doanh nghiệp, vị đại diện EVN cho biết việc sử dụng điện mặt trời mái nhà giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm điện năng trong dài hạn. Từ đó, nâng cao tính ổn định trong hoạt động sản xuất và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
4 lưu ý cho gia đình khi lắp điện mặt trời
Theo ông Lưu Mạnh Thức Tổng - Giám đốc Công ty CP Năng lượng mặt trời SPC, sản lượng điện tiêu thụ sẽ đạt mức đỉnh điểm vào cuối tháng 4-5, tương ứng với hóa đơn tiền điện của khách hàng cũng tăng mạnh trong thời gian này. Do chi phí tiền điện ngày càng cao, nhiều người bắt đầu cân nhắc đến việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà.
Tuy nhiên, để hệ thống điện mặt trời thực sự mang lại hiệu quả và tiết kiệm như kỳ vọng, người dân cần nắm rõ một số vấn đề quan trọng trước khi lắp đặt.
Thứ nhất, người dân cần kiểm tra và đánh giá kết cấu công trình hiện có, xem có đáp ứng được yêu cầu chịu lực và độ bền trong suốt vòng đời của hệ thống điện mặt trời (thường kéo dài khoảng 20 năm) hay không. Việc này rất quan trọng để bảo đảm an toàn và tính lâu dài của hệ thống.
Thứ hai, người dân phải tuân thủ đầy đủ các quy định của nhà nước về phòng cháy chữa cháy, xây dựng, điện lực và chính sách liên quan đến tải điện. Điều này giúp tránh những rủi ro pháp lý không đáng có. Người dân phải làm việc với đơn vị lắp đặt để xác định công suất phù hợp nhất với nhu cầu sử dụng, tối ưu hiệu quả vận hành và làm rõ liệu hệ thống có hỗ trợ cơ chế tự sản, tự tiêu hay không.
Thứ ba, thị trường hiện nay có rất nhiều loại hệ thống năng lượng mặt trời với nguồn gốc, chất lượng và giá cả khác nhau. Sự khác biệt này ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng điện mà hệ thống tạo ra. Do đó, việc lựa chọn nhà cung cấp uy tín, đã được kiểm chứng chất lượng và có đầy đủ chứng chỉ là điều hết sức quan trọng.
Thứ tư, để bảo đảm hiệu quả lâu dài, hệ thống điện mặt trời cần được bảo trì định kỳ, có thể theo quý hoặc theo năm. Việc này không chỉ giúp duy trì sản lượng điện ổn định mà còn kéo dài tuổi thọ thiết bị và giảm thiểu rủi ro trong quá trình vận hành.