Tiếp Thị Gia Đình

Thứ năm, 26/09/2024, 07:15 (GMT+7)

Thị trường xe ôm công nghệ 'đổi ngôi': Baemin và Gojek rút lui, thương hiệu nội địa trỗi dậy chiếm lĩnh

Thị trường xe ôm công nghệ Việt Nam đang có sự thay đổi lớn khi Baemin và Gojek lần lượt rút lui, mở ra cơ hội phát triển lớn cho các công ty nội địa.

Nhiều thương hiệu quốc tế lần lượt rời đi

Tháng 9/2024, sau 6 năm hoạt động mạnh mẽ, Gojek chính thức rời khỏi thị trường xe ôm công nghệ Việt. Quyết định này được cho là xuất phát từ chiến lược phát triển bền vững của công ty mẹ - tập đoàn GoTo tại Indonesia. 

Tuy vậy, một yếu tố quan trọng khác quyết định cho sự rời đi của thương hiệu chính là kết quả kinh doanh không như kỳ vọng. Trong quý II/2024, Gojek Việt Nam chỉ đóng góp chưa đến 1% tổng giá trị giao dịch của GoTo, đồng thời thị phần của hãng đã giảm từ 30% xuống còn 7% trong vòng 2 năm. Lỗ lũy kế của Gojek tại Việt Nam tính đến cuối năm 2023 đã chạm mức gần 5.700 tỷ đồng, cho thấy mức độ khó khăn mà hãng phải đối mặt.

1
Gojek chính thức rời khỏi thị trường xe ôm công nghệ Việt từ tháng 9/2024 (Ảnh: Sưu tầm)

Trước Gojek, Baemin cũng đã ngừng hoạt động tại thị trường Việt từ thời điểm cuối năm 2023, sau 4 năm hoạt động. Dù có doanh thu tăng mạnh từ 441 tỷ đồng năm 2020 lên hơn 810 tỷ đồng vào năm 2022, nhưng công ty này vẫn lỗ nặng do mở rộng không kiểm soát. Lỗ lũy kế sau thuế của Baemin trong giai đoạn 2020 - 2023 lên đến hơn 4.000 tỷ đồng, dẫn đến việc hãng buộc phải rút lui.

Điều tương tự cũng đã xảy ra với Uber vào năm 2018 khi hãng quyết định rút khỏi Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam và bán lại mảng kinh doanh cho đối thủ Grab. Dù đã hoạt động tại Việt Nam được 4 năm, với số lượng tài xế đối tác lên tới 350.000, Uber vẫn không thể tránh khỏi thua lỗ và quyết định ra đi.

Cơ hội mở rộng hơn cho các thương hiệu nội địa

Việc các doanh nghiệp quốc tế lần lượt rút lui đã mở ra cánh cửa cho các thương hiệu nội địa vươn lên mạnh mẽ. Hiện nay, thị trường xe ôm công nghệ Việt Nam đang tập trung vào 3 cái tên lớn là Grab, Be và Xanh SM.

Xanh SM bùng nổ ngay từ những ngày đầu ra mắt

Xanh SM - thương hiệu xe điện thuộc tập đoàn Vingroup đã nhanh chóng phát triển và tạo dấu ấn mạnh mẽ kể từ khi ra mắt vào tháng 4/2023. Đến cuối năm 2023, hãng đã sở hữu đội xe gồm 17.000 ô tô và 15.000 xe máy điện, cùng với gần 40.000 nhân viên. 

2
Xanh SM dành được nhiều "thành tích" đáng nể chỉ sau thời gian ngắn ra mắt (Ảnh: Sưu tầm)

Trong nửa đầu năm 2024, doanh thu của Xanh SM đạt 5.746 tỷ đồng. Tổng doanh thu từ khi thành lập đến giữa năm 2024 đạt hơn 24.715 tỷ đồng. Với sự phát triển mạnh mẽ và không ngừng mở rộng, Xanh SM nhanh chóng trở thành đối thủ đáng gờm trong thị trường xe ôm công nghệ Việt.

Grab giữ vững ngôi vị, dẫn đầu thị trường xe ôm công nghệ

Mặc dù phải đối mặt với sự sự cạnh tranh gay gắt, song sau bao năm, Grab vẫn giữ vững vị thế dẫn đầu thị trường. Ông lớn này đã ghi nhận doanh thu trên 4.000 tỷ đồng trong năm 2023 và chiếm thị phần lớn nhất trong ngành xe ôm công nghệ. 

Theo báo cáo “Mức độ phổ biến của ứng dụng gọi xe máy năm 2024” của Q&Me, Grab là ứng dụng được 42% người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng nhất khi di chuyển bằng xe máy.

Be vẫn là đối thủ “nặng ký”

Be Group với mạng lưới 300.000 tài xế và 9 triệu người dùng tại 40 tỉnh thành hiện cũng là một đối thủ đáng gờm trong ngành. 

Trong giai đoạn 2021 - 2023, Be ghi nhận mức tăng trưởng gấp 5 lần về tổng giá trị hàng hóa được xử lý trên nền tảng và tiếp tục mở rộng dịch vụ với nguồn vốn 739,5 tỷ đồng từ VPBank để nâng cao các dịch vụ gọi xe, giao hàng và tài chính.

Làm thế nào để “sống sót” trước sự cạnh tranh khốc liệt?

Theo nghiên cứu của Mordor Intelligence, thị trường xe ôm công nghệ Việt Nam đã đạt quy mô 727,73 triệu USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ tăng lên 880 triệu USD vào năm 2024. Tốc độ tăng trưởng trung bình 19,5% mỗi năm cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của ngành, với dự báo sẽ đạt 2,16 tỷ USD vào năm 2029.

Thị trường xe ôm công nghệ đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt. Để có thể tồn tại và phát triển, nhiều thương hiệu đã chọn cách nâng cao chất lượng dịch vụ. Các ứng dụng ngoài cho phép đặt xe di chuyển còn tích hợp thêm nhiều tính năng tiện ích khác như giao hàng, đặt thức ăn, đặt vé máy bay hay đặt bàn nhà hàng... Sự đổi mới liên tục về tính năng và dịch vụ không chỉ giúp tăng doanh thu mà còn nâng cao trải nghiệm khách hàng, đặc biệt khi các doanh nghiệp chuyển từ việc cạnh tranh giá sang tập trung tạo giá trị cốt lõi cho người dùng.

3
Thị trường xe ôm công nghệ đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt (Ảnh: Sưu tầm)

Có thể thấy rằng, việc nhiều thương hiệu quốc tế rút lui đã tạo cơ hội lớn cho các thương hiệu nội địa dễ dàng chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, sự cạnh tranh đi kèm bối cảnh thị trường tiếp tục tăng trưởng khiến các doanh nghiệp cần phải đổi mới hơn nữa. Đặc biệt là tiêu chí không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Cùng chuyên mục