Thêm quy định mới về phát hành chứng chỉ tiền gửi trong nước
Theo quy định mới, đối với chứng chỉ tiền gửi do các công ty tài chính phát hành, đối tượng mua chỉ giới hạn ở các tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài, không áp dụng cho cá nhân.
Các ngân hàng sắp có Bộ quy tắc chung về giao dịch chuyển tiền quốc tế
Lãi suất ngân hàng hôm nay 8/10: Đà tăng chững lại, gửi tiền ở đâu để nhận lãi cao nhất?
Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Thông tư số 02/2025/TT-NHNN về phát hành chứng chỉ tiền gửi trong nước của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới ban hành, có hiệu lực từ ngày 16/6/2025.
Thông tư mới được kỳ vọng sẽ chuẩn hóa và cụ thể hóa khung pháp lý, đồng thời cũng mở rộng khuôn khổ pháp lý phù hợp hơn với thực tiễn và nhu cầu phát triển số hóa trong lĩnh vực ngân hàng.

Theo đó, chứng chỉ tiền gửi là một hình thức tiền gửi dưới dạng giấy tờ có giá và là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành đối với người mua chứng chỉ tiền gửi trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác.
Quy định mới nêu rõ, ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, công ty tài chính và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép phát hành chứng chỉ tiền gửi theo Giấy phép thành lập và hoạt động do Ngân hàng Nhà nước cấp.
Đối tượng mua chứng chỉ tiền gửi do ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành là tổ chức, cá nhân trong nước cũng như nước ngoài. Đối với chứng chỉ tiền gửi do các công ty tài chính phát hành, đối tượng mua chỉ giới hạn ở các tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài, không áp dụng cho cá nhân.
Trong khi đó, chứng chỉ tiền gửi sẽ được phát hành và thanh toán hoàn toàn bằng đồng Việt Nam. Mệnh giá tối thiểu là 100.000 đồng hoặc bội số của mức này. Cụ thể mệnh giá có thể do tổ chức phát hành quyết định hoặc dựa trên thỏa thuận giữa tổ chức và người mua.
Cùng đó, lãi suất của chứng chỉ tiền gửi do tổ chức phát hành quyết định, nhưng phải phù hợp với các quy định về lãi suất của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ. Cách tính lãi cũng được thực hiện theo quy định hiện hành của cơ quan quản lý.
Tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền quyết định thời hạn, ngày phát hành và ngày đáo hạn của chứng chỉ tiền gửi. Tuy nhiên, nếu người mua là một tổ chức tín dụng khác hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài, thì kỳ hạn chứng chỉ tiền gửi bắt buộc phải dưới 12 tháng.
Về phương thức phát hành, tổ chức tín dụng có thể phát hành chứng chỉ tiền gửi trực tiếp tại điểm giao dịch hợp pháp thuộc mạng lưới trong nước hoặc thông qua phương tiện điện tử. Nếu phát hành điện tử, người mua sẽ được cấp chứng nhận quyền sở hữu điện tử.
Trường hợp phát hành bằng phương tiện điện tử, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành cấp cho người mua chứng nhận quyền sở hữu chứng chỉ tiền gửi trên môi trường điện tử. Trong trường hợp phát hành trực tiếp, ngân hàng phải in chứng chỉ dưới hình thức vật lý có khả năng chống giả cao.
Riêng với tổ chức, cá nhân không cư trú và cá nhân nước ngoài cư trú tại Việt Nam, việc mua chứng chỉ tiền gửi chỉ được thực hiện tại điểm giao dịch, không áp dụng hình thức phát hành điện tử.
Theo luật sư Ngô Trọng Nghĩa, Viện trưởng Viện Chính sách đầu tư, thời gian qua, các ngân hàng vẫn được phát hành chứng chỉ tiền gửi. Trong bối cảnh thị trường tài chính nhiều biến động như hiện nay thì việc phát hành chứng chỉ tiền gửi là một công cụ hữu hiệu để các ngân hàng đa dạng hóa hình thức huy động vốn.
Mặc dù vậy, điểm bất lợi đối với hình thức đầu tư này là người mua khi có nhu cầu rút vốn thì phải chờ đến thời điểm đáo hạn, hoặc có thể thế chấp chứng chỉ này tại ngân hàng phát hành, tuy nhiên mức lãi suất cho vay sẽ cao hơn. Do đó, người mua phải thực sự chắc chắn về nguồn vốn nhàn rỗi của mình. Bên cạnh đó, chứng chỉ tiền gửi có thể chuyển nhượng cho người khác - ưu điểm khác biệt so với gửi tiết kiệm thông thường.