Thứ năm, 08/05/2025
logo
Tài chính - Ngân hàng

Gói tín dụng 500.000 tỷ đồng cho hạ tầng và công nghệ số: Những ngân hàng nào sẽ tham gia?

Thụy Bình Thứ năm, 08/05/2025, 10:52 (GMT+7)

Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với 21 ngân hàng thương mại để bàn phương án triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng (tương đương 20 tỷ USD) cho doanh nghiệp vay đầu tư lĩnh vực hạ tầng và công nghệ số.

Gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng: Lãi suất chỉ còn 7,5%/năm, mới giải ngân được 500 tỷ

Gói tín dụng nhà ở xã hội 125.000 tỷ đồng thế nào sau một năm triển khai?

Cần mở rộng đối tượng thụ hưởng để gỡ vướng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng

Đây là thông tin được ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước nêu tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025 vừa diễn ra mới đây.

Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước, gói tín dụng ưu đãi 500.000 tỷ đồng, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 3/2025, hiện nay, quy mô giải ngân gói này đã được nâng lên đến gần 100.000 tỷ đồng và mở rộng đối tượng được thụ hưởng.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú trả lời báo chí về gói tín dụng 500.000 tỷ đồng.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú trả lời báo chí về gói tín dụng 500.000 tỷ đồng. Ảnh: VGP.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với các ngân hàng để lên kế hoạch triển khai gói tín dụng này. Hiện nay, có 21 ngân hàng thương mại đã đăng ký tham gia, tổng đăng ký đạt 500.000 tỷ đồng, với các quy mô cam kết khác nhau.

Cụ thể, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước lớn (Big 4) gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank được xác định là lực lượng chủ lực đăng ký tham gia 240.000 tỷ đồng, tương đương mỗi ngân hàng đăng ký tham gia 60.000 tỷ đồng. Ngoài ra, 12 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân quy mô lớn đăng ký mức 20.000 tỷ đồng/ngân hàng và 5 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân quy mô nhỏ hơn đăng ký tham gia khoảng 4.000 tỷ đồng/ngân hàng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin.

Nội dung của gói tín dụng này tập trung vào các đối tượng là doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và phát triển công nghệ số. Doanh nghiệp được ưu đãi tối thiểu 1% lãi suất so với lãi suất cho vay bình quân hiện nay của các ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, thời gian cho vay ưu đãi tối thiểu là 2 năm, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp triển khai dự án một cách hiệu quả.

Một điểm đáng chú ý là gói tín dụng 500.000 tỷ đồng sẽ hoàn toàn không sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước hay vốn vay nước ngoài. Thay vào đó, các ngân hàng thương mại sẽ sử dụng nguồn lực huy động của mình để cấp tín dụng, trên cơ sở cơ cấu lại vốn vay, kéo dài thời gian cho vay, cũng như đồng tài trợ cho các dự án lớn. Với hình thức này, gói tín dụng không chỉ đảm bảo tính linh hoạt mà còn giảm gánh nặng ngân sách, trong khi vẫn hỗ trợ mạnh mẽ các lĩnh vực cần vốn trung và dài hạn.

Tuy nhiên, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước cũng cho hay, cho vay hạ tầng thường dành cho những dự án rất lớn. Quy mô vốn lớn buộc các ngân hàng thương mại phải đồng tài trợ. Ngoài ra, cho vay hạ tầng bao giờ thời hạn rất dài, có thể trong 5 - 10 năm, trong khi các ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn nên phải có cơ cấu, tính toán được cung ứng nguồn vốn, xử lý vốn cho hợp lý, an toàn.

“Do vậy, cần sự phối hợp của các đơn vị, bộ, ngành chức năng để cùng làm rõ các lĩnh vực, đối tượng, dự án, doanh nghiệp nào cần có sự hỗ trợ về vốn, bảo đảm đúng mục tiêu đã đề ra. Trong tháng 5 này, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục đẩy mạnh các bước chuẩn bị, sớm đưa gói tín dụng đi vào thực tế theo chỉ đạo của Chính phủ”, ông Tú nhấn mạnh.

Đọc thêm
Đừng bỏ lỡ
Cùng chuyên mục