Chốt ngày khởi công tuyến đường sắt 8 tỷ USD Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng
Với tổng vốn đầu tư lên tới 203.000 tỷ đồng, dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng được kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho các nhà thầu, doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng trong nước tham gia.
Chủ tịch Hòa Phát: Sẵn sàng cung cấp sắt, thép chất lượng cao cho các dự án đường sắt trọng điểm
Hòa Phát mua dây chuyền sản xuất thép cho đường sắt cao tốc
Hà Nội đề xuất làm đường sắt đô thị kết nối sân bay Gia Bình
Bộ trưởng Bộ Xây dựng phải chỉ đạo các Ban Quản lý dự án, đơn vị tư vấn tăng cường nhân lực, tổ chức triển khai đồng thời các công việc lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng sau thiết kế cơ sở, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và các thủ tục khác của dự án. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu “kiên quyết không để việc sau chờ việc trước”, “làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm” hoàn tất mọi thủ tục để khởi công dự án vào ngày 19/12/2025.
Đây là một trong những nội dung chỉ đạo được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Công điện về việc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng vừa được ban hành mới đây.
Cụ thể, để đảm bảo mục tiêu khởi công, hoàn thành dự án đúng tiến độ trong năm 2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ động phối hợp với các địa phương để bàn giao tọa độ tim tuyến và ranh giới giải phóng mặt bằng, làm cơ sở triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; khảo sát, thiết kế và lập báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án, đảm bảo hoàn thành trong tháng 6/2025.
Song song đó, Bộ Xây dựng cần khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Tờ trình Nghị quyết Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt đầu tư phát triển hệ thống đường sắt tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV.

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng cấp tỉnh, do Bí thư Tỉnh ủy hoặc Thành ủy làm Trưởng ban, tập trung chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị các cấp vào cuộc triển khai công tác giải phóng mặt bằng cho dự án.
Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải được thực hiện ngay, song song với quá trình Bộ Xây dựng lập báo cáo nghiên cứu khả thi, hoàn tất trước tháng 8/2025 để kịp bàn giao mặt bằng phục vụ thi công. Trường hợp cần thiết, địa phương phải chủ động bố trí nơi tạm cư để ổn định đời sống người dân, bảo đảm tiến độ dự án.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng và các địa phương trong việc hoàn tất thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa; đồng thời chủ động hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình bồi thường, tái định cư.
Bộ trưởng Bộ Tài chính được giao chỉ đạo khẩn trương rà soát nguồn tiết kiệm chi thường xuyên năm 2025 của Trung ương và địa phương để ưu tiên bố trí cho dự án; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2025.
Giữa tháng 2/2025, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, với tổng vốn 203.231 tỷ đồng (tương đương 8,37 tỷ USD).
Điểm đầu dự án tại vị trí nối ray qua biên giới (tỉnh Lào Cai), điểm cuối tại ga Lạch Huyện (TP Hải Phòng), chiều dài tuyến chính gần 391 km; chiều dài các tuyến nhánh khoảng 27,9 km, đi qua 9 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.
Tuyến đường sắt được đầu tư mới đường đơn, khổ 1,435 mm, vận chuyển chung hành khách, hàng hóa; tốc độ thiết kế 160 km/h với tuyến chính từ ga Lào Cai mới đến ga Nam Hải Phòng; tốc độ thiết kế 120 km/h với đoạn qua khu vực đầu mối TP Hà Nội; tốc độ 80 km/h với các đoạn tuyến còn lại. Dự kiến lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu hoàn thành dự án chậm nhất vào năm 2030.