Các ngân hàng sắp có Bộ quy tắc chung về giao dịch chuyển tiền quốc tế
Dự kiến Bộ quy tắc và thực hành thống nhất về kiểm tra chứng từ đối với giao dịch chuyển tiền quốc tế của khách hàng cá nhân cho các tổ chức tín dụng sẽ được ban hành vào cuối quý II/2024.
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa tổ chức Hội nghị công bố Quyết định thành lập Ban soạn thảo xây dựng Bộ quy tắc và thực hành thống nhất về kiểm tra chứng từ đối với giao dịch chuyển tiền quốc tế của khách hàng cá nhân cho các tổ chức tín dụng (TCTD).
Theo đó, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam làm Trưởng ban.
Bà Nguyễn Thị Vân Hoài, Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng (VNBA) là Phó Ban thường trực; Ông Lê Trung Thành, Phó Tổng Giám đốc BIDV là Phó ban và các thành viên là đại diện một số ngân hàng như: Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank, VPBank, Techcombank, HSBC, Standard Chartered Bank và đại diện Ban Pháp luật & nghiệp vụ (VNBA).
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, đây là lần đầu tiên tại Việt Nam tổ chức họp bàn xây dựng Bộ quy tắc chung về thực hành thống nhất kiểm tra chứng từ đối với giao dịch chuyển tiền quốc tế cho các tổ chức tín dụng. Hiện các quy định về chuyển tiền quốc tế tại Việt Nam đã có nhưng việc thực hiện, áp dụng trong các tổ chức tín dụng chưa thống nhất.
Chẳng hạn như việc thanh toán song phương giữa Việt Nam – Thái Lan bằng mã QR, khách du lịch Thái Lan đã có thể dễ dàng thực hiện thanh toán bằng mã QR tại Việt Nam. Tuy nhiên, khách du lịch Việt Nam lại gặp khó khăn trong thanh toán bằng mã QR tại Thái Lan. Nguyên nhân do chưa có quy trình xử lý chung thống nhất mà chỉ có hoạt động đơn lẻ của từng tổ chức tín dụng.
“Vì vậy, cần thiết phải xây dựng bộ quy tắc chung thống nhất quy trình chuyển tiền quốc tế để thực hiện, áp dụng trong các tổ chức tín dụng”, ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
Lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng cũng lưu ý việc xây dựng Bộ quy tắc chung phải lấy những điểm chung nhất làm gốc và không vi phạm các quy định pháp luật.
Ông Đào Xuân Tuấn - Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cũng cho rằng, Bộ quy tắc chung thống nhất phải đưa ra quy định có tính chất khung bao trùm và khái quát cao. Vì vậy, Bộ quy tắc chung thống nhất gồm có các nguyên tắc chung cơ bản để tất cả các tổ chức tín dụng đều dễ dàng thực hiện và không nên đưa vào các chi tiết cụ thể.
Ông Tuấn cũng mong muốn Bộ quy tắc chung thống nhất sớm được ban hành và các tổ chức tín dụng cũng cần có kế hoạch cụ thể để khi đưa vào thực hiện đạt được hiệu quả tối đa.
Theo Ban soạn thảo, thời gian dự kiến hoàn thành dự thảo sơ bộ vào khoảng 30/1/2024. Sau khi gửi xin ý kiến góp ý của các bộ ngành, thời gian dự kiến hoàn thành Bộ quy tắc chung vào cuối quý II/2024.