Thay đổi logo, các thương hiệu cần chú ý điều gì để tránh thất bại như Pepsi
Lần thay đổi logo của Pepsi với số tiền khủng nhưng nhận lại kết quả đắng. Vậy cần lưu ý điều gì mỗi khi có ý định đổi nhận diện thương hiệu?
Pepsi thay đổi logo nhiều lần
Tương tự với nhiều thương hiệu khác, Pepsi đã có cho mình quá trình thay đổi logo nhiều lần với mức giá triệu đô cho các chiến dịch gây ấn tượng, tuy nhiên, mỗi lần thay đổi lại là mỗi sự khác biệt khiến cho Pepsi ngày càng được chú ý. Bắt đầu với phiên bản logo ba màu xanh - trắng - đỏ từ năm 1950, cho đến chiếc logo không tên thương hiệu từ năm 2008, Pepsi mới đây đã có cho mình lần thay đổi tiếp theo, táo bạo và hiện đại hơn. Tuy nhiên, trước đó Pepsi đã từng thất bại trước sự thay đổi bộ nhận diện thương hiệu vào năm 2008.
Bị đánh giá là sự bóp méo thảm hại khi thay đổi đường lượn sóng giữa 3 màu sắc, cùng với font chữ mềm mại và có phần hiện đại, tập trung vào giới trẻ nhiều hơn. Trước đó ở những logo cũ, phần màu xanh và đỏ luôn được chia đều và ngăn cách bằng dải màu trắng, đem đến cảm giác cân bằng. Sự biến đổi logo vào năm 2008 đã làm mất đi cảm giác này và khiến Pepsi tổn thất hàng chục triệu đô la.
Vừa qua, Pepsi đã quay trở lại với logo được thay đổi nhưng mang hơi thở của những năm về trước. Phá vỡ tranh luận về sự cân bằng, logo mới này được cải cách thêm dòng chữ Pepsi ở giữa hai màu xanh đỏ đã được làm đều lại như cũ. Hiện tại, logo này sẽ được sử dụng ở Châu Âu và tung ra toàn cầu vào năm 2024.
Các thương hiệu cần lưu ý gì?
Đầu tiên, logo được cho là bộ nhận diện thương hiệu, là hình ảnh và đặc trưng giúp khách hàng nhớ đến thương hiệu. Việc một thương hiệu thay đổi logo quá nhiều lần sẽ khiến khách hàng khó “điểm mặt nhớ tên”, thậm chí rơi vào hoàn cảnh không nhớ tới logo mới nếu nó không đủ nổi bật hơn logo cũ. Điều này cũng dẫn đến việc, mỗi khi thay đổi logo, các thương hiệu cần chi mạnh tay để mang đến những thước phim quảng cáo ấn tượng, nhằm nổi bật sự thay đổi và ghi nhớ đến người xem hình ảnh mới mẻ này. Đây cũng là một thách thức lớn đối với các thương hiệu trước sự thay đổi.
Google đã từng có màn thay đổi logo nhưng vẫn giữ nét đặc trưng vốn có
Cùng với đó, các thương hiệu cũng cần đối mặt với việc sản phẩm giả tràn lan trên thị trường trong quá trình thay đổi. Cụ thể, việc thay đổi logo và khả năng tung ra thị trường toàn cầu cùng lúc dường như là bất khả thi, nhất là đối với các thương hiệu lớn cần chú trọng vào khâu sản xuất và hình ảnh. Điều này đã tạo ra một kẽ hở khiến sản phẩm giả dễ dàng trà trộn và tràn lan trên thị trường, khiến khách hàng chưa thể phân biệt rõ trong thời gian đầu mới thay đổi.
Thay đổi logo thương hiệu sẽ còn phụ thuộc vào khách hàng mục tiêu của các thương hiệu theo từng thời kỳ. Thời gian gần đây, Gen Y, Gen Z cùng lối sống khoa học đang ngày càng đẩy mạnh các sản phẩm 0 đường, 0 calo hay thậm chí là những sản phẩm thân thiện với môi trường, nổi bật như lần thay đổi của 7Up vừa qua. Chính vì thế, việc tập trung khai thác các khách hàng trẻ tuổi, tái định vị logo và hình ảnh thương hiệu theo xu hướng của giới trẻ là điều hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, các thương hiệu cùng cần rạch ròi trước xu hướng ngắn hạn và xu hướng dài hạn, để đem lại logo có giá trị sử dụng lâu dài mà vẫn trending, không bị lỗi thời theo thời gian.