Chi tiền tỷ cho mỗi phút quảng cáo trên các chương trình dịp Tết Nguyên đán, 'đắt có xắt ra miếng'?
Bảng giá quảng cáo của các chương trình phát sóng dịp Tết Ất Tỵ 2025 của VTV ngay sau khi được công bố đã thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, khán giả cũng như giới truyền thông. Liệu việc chi tiền tỷ cho 1 phút quảng cáo trên truyền hình có đáng?
Các chương trình đặc biệt như: Chiều cuối năm, Đón Tết cùng VTV, Gala Cười, 12 con giáp, Giao lưu diễn viên phim truyền hình… từ lâu đã trở thành "món ăn tinh thần" không thể thiếu đối với mỗi người dân trong những ngày cuối năm và đầu năm mới.
Đây cũng là sự lựa chọn hấp dẫn đối với các doanh nghiệp muốn quảng bá thương hiệu và sản phẩm. Tuy nhiên, để quảng cáo trên các chương trình đặc biệt của nhà Đài, doanh nghiệp phải bỏ ra từ vài trăm đến gần hơn 1,3 tỷ đồng cho mỗi phút.
Giá quảng cáo cao ngất ngưởng
Ngay sau khi VTV đưa ra thông báo Táo Quân 2025 vẫn lên sóng vào đúng dịp Giao thừa Tết Ất Tỵ, Trung tâm quảng cáo và Dịch vụ truyền hình (TVAd) thuộc Đài Truyền hình Việt Nam cũng đã nhanh chóng công bố báo giá dịch vụ quảng cáo trong chương trình.
Theo bảng giá do bà Đỗ Thị Lan Hương - Giám đốc TVAd ký, trong thời điểm lên sóng chính thức ngày 28/1 (tức 29 Tết), doanh nghiệp sẽ phải trả 322.750.000 đồng cho thời lượng 10 giây quảng cáo. Thời lượng 15 giây quảng cáo có giá 387.300.000 đồng; 20 giây là 484.125.000 đồng và 30 giây là 645.500.000 đồng.
Bên cạnh đó, trong chương trình phát lại ngày 29/1 (tức mùng 1 Tết Ất Tỵ), giá quảng cáo sẽ giảm khoảng 10 lần, lần lượt là 38.650.000 đồng (10 giây), 46.380.000 đồng (15 giây), 57.975.000 đồng (20 giây), 77.300.000 (30 giây).
Ngoài ra, Đài truyền hình Việt Nam cũng công bố báo giá quảng cáo các chương trình đặc biệt dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 như Chiều cuối năm, Đón tết cùng VTV, Gala cười, Giao lưu diễn viên phim truyền hình…
Trong đó, Gala Cười, 12 con giáp là hai chương trình có bảng giá quảng cáo ngang nhau và đều "hot" sau Táo Quân. Cụ thể, 10 giây quảng cáo trên hai chương trình có giá 68,2 triệu đồng; 15 giây là 81,4 triệu đồng; 20 giây là 102,3 triệu đồng và 30 giây là 136,4 triệu đồng.
Tiếp đó là chương trình Đón Tết cùng VTV phát vào lúc 20h trên VTV3 vào ngày 29/1/2025, tức ngày 29 Tết. Bảng giá được công bố lần lượt: 10 giây có giá 55 triệu đồng; 11 giây có giá 66 triệu đồng; 20 giây có giá 82,5 triệu đồng và 30 giây 110 triệu đồng.
Chương trình Giao lưu cùng diễn viên truyền hình phát sóng trên VTV3 công bố giá quảng cáo thấp hơn. Cụ thể, giá quảng cáo cho 10 giây có là 41,8 triệu đồng, 15 giây có là 50,2 triệu đồng, 20 giây là 62,7 triệu đồng và 30 giây là 83,7 triệu đồng.
Trong khi đó, chương trình Chiều cuối năm phát vào ngày cuối cùng của năm Giáp Thìn trên VTV1 và VTV4 công khai mức giá 10 giây quảng cáo là 30 triệu đồng, 15 giây giá 36 triệu đồng, 20 giây giá 45 triệu đồng và 30 giây giá 60 triệu đồng.
Đắt có xắt ra miếng?
Bảng giá quảng cáo của các chương trình phát sóng dịp Tết Ất Tỵ 2025 của VTV ngay sau khi được công bố đã thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, khán giả cũng như giới truyền thông.
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Minh Hải nhận định, so với mọi năm, mức giá quảng cáo trên các chương trình phát sóng dịp Tết Ất Tỵ 2025 của VTV không có nhiều thay đổi. Sự ổn định này không chỉ phản ánh giá trị của các chương trình này trong văn hóa Tết của người Việt, mà còn cho thấy khả năng của chương trình trong việc thu hút khán giả, đặc biệt là vào dịp giao thừa.
Dưới góc độ truyền thông, đây là thời điểm vàng để các thương hiệu gia tăng độ phủ sóng, tiếp cận một lượng lớn khán giả. Vì vậy, với những doanh nghiệp muốn quảng bá thương hiệu và sản phẩm của họ, các chương trình này vẫn là lựa chọn hấp dẫn, bất chấp mức giá cao ngất ngưởng.
Cũng theo chuyên gia, các chương trình phát sóng dịp Tết thường được nhà Đài đầu tư về chất lượng, hình thức, quy mô và chọn khung giờ đẹp phát sóng. Vì vậy, lượng khán giả theo dõi các chương trình Tết trên truyền hình cũng sẽ cao. Bởi lẽ đó, hiệu quả quảng cáo trên các chương trình này cũng sẽ khác.
Tuy nhiên, mức giá niêm yết cũng có thể được điều chỉnh trong quá trình doanh nghiệp và nhà đài thương thảo dựa trên nhiều "điều khoản", đơn cử như mối quan hệ lâu năm, điều kiện hợp tác giữa đôi bên. Vì vậy, giá niêm yết đôi khi không phải là mức giá cuối cùng.
"Các doanh nghiệp và thương hiệu nếu có đủ nguồn lực, việc đầu tư vào quảng cáo trong các chương trình này có thể là một quyết định tốt. Khi quyết định đầu tư, họ cần tính toán để đạt tối đa giá trị và hiệu quả từ việc quảng cáo mang lại. Bên cạnh đó, nội dung quảng cáo phải hấp dẫn, sáng tạo và phù hợp với bối cảnh văn hóa Tết, tạo ra sự kết nối tình cảm với khán giả" - chuyên gia khuyến nghị.
- Soi giá quảng cáo cao ngất ngưởng của 'Táo quân' qua các năm
- Giám đốc công ty đầu ngành chỉ ra 'rào cản' khi làm quảng cáo, muốn tạo ra sản phẩm hay cần biết điều này
- Các thương hiệu thời trang thế giới vẫn ưa chuộng quảng cáo trên báo chí
- Để có diện mạo hoàn hảo đón Tết, chị em cần thực hiện ngay 5 bước chăm sóc da này
- Khám phá thiên đường ẩm thực tại Cần Thơ
- Bình nước nóng, lò sưởi điện hay chăn điện? Đâu là sản phẩm tốt nhất và rẻ nhất để giữ ấm cho bạn?
- 'Bữa tiệc âm nhạc - ánh sáng' chào đón năm mới 2025 cuối tuần này tại Hà Nội có gì đặc sắc?
- Những sao Việt chuẩn bị đón 'thiên thần nhí' năm Ất Tỵ 2025
- Chở con đi học như thế nào để không 'rơi tiền'?