Tiếp Thị Gia Đình

Thứ tư, 03/07/2024, 05:00 (GMT+7)

'Tăng lương rất mừng, xin đừng tăng giá'

Các chuyên gia kinh tế, cho rằng việc tăng lương chỉ thực sự ý nghĩa khi giá cả các loại hàng hóa không tăng theo lương. Vậy thực tế vấn đề giá cả đang có những biến động thế nào?

Tình hình giá cả sau 2 ngày tăng lương ra sao?

Từ ngày 1/7, mức lương cơ sở đã chính thức được tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng. Tăng lương là niềm vui của nhiều lao động, cũng là vấn đề thể hiện sự nỗ lực lớn, sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước dành cho người lao động, theo Thương Trường.

Theo khảo sát ngày 2/7 một số chợ trên địa bàn Hà Nội, nhóm thực phẩm thiết yếu như trứng, cá, thịt gia súc, gia cầm, đồ khô, rau xanh, có mức giá tương đối ổn định; chỉ biến động giá nhẹ ở một số nhóm hàng, chủ yếu do tác động của yếu tố bên ngoài như tỷ giá, chi phí nguyên liệu đầu vào, chi phí logistics.

Trong đó, mặt hàng thịt lợn đã tăng từ 120.000 đồng/kg lên 140.000 đồng/kg tùy loại. Giá rau xanh cùng đà tăng lên 2.000 – 3.000 đồng/mớ, giá một số loại củ quả khác như củ cải, khoai cũng tăng nhẹ. Mặc dù mức tăng không không đồng đều và cũng không cao hơn so với trước, nhưng trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, đời sống người lao động bấp bênh và những hộ gia đình có đông người cùng với rất nhiều khoản chi phí khác thì dồn vào cũng trở thành gánh nặng lớn.

Tại một số cửa hàng, quán ăn đã có dấu hiệu điều chỉnh tăng nhẹ, tuy nhiên mức tăng cũng không đồng đều và một số ít cửa hàng điều chỉnh. 

lt

Hóa giải tình trạng hàng hóa tăng giá, ăn theo

Tăng lương cơ sở 30% - mức tăng cao nhất trong lịch sử là một tin vui với hàng chục triệu cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ khu vực công. Bên cạnh niềm vui về việc tăng lương, tăng thu nhập, một nỗi lo của nhiều người trước mỗi kỳ tăng lương đó chính là tăng giá. Nhiều ý kiến bày tỏ “tăng lương rất mừng, xin đừng tăng giá”.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá cần tăng cường chỉ đạo các bộ, ngành địa phương tổ chức triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với các mặt hàng chiến lược.

Trong khi đó, bà Lê Thị Tuyết Nhung - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá cho rằng, nhờ những chỉ đạo kịp thời, hy vọng việc tăng lương sẽ không ảnh hưởng lớn đến giá trong những tháng cuối năm.

Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá đã, đang và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường; đồng thời chủ động dự báo, tính toán và cập nhật kịch bản lạm phát để tham mưu với cấp có thẩm quyền xây dựng kịch bản điều hành giá tổng thể, cũng như triển khai các giải pháp cụ thể.

Trong khi đó phía Tổng cục Thống kê cho biết, có một số yếu tố thuận lợi cho việc kiềm chế lạm phát trong thời gian tới. Cụ thể, lạm phát toàn cầu đang tiếp tục xu hướng hạ nhiệt, giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát. Các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất 6 tháng cuối năm góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Với nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào, Việt Nam tránh được rủi ro, thách thức về an ninh lương thực đang có khả năng xảy ra ở nhiều nước trên thế giới.

Sự chỉ đạo quyết liệt, phản ứng kịp thời của Chính phủ sẽ giúp hạn chế tác động cộng hưởng của việc điều chỉnh giá lên lạm phát.

Dù vậy, cơ quan thống kê vẫn nhấn mạnh, để kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm, cần đặc biệt chú ý đảm bảo cung cầu hàng hóa và tránh tăng giá các hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước quản lý cùng một thời điểm cũng như không nên dồn vào cuối năm.

Cùng chuyên mục