Tại sao nhà đầu tư 'tháo chạy' khỏi cổ phiếu TPBank?
Cổ phiếu TPB của Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) giảm 5,3% ngày 20/3, “thủng đáy” ba tháng gần nhất, đâu là lý dó khiến TPB lao dốc mạnh?
Thị trường chứng khoán chìm trong sắc đỏ, cổ phiếu nào bị xả mạnh nhất?
Thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến một phiên giao dịch đầy biến động khi cổ phiếu TPB bất ngờ giảm mạnh 5,3%, đóng cửa ở mức 15.200 đồng/cổ phiếu. Đây là mức giảm sâu nhất trong hơn ba tháng qua.
Trong phiên giao dịch ngày 20/3, cổ phiếu TPB mở cửa với xu hướng giảm nhẹ nhưng nhanh chóng lao dốc khi áp lực bán gia tăng đột biến. Đáng chú ý, khối lượng giao dịch tăng vọt, đạt mức cao nhất trong nhiều tuần gần đây. Điều này cho thấy lực bán mạnh mẽ từ các nhà đầu tư.
Mức giá 15.200 đồng hiện tại đã chạm đáy gần nhất kể từ tháng 12/2024. Nếu so với mức đỉnh gần đây tại vùng 17.000 đồng vào đầu tháng 3, TPB đã mất hơn 10% giá trị chỉ trong chưa đầy hai tuần.

Theo các nhà đầu tư có nhiều nguyên nhân dẫn đến cú lao dốc của TPB: Trước đó, cổ phiếu TPB có nhịp tăng khá tốt trong tháng 2 và đầu tháng 3, khi giá tăng từ vùng 14.500 đồnglên trên 17.000 đồng. Tuy nhiên, khi thị trường chung có dấu hiệu điều chỉnh, nhiều nhà đầu tư quyết định chốt lời để bảo toàn lợi nhuận, tạo ra áp lực bán mạnh.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn nhạy cảm, khi nhà đầu tư trở nên dè chừng trước những biến động kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Lo ngại về lãi suất, tỷ giá và tăng trưởng tín dụng có thể khiến dòng tiền rút khỏi nhóm cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt là TPB – một mã có hệ số beta cao và thường biến động mạnh.
Dù TPBank có nền tảng tài chính ổn định, nhưng một số nhà đầu tư lo ngại về rủi ro nợ xấu và chính sách tín dụng thắt chặt. Ngoài ra, thông tin liên quan đến các khoản nợ của Bamboo Capital (BCG) cũng có thể tác động tiêu cực đến TPB. Đặc biệt, hồi đầu tháng 3, khi ông Nguyễn Hồ Nam – nguyên Chủ tịch HĐQT BCG – bị truy tố.
Theo thống kê, TPB có gần 81 triệu cổ phiếu khớp lệnh. Đây là khối lượng giao dịch đột biến, cho thấy sự rút lui mạnh mẽ của các nhà đầu tư khỏi mã cổ phiếu này.
Với mức giảm mạnh nhiều nhà đầu tư đang quan sát vùng giá 15.000 – 15.200 đồng, được xem là mức hỗ trợ quan trọng của TPB. Nếu vùng giá này bị phá vỡ, cổ phiếu có thể tiếp tục điều chỉnh sâu hơn, thậm chí có thể tiệm cận vùng 14.500 đồng.
Tuy nhiên, với những nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao, đây cũng có thể là cơ hội để giải ngân dần nếu giá duy trì quanh vùng hỗ trợ. Nếu lực cầu mạnh xuất hiện trong những phiên tới, TPB hoàn toàn có thể phục hồi trở lại vùng 16.500 – 17.000 đồng.
Một yếu tố quan trọng khác cần theo dõi là dòng tiền. Nếu khối lượng giao dịch duy trì ở mức cao nhưng lực mua yếu, rủi ro tiếp tục giảm vẫn còn. Ngược lại, nếu xuất hiện lực cầu mạnh hấp thụ lượng cổ phiếu bán ra, TPB có thể sớm phục hồi trở lại.
Phiên giao dịch ngày 20/3 cũng chứng kiến hoạt động bán ròng mạnh mẽ từ khối ngoại. Nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 172 tỷ đồng TPB, phản ánh tâm lý e ngại về triển vọng của cổ phiếu này. Không chỉ TPB, cổ phiếu FPT cũng bị bán ròng tới 279 tỷ đồng. Tổng cộng, khối ngoại bán ròng 1.410 tỷ đồng trên sàn HoSE trong ngày.
Áp lực bán từ khối ngoại, cộng với biến động tiêu cực từ TPB đã góp phần khiến VN-Index giảm nhẹ 0,7 điểm, xuống còn 1.323,9 điểm.
Việc TPB giảm mạnh khiến vốn hóa thị trường của TPBank bốc hơi hơn 2.200 tỷ đồng, xuống còn 40.157 tỷ đồng vào cuối phiên 20/3. Đồng thời, giá trị cổ phiếu TPB do gia đình ông Đỗ Minh Phú (Chủ tịch TPBank) và ông Đỗ Anh Tú (Phó Chủ tịch TPBank) nắm giữ cũng giảm đáng kể.
Mặc dù cổ phiếu TPB đang chịu áp lực bán mạnh, TPBank vẫn có những điểm sáng về kết quả kinh doanh: Năm 2024, lợi nhuận trước thuế đạt gần 7.600 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2023 và vượt kế hoạch đề ra. ROE duy trì ở mức trên 17%. Tổng tài sản vượt 418.000 tỷ đồng, tăng 17% so với năm trước. Dư nợ tín dụng đạt 261.500 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 20%, cao hơn mức trung bình ngành.