Thứ tư, 16/04/2025
logo
Góc nhìn

'Tội ác trắng' trong lon sữa giả: Đòn mạnh giáng xuống người yếu thế

Trần Văn Tuấn Thứ ba, 15/04/2025, 07:10 (GMT+7)

Vụ việc phát hiện 573 nhãn hiệu sữa bột giả là minh chứng cho một kiểu “tội ác trắng” đang ẩn mình trong những sản phẩm tưởng như vô hại, và càng phẫn nộ hơn khi "đòn" này lại giáng xuống đầu những người yếu thế, với sự liên quan của những người được giới thiệu từng giữ chúc vụ cao ngành y tế - dinh dưỡng, có học hàm, học vị cùng những chiếc áo blouse trắng trên người.

Từ vụ phát hiện đường dây sữa giả: Làm sao nhận biết sữa bột giả giữa thị trường hỗn loạn?

Tập đoàn TH ra mắt bộ sản phẩm sữa chua ăn TOP CUP hoàn toàn mới: Sữa chua cốm nếp giòn tự nhiên và sữa chua ngũ cốc ca cao tự nhiên

Từ vụ phát hiện đường dây sữa giả: Làm sao nhận biết sữa bột giả giữa thị trường hỗn loạn?

Con số 573 nhãn hàng sữa bột giả bị phát hiện và số tiền trục lợi gần 500 tỷ đồng thực sự đáng báo động, bởi không chỉ vì quy mô của sản phẩm hàng giả mà đáng nói hơn, đối tượng tiêu dùng chính là những người dễ bị tổn thương trong xã hội, bao gồm người bị bệnh tiểu đường, suy thận, trẻ em sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai.

Nhiều người mua hàng là những người đang gặp khó khăn tài chính khi có bệnh nền, hoặc họ đang kiếm tìm hy vọng bồi dưỡng sinh lực cho những em bé sinh non và bà mẹ mang thai. Họ dùng sản phẩm với hy vọng có thể góp phần mang lại một thế hệ tương lai mạnh khỏe hơn.

Vụ việc càng gây bức xúc khi Báo VietNamNet vừa liệt kê một số "chuyên gia y tế, chuyên gia dinh dưỡng" với những chức danh viện phó này, giám đốc nọ... xuất hiện trong những clip quảng cáo của doanh nghiệp.

Hàng giả được sản xuất và tung ra thị trường từ lòng tham và sự vô cảm của một nhóm người phớt lờ các giá trị đạo đức và nguyên tắc sống tử tế của xã hội Việt Nam.

Để kiếm lợi, họ cố tình đạp lên rủi ro về sức khỏe của khách hàng. Vụ sữa bột giả lần này không chỉ đơn thuần là vi phạm luật pháp, vi phạm đạo đức kinh doanh mà còn có thể được xem là một tội ác!

Ở nước ta, sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng (TPCN) lâu nay vẫn được xem là một ngành siêu lợi nhuận. Theo thông tin từ Báo Điện tử Chính phủ, Việt Nam hiện có hơn 3.100 cơ sở sản xuất, cung cấp ra thị trường khoảng 12.000 sản phẩm chăm sóc sức khoẻ người dân. Các mặt hàng TPCN trong nước chiếm ưu thế trên thị trường, với khoảng 60-80%.

anh-chup-man-hinh-2025-04-12-luc-110916-7235-5279-1536
Bộ Công an vừa triệt phá đường dây làm sữa giả lớn nhất từ trước tới nay (Ảnh: Vtv.vn)

Cho tới năm 2022, tỷ lệ người sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng đã đạt mức 58,5% dân số trên 18 tuổi. Đây chính là "mảnh đất màu mỡ" để các loại TPCN hàng nhái, hàng giả và hàng kém chất lượng xâm nhập, trà trộn trên thị trường. Những sản phẩm giả mạo này rất khó bị phát hiện bởi cơ quan chức năng do chủng loại nhãn hàng quá nhiều, hoặc bởi vì chúng không phải là thuốc nên công dụng rất mập mờ, vì vậy rất khó phân biệt thật giả.

Có lẽ vì thế nên bên cạnh vai trò của nhà nước trong việc tăng cường năng lực nhận diện và kiểm soát hàng giả cũng như áp dụng các chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn, thì vai trò của người tiêu dùng cũng không kém phần quan trọng.

Chúng ta cần phải là những "người tiêu dùng thông thái" để tránh mua phải hàng nhái, hàng giả.

Thứ nhất, không nên tin tưởng cái gọi là “món hời” trên thị trường ngày nay. Khi độ khan hiếm không còn đóng vai trò dẫn dắt thị trường thì giá trị của hàng hóa được phản ánh trung thực thông qua giá cả của hàng hóa đó. Câu nói “tiền nào của ấy” chưa bao giờ bị lạc hậu hay hết giá trị!

Thứ hai, ngoại trừ những mặt hàng đắt đỏ hay xa xỉ phẩm do các yếu tố thương hiệu hay bản quyền công nghệ chi phối thì hầu hết các sản phẩm “bình dân” không chứa đựng bất kỳ “bí kíp công nghệ” hay yếu tố độc quyền nào. Sự khác biệt về giá giữa các sản phẩm cùng loại chủ yếu phụ thuộc vào chi phí sản xuất và quảng bá sản phẩm – vốn là lợi thế của các doanh nghiệp lớn với hàng thật, giá thật.

Dư địa cho các sản phẩm hàng giả, hàng nhái để bán được hàng đó là sử dụng các nền tảng mạng xã hội và thương mại điện tử để thổi phòng sự khác biệt cùng tính vi diệu của các sản phẩm này dựa trên tâm lý “nói mãi cũng phải nghe, nhìn mãi cũng phải tin” của con người.

Thứ ba, một công ty chân chính bất kỳ nào cũng phải tuân thủ đầy đủ quy trình kiểm soát chất lượng trong dây chuyền sản xuất của mình, đặc biệt là nguyên liệu đầu vào. Càng nhiều nhãn hiệu sản phẩm thì càng nhiều danh mục đầu vào. Song hành với đó là phải tiêu tốn một nguồn lực không nhỏ để tiến hành “kiểm soát tới hạn” (CCP) đối với mỗi nguyên liệu đầu vào. Đây là nguyên nhân khiến cho những doanh nghiệp lớn và có tên tuổi không bao giờ cùng lúc có thể đưa nhiều nhãn hiệu sản phẩm ra thị trường.

Do vậy, khi nhìn vào con số 573 nhãn hiệu sản phẩm mà một số doanh nghiệp “sữa” này đã đưa ra thị trường trong 4 năm qua cũng có thể suy ra được phần nào chất lượng của chúng.

Tuy nhiên, thật khó để trở thành "người tiêu dùng thông thái" khi mà những clip quảng cáo về các sản phẩm này đều có sự tham gia của những tên tuổi lớn trong ngành y tế, dinh dưỡng - những người được giới thiệu từng giữ những vị trí cao trong viện này, trung tâm nọ với những chiếc áo blouse trắng trên người!

Đọc thêm
Đừng bỏ lỡ
Cùng chuyên mục