Sử dụng các thiết bị điện sai lầm khiến hóa đơn tiền điện tăng cao
Những sai lầm mắc phải trong cách sử dụng thiết bị điện là nguyên nhân khiến hóa đơn tiền điện của bạn tăng vọt. Đó là những sai lầm nào?
Không tắt đèn khi không sử dụng
Tắt điện khi không sử dụng giúp tiết kiệm điện đáng kể và giúp bóng đèn bền hơn. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa có thói quen này. Nếu hay quên, bạn có thể sử dụng giấy nhớ dán bên cạnh các công tắc đèn để nhắc nhở hoặc sử dụng hệ thống thông minh để giám sát ánh sáng từ xa qua điện thoại di động.
Sử dụng bóng đèn sợi đốt
Bóng đèn sợi đốt tiêu thụ năng lượng rất lớn, chúng còn sinh ra nhiệt trong quá trình sử dụng làm tăng nhiệt độ trong gia đình. Để tiết kiệm tiền điện, bạn nên chuyển sang dùng các loại bóng đèn tiết kiệm điện như bóng halogen, huỳnh quang compact (CFL), đèn LED… Các loại bóng đèn này sử dụng năng lượng ít hơn 25%-80% và có tuổi thọ dài hơn tới 25 lần so với bóng sợi đốt truyền thống.
Sử dụng chưa hết công suất của máy rửa bát
Máy rửa bát được sử dụng hằng ngày sẽ rất tốn điện. Để tiết kiệm năng lượng nên chạy máy khi đầy (đủ) tải. Thay vì sử dụng lẻ tẻ cho những lần rửa ít đồ, bạn hãy gom lại để rửa một lượng lớn. Những đồ dùng bát đũa cần gấp thì có thể tự rửa bằng tay.
Bạn cũng có thể chuyển máy từ chế độ cài đặt sấy khô bằng nhiệt sang sấy khô bằng không khí giúp tiết kiệm được thêm khoảng 15% tổng năng lượng tiêu hao của thiết bị.
Tắt/bật điều hòa liên tục
Một số người thường tắt điều hòa khi đã đủ lạnh rồi bật lại khi nhiệt độ phòng tăng lên vì cho rằng như vậy là để tiết kiệm điện. Tuy nhiên, đây là thói quen gây tiêu hao điện năng và khiến điều hòa nhanh hỏng. Việc bật/tắt điều hoà liên tục sẽ làm máy phải khởi động lại nhiều lần và làm lạnh đến nhiệt độ cài đặt khi mà nhiệt độ phòng đã tăng lên, làm tiêu hao nhiều năng lượng hơn.
Giặt quá nhiều quần áo trong 1 lần
Nhiều người thường dồn nhiều quần áo vào giặt một lần vì cho rằng làm như vậy sẽ tiết kiệm điện. Tuy nhiên, thói quen nhỏ này lại là một trong những nguyên nhân khiến hóa đơn tiền điện tăng vọt. Khi có quá nhiều quần áo, máy giặt sẽ hoạt động sai công suất, gây giảm tuổi thọ máy và tiêu hao nhiều điện năng.
Sử dụng bình nước nóng chưa đúng cách
Nhiều gia đình có con nhỏ vẫn dùng bình nóng lạnh trong cả mùa hè vầ bật bình cả ngày để thuận tiện cho việc sử dụng. Tuy nhiên, đây là một thói quen hoàn toàn sai lầm vì vừa tiêu tốn điện, vừa gây ảnh hưởng tới tính mạng của những thành viên trong gia đình.
Khi đạt nhiệt độ theo cài đặt, bình sẽ ngưng làm nóng. Khi nhiệt độ bình xuống dưới ngưỡng mức nhiệt này, bình sẽ đun trở lại. Qúa trình này lặp lại liên tục sẽ gây tiêu tốn nhiên liệu. Bên cạnh đó, việc đun liên tục sẽ khiến thanh đun và lớp cách điện bị bào mòn, khiến hệ thống ngắt điện hoạt động không còn hiệu quả, về lâu dài dễ dẫn tới rò rỉ điện, gây nguy hại cho người sử dụng.
Tùy vào lượng nước nóng cần sử dụng mà bạn có thể đun nước nóng trong ấm rồi để vào phích hoặc sử dụng năng lượng mặt trời để vẫn có thể sử dụng nước nóng trong mùa hè…
Không thường xuyên vệ sinh thiết bị điện
Bụi bẩn bám vào các khe, kẽ, lưới lọc… sẽ khiến thiết bị điện hoạt động kém hiệu quả hơn, từ đó dẫn đến tốn điện hơn để đạt mức yêu cầu như ban đầu.
Khi vệ sinh và bảo dưỡng các thiết bị điện thường xuyên, bạn có thể tiết kiệm 5 - 15% điện năng tiêu thụ. Cần thường xuyên lau sạch cánh, lồng, lưới lọc... của quạt, điều hòa. Thường xuyên dọn sạch mảng tuyết đóng dày trong các khoang làm đông của tu lạnh sẽ giúp tiết kiệm điện năng.