Rửa nho sai cách như không rửa, thậm chí càng rửa càng hại: Mách chị em bí quyết rửa nho đơn giản, gột rửa sạch bụi bẩn
Nho là loại trái cây thơm ngon, bổ dưỡng, nhưng nếu rửa không đúng cách, bạn có thể vô tình giữ lại bụi bẩn, vi khuẩn, thậm chí hóa chất tồn dư trên vỏ.
Mẹo làm sạch nho hiệu quả tránh dập nát, bạn đã biết?
Mẹo rửa trái cây và rau củ đúng cách để đảm bảo hương vị tươi ngon, an toàn cho cả nhà
Nho là trái cây ngon, giàu dinh dưỡng được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, vì cấu tạo của loại quả này dưới dạng chùm và quả này chồng lên quả kia nên rửa nho không hề đơn giản. Nhiều người nghĩ rửa chùm nho dưới vòi nước chảy sẽ sạch nhưng thực ra đó không phải cách hay làm sạch nho.
Mẹo rửa nho đúng cách, sạch bụi bẩn
Những chùm nho quá chặt, đặc biệt là các loại nho có quả mọc sát nhau như nho sữa, thường rất khó làm sạch, nhất là ở phần đầu cuống và các khe nhỏ giữa các quả. Việc rửa cả chùm dưới vòi nước không chỉ kém hiệu quả mà còn khiến vi khuẩn và bụi bẩn lan rộng hơn thay vì bị loại bỏ hoàn toàn.
Đặc biệt, phần đầu quả nho thường tiết ra dịch ngọt, thu hút vi khuẩn và côn trùng, làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Vì vậy, cách rửa nho nguyên chùm dưới vòi nước chảy không phải là phương pháp tốt để làm sạch nho triệt để.

Bên cạnh đó, việc cầm cả chùm nho xả dưới vòi nước chảy không thể loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn, ký sinh trùng hay dư lượng hóa chất độc hại (nếu có) bám trên vỏ nho. Đặc biệt, nếu quá trình canh tác không tuân thủ đúng tiêu chuẩn, nho có thể chứa lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật do dễ bị côn trùng tấn công.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn, việc rửa nho cần được thực hiện cẩn thận và đúng cách, giúp loại bỏ hoàn toàn bụi bẩn và tạp chất.
Cắt rời từng quả để rửa
Cách rửa nho đúng là bạn nên cắt rời từng quả khỏi cành để có thể làm sạch kỹ phần núm quả – nơi dễ bám bụi bẩn và vi khuẩn nhất. Nếu muốn giữ cả chùm để bảo quản, bạn chỉ nên cắt từng quả ra khi cần ăn rồi mang đi rửa. Việc cắt rời và rửa sạch trước khi bảo quản trong tủ mát cũng giúp nho giữ được độ tươi ngon lâu hơn.
Sau khi đã cắt rời nho, hãy ngâm chúng trong chậu nước và sử dụng dung dịch rửa rau củ chuyên dụng hoặc hỗn hợp muối và baking soda để làm sạch. Một số nghiên cứu cho thấy baking soda có hiệu quả cao hơn nước muối trong việc loại bỏ dư lượng thuốc trừ sâu và bụi bẩn trên bề mặt quả nho, giúp đảm bảo an toàn khi sử dụng.
Dùng bột mì rửa nho
Cách khác bạn có thể cho bột mì vào nước để rửa nho. Nhờ khả năng hấp phụ mạnh, bột mì giúp loại bỏ hiệu quả bụi bẩn, đặc biệt là lớp bụi bám chặt trên vỏ nho do chất đường tiết ra. Cách thực hiện rất đơn giản: hòa tan bột mì vào nước, khuấy đều rồi cho nho vào ngâm khoảng 10 phút.

Phương pháp này không chỉ giúp làm sạch bề mặt mà còn có thể loại bỏ trứng sâu bướm nhỏ và ấu trùng bám trên nho. Khi ngâm trong nước bột mì, các ấu trùng sẽ nổi lên mặt nước do không thể thở, giúp bạn làm sạch nho triệt để hơn. Nếu không có bột mì, bạn có thể thay thế bằng bột gạo với hiệu quả tương tự.
Dùng kem đánh răng rửa nho
Một cách nữa bạn có thể áp dụng để rửa nho là dùng kem đánh răng. Kem đánh răng có thể giúp quả nho được nguyên vẹn, căng bóng. Để thực hiện, bạn chỉ cần ngâm nho trong thau nước, sau đó lấy một ít kem đánh răng xoa tạo bọt rồi nhẹ nhàng thoa đều lên bề mặt nho. Tiếp theo, đặt nho vào rổ và rửa lại dưới vòi nước chảy để loại bỏ hoàn toàn kem đánh răng còn sót lại.
Lưu ý nên sử dụng loại kem đánh răng an toàn, không chứa hóa chất độc hại. Sau khi rửa sạch, để nho ráo nước trước khi bày lên đĩa, tránh để nước đọng lại làm vỏ nho dễ bị dập nát.
Bí quyết chọn nho tươi ngon
Khi chọn nho, bạn nên ưu tiên những chùm có cuống tươi, vỏ quả căng mọng và vẫn còn nguyên lớp phấn trắng tự nhiên bên ngoài. Đây là dấu hiệu cho thấy nho tươi, ít bị can thiệp bởi hóa chất và còn giữ được độ ngon ngọt tự nhiên.

Ngược lại, những chùm nho có cuống héo, quả rời rạc, vỏ nhăn nheo thường là nho đã để lâu, giảm chất lượng và mất đi nhiều dưỡng chất. Tuy nhiên, bạn cũng không nên quá khắt khe đòi hỏi cuống phải xanh hoàn toàn, vì quá trình nhập khẩu có thể kéo dài. Chỉ cần cuống vẫn còn tương đối xanh là có thể chấp nhận được. Nếu thấy cuống và lá quá xanh tươi bất thường hoặc cuống héo nhưng quả vẫn tươi rói, bạn nên cẩn trọng vì có thể nho đã qua xử lý để giữ độ tươi nhân tạo.
Một điều nữa bạn cần quan tâm là màu sắc của nho. Có nhiều giống nho với màu sắc khác nhau như nho đỏ, nho tím, nho xanh, nho đen,… Dù mua loại nào thì bạn cũng cần chọn những quả có màu sắc tự nhiên, tươi mới, lớp vỏ bóng loáng và căng. Quan trọng là chúng phải còn lớp phấn ở ngoài vỏ.
Việc rửa nho đúng cách không chỉ giúp loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn và hóa chất tồn dư mà còn đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả gia đình. Dù sử dụng nước muối, baking soda, bột mì hay kem đánh răng, quan trọng nhất là bạn cần rửa kỹ và đúng phương pháp để nho sạch hoàn toàn trước khi thưởng thức. Chỉ với một vài bước đơn giản, bạn có thể yên tâm tận hưởng những chùm nho tươi ngon, ngọt lành mà không lo lắng về vấn đề an toàn thực phẩm.