Mẹo làm sạch nho hiệu quả tránh dập nát, bạn đã biết?
Nếu không biết mẹo làm sạch nho đúng, quả sẽ dễ dập nát gây ảnh hưởng đến chất lượng. Đồng thời, những cặn bẩn còn sót lại có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nho là loại quả mọng, mọc thành chùm. Thực phẩm này mang đến nhiều vitamin cùng các dưỡng chất có lợi cho sức khỏe. Vì thường được thưởng thức cả phần vỏ bên ngoài nên trước khi ăn, bạn cần phải chú ý khâu làm sạch.
Nho mềm, dễ dập nát, bởi vậy không được chà rửa mạnh tay. Nhiều người thường chỉ rửa bằng nước hoặc cho thêm muối để ngâm. Tuy nhiên, đây không phải là cách làm sạch triệt để.
Muốn nho giữ được chất lượng mà vẫn đảm bảo sức khỏe, bạn hãy áp dụng mẹo hay ho dưới đây.
Mẹo làm sạch nho hiệu quả
Nho khi mới thu hoạch hoặc mua về, việc đầu tiên cần làm là loại bỏ những quả bị thối, dập nát để tránh ảnh hưởng đến chất lượng chung của cả chùm. Tiếp theo, sử dụng kéo để cắt từng quả riêng, chỉ để lại một đoạn cuống ngắn trên đầu. Lưu ý, không nên dùng tay tách bởi phần cuống sẽ bị rách, dẫn đến việc dễ bám bẩn khi rửa.
Sau khi đã loại bỏ quả hỏng và cắt tách, bạn thực hiện trình tự làm sạch như sau:
- Bước 1: Cho nho vào chậu nhỏ, thêm một ít bột mỳ và nước vào
Bột mì có tác dụng làm sạch bụi bẩn cùng các phần trắng còn bám trên vỏ nho. Nước khi đổ vào chỉ dừng ở mức cao hơn nho một khoảng.
- Bước 2: Dùng tay nhẹ nhàng khuấy đều nho với nước và bột mì, sau đó ngâm trong khoảng từ 3 - 5 phút
Khi thực hiện bước này, bạn có thể dễ dàng nhìn thấy những cặn bẩn hay côn trùng nhỏ nổi lên mặt nước.
- Bước 3: Tiến hành đổ bỏ phần nước bẩn rồi rửa nho lại bằng nước sạch
- Bước 4: Cuối cùng, bạn rửa lại nho một lần nữa bằng nước muối loãng để làm sạch tối ưu. Nho vớt ra, để ráo và có thể sử dụng trực tiếp.
Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng nước sôi để nguội hay nước khoáng với loại bột khác hoặc baking soda để ngâm và rửa nho. Hiệu quả đạt được sẽ tương tự như mẹo làm sạch trên.
Để giữ được chất dinh dưỡng nhiều và tránh hư hỏng, hãy bảo quản nho trong ngăn mát tủ lạnh và sử dụng trong khoảng 2 - 3 ngày.
Hướng dẫn cách chọn nho tươi ngon
Nho được bày bán rất nhiều ở khu chợ, cửa hàng, siêu thị với đa dạng các loại cùng những mức giá khác nhau. Để lựa chọn được những quả ngon, nhiều dinh dưỡng, bạn nên tham khảo mẹo dưới đây.
Quan sát phần cuống
Phần cuống xanh, cứng kèm với quả căng, mọng nước sẽ mang lại hương vị thơm ngon, tươi giòn. Ngược lại, hãy hạn chế mua nho khi phần cuống đã ngả màu thâm tím, héo và mềm, quả không còn căng mọng.
Trường hợp có sự khác biệt giữa quả với phần cuống, ví dụ: Quả tươi, căng nhưng cuống héo úa hay cuống xanh tươi nhưng quả mềm dập, bạn cũng không nên mua. Vì những chùm nho này có nguy cơ cao đã sử dụng hóa chất bảo quản.
Ngoài ra, không nên sử dụng nếu nho đã mua lâu ngày nhưng quan sát thấy phần cuống vẫn tươi, cứng. Bởi chúng cũng có khả năng đã ngâm tẩm hóa chất, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Kiểm tra kỹ phần vỏ nho
Nho có nhiều loại vỡi những màu sắc từ xanh, hồng nhạt, tím hay đen. Tuy nhiên, loại nào cũng có phần phấn trắng nhẹ ở bên ngoài vỏ, đặc biệt là trên đầu quả.
Nho tươi, ngon sẽ có màu vỏ tươi mới, bột phấn trắng nhiều bởi chúng vừa được hái không lâu. Trường hợp bột phấn còn ít hay không còn, chứng tỏ quả đã để quá lâu, kém tươi.
Nhìn theo hình dáng chùm
Khi mua nho, hãy lưu ý chọn những chùm có quả với kích thước vừa phải, tương đối đồng đều. Quả không có vết bầm dập hay bị mềm mà phải còn căng bóng, có nhiều lớp phấn trắng phủ ngoài.
Bên cạnh đó, hãy ưu tiên chùm có nhiều quả rời, khoảng cách giữa các quả vừa phải, không bị ép chặt vào nhau. Những chùm quả này sẽ có chất lượng thơm ngon, căng mọng.
- Mẹo khử mùi hành tỏi trong hơi thở đơn giản mà hiệu quả
- Gợi ý mẹo chọn na ngon ngọt, nhiều cùi và ít hạt
- Mẹo rã đông thịt nhanh chóng, chỉ sau 5 phút là mềm thịt
- 5 mẹo giúp giấc ngủ về đêm của trẻ sơ sinh ngon và sâu hơn
- Đánh bay dầu mỡ trên hộp nhựa bằng những mẹo đơn giản
- Mẹo “chữa cháy” món ăn quá mặn, các bà nội trợ cần lưu ngay
- Mẹo hay giúp bạn bảo quản bánh trung thu được lâu
- Mẹo khử mùi hành tỏi trong hơi thở đơn giản mà hiệu quả
- Mẹo phân biệt nhiệt miệng và nấm miệng ở trẻ nhỏ