Mẹo phân biệt nhiệt miệng và nấm miệng ở trẻ nhỏ
Nhiệt miệng và nấm miệng thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Đây là 2 tình trạng bệnh khác nhau, cần nhận biết đúng để có phương pháp điều trị phù hợp.
Nấm miệng và nhiệt miệng gây ra nhiều khó chịu, khiến trẻ nhỏ chán ăn, quấy khóc, dễ dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng. 2 tình trạng này có nguyên nhân gây bệnh và triệu chứng hoàn toàn khác nhau.
Nguyên nhân gây nhiệt miệng và nấm miệng ở trẻ nhỏ
Nguyên nhân gây nhiệt miệng
Đối với trẻ nhỏ, nguyên nhân chính xác gây nên nhiệt miệng chưa thực sự rõ ràng. Tuy nhiên, phụ huynh có thể lưu ý đến các yếu tố dễ tạo vết nhiệt, loét miệng ở trẻ bao gồm:
- Di truyền
- Bệnh truyền nhiễm như tay, chân, miệng
- Dị ứng với đồ ăn, thức uống
- Trẻ cắn vào lưỡi hoặc môi
- Bị thiếu hụt một số vitamin cùng dưỡng chất như vitamin B12, axit folic,..
- Một số trường hợp có nhiều vết loét như triệu chứng của bệnh lý tiềm ẩn hoặc hệ miễn dịch suy yếu.
Nguyên nhân gây nấm miệng
Nấm miệng và các bệnh nhiễm trùng nấm men tương tự xảy ra do sự phát triển quá mức của nấm Candida Albicans. Ở trạng thái bình thường, có một lượng nhỏ Candida Albicans hoạt động trong miệng nhưng không gây hại. Tuy nhiên, khi hệ thống miễn dịch bị tổn thương hay mất cân bằng vi sinh vật trong cơ thể, loại nấm này có thể phát triển mãnh mẽ, mất kiểm soát.
Nấm miệng thường xuất hiện ở trẻ nhỏ vì có hệ miễn dịch kém, bị lây nhiễm khi mẹ bị nhiễm nấm Candida trong lúc mang thai hay sử dụng nhiều thuốc kháng sinh.
Tuy nấm miệng không phải bệnh lý gây nhiều nguy hiểm nhưng nếu không có phương pháp điều trị phù hợp, nó có thể xâm nhập vào máu và lan sang tim, não, mắt hoặc các cơ quan khác của cơ thể.
Cách phân biệt triệu chứng nhiệt miệng và nấm miệng ở trẻ
Để phân biệt được đâu là nhiệt miệng và nấm miệng, phụ huynh có thể dựa theo các triệu chứng cụ thể của mỗi tình trạng.
Triệu chứng nhiệt miệng ở trẻ nhỏ
Nhiệt miệng có thể dễ dàng nhận biết thông qua một số triệu chứng dưới đây:
- Đau rát miệng
- Cảm giác nóng rát hay ngứa ran tại nơi vết loét phát triển
- Các mảng loét nhỏ, màu trắng với các viền màu đỏ xung quanh
- Thường xuất hiện ở bên trong má và môi
- Có một hay nhiều vết xuất hiện cùng thời điểm lúc (thường có một vết phổ biến hơn)
- Không đi kèm triệu chứng bệnh sốt, ớn lạnh
Triệu chứng nấm miệng
Bệnh nấm miệng ở giai đoạn đầu thường không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên khi tình trạng này diễn ra mạnh mẽ hơn, bạn có thể nhận biết qua:
- Các đốm trắng hay vàng trên má trong, lưỡi, amidan, nướu hoặc môi
- Bị chảy máu nhẹ khi các đốm bị cạo
- Gây đau nhức, nóng rát trong miệng
- Da bị khô, nứt nẻ ở khóe miệng
- Khó nhai, nuốt
- Mất vị giác, biếng ăn
- Trẻ khó chịu, quấy khóc
Ngoài ra, đối với trẻ sơ sinh tình trạng nhiễm trùng này có thể truyền sang vú của mẹ, gây ra các vấn đề: Núm vú đỏ, nhạy cảm, nứt hoặc ngứa, bong tróc trên quầng vú hoặc các khu vực xung quanh; bị đau khi cho trẻ bú hoặc đau nhói sâu hơn trong vú.
Trong một số trường hợp không phổ biến, nấm miệng có thể gây ảnh hưởng đến thực quản. Nghiêm trọng hơn, nó có thể gây nhiễm trùng, lây lan qua các bộ phận khác của cơ thể.