Tại sao trẻ nhỏ thường đưa mọi thứ vào miệng?
Đứa trẻ nào cũng thích ngậm mút tay, đưa mọi thứ vào miệng và nhiều bà mẹ vẫn thường cấm trẻ làm việc đó. Hãy tìm hiểu bài viết này để hiểu được tại sao trẻ thường làm vậy và cha mẹ nên làm gì nhé!
Trẻ nhỏ trẻ nhỏ đưa mọi thứ vào miệng?
Trẻ khám phá thế giới
Trong khi những trẻ lớn hơn và cả người lớn cảm nhận mọi thứ bằng bàn tay và đầu ngón tay, thì bàn tay của trẻ nhỏ chỉ có thể với lấy đồ vật và cũng vô tình để chúng va vào mình. Khi khả năng phối hợp của con tốt hơn, trẻ sẽ đưa nắm đấm và bất cứ thứ gì chúng đang cầm vào miệng. Bàn tay và ngón tay của chúng chưa đủ phát triển để thực sự sờ và cảm nhận một vật gì đó.
Trong khi môi và miệng của trẻ lại có đủ các dây thần kinh xúc giác để cảm nhận được mọi thứ chúng đưa vào miệng. Vì thế khi ngậm, mút đồ vật bé là trẻ đang cảm nhận thế nào là cứng, mềm, ấm áp hay mát lạnh.
Trẻ đang chuẩn bị cho các bữa ăn
Vị giác của trẻ đã sớm hình thành trong thời kỳ mang thai. Thực tế, con đã có thể cảm nhận được các vị khác nhau nhưng trẻ nhỏ thích những món ngọt hơn vị chua hoặc mặn. Sở thích này cùng với việc trẻ đang lớn dần và cảm thấy đói mọi lúc khiến con luôn tò mò về những vật xung quanh: liệu chúng có ngọt không, có ăn được không.
Trẻ có khả năng nhè ra những thứ không thích, thậm chí là những món ăn ngon nhưng bé chưa quen. Tuy nhiên, bạn cũng nên đảm bảo an toàn và đừng chỉ phụ thuộc vào phản xạ này của con.
Trẻ đang mọc răng
Nhiều đứa trẻ thường mọc nhiều răng cùng lúc. Việc này khiến con cảm thấy bị đau nướu liên tục trong nhiều ngày. Chúng giải thích tại sao trẻ đang mọc răng thường tỏ ra khó chịu. Mọc răng cũng là một trong những lý do khiến trẻ thích gặm mút. Việc gặm nhấm thứ gì đó giúp con cảm thấy đỡ đau nướu hơn.
Trẻ đang tự trấn an
Việc gặm và ngậm một vật gì đó giúp trẻ nhỏ tự trấn an bản thân. Cũng như người lớn, trẻ cũng cần tự xoa dịu khi cảm thấy bất an. Đó là khi con cảm thấy đói, không an toàn, cáu kỉnh hay buồn ngủ... Việc ngậm mút giúp con cảm thấy thư giãn hơn.
Trẻ đang củng cố hệ miễn dịch
Việc gặm nhấm giúp hệ miễn dịch tiếp xúc với các loại vi khuẩn bên ngoài cơ thể. Có vẻ hơi đáng sợ khi trẻ tìm thấy một món đồ chơi dưới gầm bàn và cho ngay vào miệng phải không? Nhưng đó chưa hẳn là điều quá tệ. Điều này giúp hệ thống miễn dịch mới tinh và non nớt của trẻ nhận biết tốt hơn vi khuẩn, vi rút và các vi trùng khác có thể xâm nhập và giúp trẻ sẵn sàng chống lại những kẻ xâm lược này. Đây cũng có thể là lý do giải thích về quy tắc 5 giây khi nhặt lại đồ ăn rơi trên sàn.
Cha mẹ nên làm gì?
Cho trẻ có cơ hội học tập
Cha mẹ không nên cố gắng ngăn trẻ ngậm các đồ vật khi bé bước vào giai đoạn tìm hiểu thế giới xung quanh. Tuy nhiên, cha mẹ cần đảm bảo cho trẻ không gặp nguy hiểm, đưa cho trẻ những đồ vật an toàn vệ sinh là việc hết sức quan trọng. Đồ chơi nên dùng những món được làm từ chất liệu nhựa không có chứa độc tố hoặc chì, mỗi tuần làm sạch một lần, hơn nữa phải là đồ không dễ bong tróc.
Chú ý đến đồ vật trong tầm với của trẻ
Hãy đặt xa tầm với của bé bất cứ vật nguy hiểm nào mà bé có thể cho vào miệng như: những đồ nhỏ, vật sắc nhọn, món đồ tiềm ẩn các chất độc hại, thuốc… Khi trẻ đã biết trườn, bò thì cha mẹ càng cần để ý. Nếu trẻ cho đồ vật nhỏ vào miệng, bạn hãy lấy ra ngày và đưa cho trẻ những món đồ an toàn hơn.
Giữ tay trẻ sạch sẽ
Hãy đảm bảo tay trẻ luôn sạch sẽ. Người lớn trước khi bế, vui đùa hoặc chạm vào trẻ cũng nên rửa tay cẩn thận.
Vệ sinh đồ chơi thường xuyên và đúng cách
Đồ chơi nên được vệ sinh thường xuyên, tối thiểu 2 lần một tuần. Với những món đồ chơi trẻ thường thích cho vào miệng thì sau khi kết thúc 1 ngày nên vệ sinh lại cho sạch sẽ. Thùng đựng hay khay đựng đồ chơi cũng phải được đảm bảo tránh bụi bặm, cáu bẩn. Nên sử dụng nước lọc để rửa kĩ nhiều lần và mang phơi nắng để đồ chơi khô tự nhiên vì ánh nắng mặt trời sát khuẩn rất tốt.