Quảng cáo thực phẩm chức năng có công dụng như thuốc, đại diện Gymstore thừa nhận vi phạm
Không rõ thực hư chất lượng các sản phẩm thực phẩm chức năng do thương hiệu Gymstore cung cấp ra sao, nhưng trên trang website thuộc quyền sở hữu của hệ thống này đang có dấu hiệu quảng cáo quá đà công dụng của sản phẩm, gây hiểu lầm với thuốc, trái quy định của pháp luật.
Thực phẩm chức năng được quảng cáo như thuốc
Theo Luật An toàn thực phẩm giải thích, thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm dinh dưỡng y học.
Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm quy định: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh”.
Còn theo mục b, khoản 3 và khoản 4, điều 5, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo 2012 thì các đơn vị phân phối, tiếp thị phải: “Khuyến cáo sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc”.
Bên cạnh đó, Thông tư số 43/2014/TT-BYT về quản lý thực phẩm chức năng của Bộ Y tế cũng quy định: “Công bố khuyến cáo về sức khỏe phải đúng bản chất của sản phẩm, chỉ công bố công dụng của thành phần cấu tạo có công dụng chính hoặc công bố công dụng hợp thành của những thành phần cấu tạo khi có bằng chứng khoa học chứng minh và không công bố công dụng theo cách liệt kê công dụng của các thành phần”.
Ngoài ra, khoản 15, điều 6 Luật Dược 105/2016/QH13 cũng quy định: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.
Tại tọa đàm “Đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng” do Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tổ chức cuối tháng 5/2024 vừa qua, PGS. TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF) cho biết, có 4 hiện tượng vi phạm đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng hiện nay là quảng cáo sai sự thật, lừa gạt, giả mạo; quảng cáo phóng đại, thổi phồng sản phẩm; quảng cáo mơ hồ gây hiểu nhầm; quảng cáo nhắm vào các đối tượng nhạy cảm như người bệnh ung thư và bệnh hiểm nghèo. Trong đó, phổ biến nhất là quảng cáo sai sự thật, thổi phồng sản phẩm.
Mặc dù thực phẩm bảo vệ sức khoẻ không phải là thuốc và quy định cấm quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm là thuốc đã có, tuy nhiên, thời gian gần đây, tòa soạn Tiếp thị và Gia đình nhận được phản ánh về việc nhiều sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang được quảng cáo tại website: https://gymstore.vn/ có dấu hiệu quảng cáo quá đà công dụng của sản phẩm, gây hiểu lầm với thuốc.
Theo ghi nhận tại website: gymstore.vn của thương hiệu Gymstore cho thấy có tình trạng vi phạm về quảng cáo. Đơn cử, sản phẩm thực phẩm bổ sung Codeage ADK Vitamins – viên uống vitamin tổng hợp Mỹ cao cấp được rao bán, giới thiệu quảng cáo với công dụng: “Cải thiện chức năng sinh sản, chống viêm, nâng cao sức khỏe hệ xương…”, “MK4 ngăn chặn tình trạng mất xương, giảm thiểu khả năng gãy xương lên đến 80%. MK7 có tác dụng “gắn canxi vào xương và giảm thiểu chấn thương xương khớp, giúp canxi không lắng đọng ở các thành mạch và nội tạng”.
Tiếp đó, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe CodeAge Hydrolyzed Multi Collagen Peptides Power, 63 Servings được quảng cáo với các lợi ích vượt trội như: “Giảm nếp nhăn và các dấu hiệu lão hóa da, tăng độ ẩm và độ đàn hồi da, nuôi dưỡng tóc và móng, tăng cường sức khỏe xương, thúc đẩy sức khỏe tim mạch, kích thích xây dựng cơ bắp, hỗ trợ giảm cân…”.
Không chỉ vậy, sản phẩm này còn được quảng cáo bằng cách liệt kê công dụng thành phần như: “Lợi ích của collagen, đặc biệt là collagen peptide có trong Codeage Multi Collagen đã được khoa học chứng minh rằng có tác dụng trong: Đối với sắc đẹp và làn da: Tăng độ đàn hồi và hydrat hóa: Collagen peptide có thể giúp làm chậm quá trình lão hóa da bằng cách giảm nếp nhăn và tăng độ ẩm cho da. Collagen có khả năng tái tạo keratin giúp ngăn ngừa xơ rối, gãy rụng tóc, nuôi dưỡng tóc và móng khỏe mạnh từ bên trong.
Đối với sức khỏe tổng thể: Giảm đau khớp: Một số nghiên cứu cho thấy bổ sung collagen có thể giúp cải thiện các triệu chứng của viêm xương khớp và giảm đau khớp tổng thể.
Ngăn ngừa mất xương: Các nghiên cứu công bố rằng collagen có tác dụng giúp ức chế sự phân hủy xương, vì thế ngăn ngừa loãng xương tốt hơn. Thúc đẩy sức khỏe tim mạch: Bổ sung collagen có thể giúp giảm nguy cơ mắc các vấn đề về tim…
Sức khỏe đường ruột: Một số chuyên gia khẳng định rằng bổ sung collagen có tác dụng điều trị hội chứng ruột bị rò rỉ, hay “thấm ruột” là sự gia tăng tính thấm của lớp niêm mạc ruột non bị tổn thương…”.
Chiếu theo các nội dung quảng cáo nêu trên, người tiêu dùng rất dễ nhầm lẫn các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên là thuốc, có rất nhiều công dụng, lợi ích cho sức khỏe. Trong khi đó, trên thực tế, theo giấy xác nhận nội dung quảng cáo được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp cho Công ty TNHH CHIS Việt Nam - thương nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm và phân phối thì sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Multi Collagen Peptides chỉ được phép quảng cáo với công dụng: “Hỗ trợ tăng cường độ ẩm, hỗ trợ tăng đàn hồi cho da, hỗ trợ giảm các triệu chứng khô da, nhăn da, hỗ trợ làm đẹp da” chứ không thể “Giảm nếp nhăn và các dấu hiệu lão hóa da”, “nuôi dưỡng tóc và móng” hay “tăng cường sức khỏe xương” như quảng cáo.
Tương tự, sản phẩm CodeAge Liposomal Glutathione, 60 Capsules được quảng cáo với các lợi ích: “Trung hòa các gốc tự do gây hại, giảm stress oxy hóa. Đảo ngược quá trình lão hóa, duy trì sự đàn hồi và săn chắc của da. Ức chế sản sinh sắc tố melanin, giúp da trắng sáng, đều màu, hạn chế thâm sạm, nám, tàn nhang. Tái tạo và duy trì hàm lượng vitamin C và E trong cơ thể. Tăng sức đề kháng. Thúc đẩy đào thải độc tố khỏi gan, thận. Hạn chế ảnh hưởng xấu của bia rượu, thuốc lá và các chất độc hại khác…”.
Tuy nhiên, theo giấy xác nhận nội dung quảng cáo của Cục An toàn thực phẩm, sản phẩm Liposomal Glutathione chỉ có công dụng: “Hỗ trợ giảm nám da, hỗ trợ giúp sáng da”.
Đặc biệt, sản phẩm Viên chống lão hóa và trẻ hóa da CodeAge Liposomal NMN, 90 Capsules được quảng cáo với các công dụng “thần kỳ” như: “Liposomal NMN là công thức “cải lão hoàn đồng” giúp kéo dài tuổi thọ và trẻ hóa nhan sắc. Trẻ hóa làn da, đảo ngược lão hóa. Cải thiện trí nhớ và giảm thoái hóa thần kinh. Giảm viêm, giảm đau, tăng tốc độ phục hồi. Sửa chữa các lỗi gene dị tật có thể di truyền sang con. Bảo vệ tim và cải thiện các chức năng của tim...”.
Vậy nhưng, theo giấy xác nhận nội dung quảng cáo được công bố, sản phẩm Liposomal NMN được cấp phép với công dụng: “Hỗ trợ tăng cường sức khỏe, hỗ trợ nâng cao sức đề kháng, hỗ trợ giảm mệt mỏi”.
Đại diện thương hiệu Gymstore nói gì?
Theo tìm hiểu, thông tin từ hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công Thương cho thấy, tên miền website: https://gymstore.vn/, thuộc hộ kinh doanh Siêu thị dinh dưỡng thể thao Gymstore.vn, có địa chỉ đăng ký hoạt động tại số 398 Xã Đàn, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Người đại diện pháp luật là bà Đào Thị Thanh Huyên.
Để kiểm chứng và xác thực thông tin liên quan đến vấn đề nêu trên, phóng viên Tiếp thị và Gia đình đã liên hệ làm việc với Sở Y tế Hà Nội, đại diện thương hiệu Gymstore. Sáng ngày 13/9, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Hùng, đại diện cửa hàng Gymstore 398 Xã Đàn (phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội) thừa nhận, những nội dung thông tin quảng cáo về công dụng của các sản phẩm thực phẩm nêu trên là hơi khuếch đại nội dung và đang thiên về hướng khẳng định chắc chắn công dụng của sản phẩm, thiên hướng về thuốc.
Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, những thông tin đang quảng cáo tại website: gymstore.vn là dựa trên văn bản của Công ty TNHH CHIS Việt Nam (nhà phân phối độc quyền thương hiệu CodeAge) đưa xuống chứ bên Gymstore không tự sáng tạo nội dung. Các nội dung quảng cáo sản phẩm đăng trên website: gymstore.vn đều có nguồn và do công ty nhập khẩu cung cấp. Ông Hùng cũng thừa nhận, việc lạm dụng từ khóa quảng cáo như trên tại các nền tảng mạng xã hội cũng khá phổ biến chứ không phải riêng công ty CHIS.
Điều đáng nói, sau buổi làm việc nêu trên thì phía bên hệ thống Gymstore đã có động thái “lặng lẽ” sửa một số nội dung quảng cáo trên website gymstore.vn.
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp kinh doanh chân chính, tòa soạn Tiếp thị và Gia đình đề nghị Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Thanh tra Sở Y tế TP Hà Nội cùng các cơ quan chức năng liên quan vào cuộc làm rõ những thông tin đã nêu, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh việc cần thiết tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng nên hết sức thận trọng trong việc lựa chọn mua và sử dụng sản phẩm theo đúng tính năng, công dụng cũng như lựa chọn các sản phẩm có chất lượng của các thương hiệu uy tín, để tránh “tiền mất tật mang”.
Dựa trên các hồ sơ, tài liệu đã thu thập được, Tạp chí Tiếp thị và Gia đình sẽ phối hợp cùng Sở Y tế Hà Nội, cơ quan quản lý về thông tin truyền thông để xử lý vi phạm nêu trên của hệ thống Gymstore.
Cục trưởng An toàn thực phẩm: “Tôi choáng váng về những vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng”
Tại tọa đàm “Đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng” do Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tổ chức ngày 29/5/2024 tại Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm bày tỏ: “Tôi choáng váng về những vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng”.
Theo ông Phong, hiện đã có Luật Quảng cáo, Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn về quảng cáo trong lĩnh vực y tế, bao gồm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Tất cả nội dung quảng cáo đều phải được cơ quan quản lý thẩm định, cấp phép và chỉ quảng cáo đúng với nội dung đã được thẩm định.
Ông Phong cũng cho hay: “Bức xúc nhất là quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội, lừa dối người tiêu dùng. Đặc biệt, quảng cáo thực phẩm chức năng thường có quảng cáo gây hiểu lầm có tác dụng điều trị như “trị dứt điểm”, “chữa khỏi bệnh”, “chấm dứt bệnh”… Đây là nội dung không bao giờ được cơ quan quản lý cấp phép thẩm định”.
“Người dùng cần biết, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe là không chữa, không có tác dụng điều trị… Nếu quảng cáo như vậy là hành vi gian dối. Nguy hại của quảng cáo gian dối trong y tế như với thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Không chỉ là tài chính mà còn là sức khỏe người dùng”, ông Phong nhấn mạnh.
Theo ông Phong, người có bệnh nếu mua sản phẩm quảng cáo gian dối đó sẽ không thể khỏi bệnh, mà nếu mắc bệnh nặng như ung thư sẽ mất thời gian vàng điều trị bệnh.
- Thủ tướng yêu cầu thắt chặt quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng
- Quảng cáo thực phẩm chức năng có đang lừa dối người tiêu dùng?
- Mạo danh bác sĩ, người nổi tiếng để quảng cáo thực phẩm chức năng: Tại sao chưa quản lý được?
- Vi phạm khi quảng cáo thực phẩm Bình vị Thái Minh, Khương Thảo Đan Gold, công ty thuộc Thái Minh bị điểm tên, 2 cá nhân đứng tên website vi phạm bị phạt nặng
- Trước khi bị thu hồi thuốc phòng rối loạn tiền đình vì vi phạm chất lượng, Dược Trung ương 3 từng dính những 'phốt' nghiêm trọng nào?
- Lộ lý do thuốc viên nén Ubiheal 300 trị rối loạn cảm giác của Dược phẩm Nam Hà bị 'tuýt còi'