Quảng cáo bằng drone: 'Cuộc chơi' mới của ngành tiếp thị?
Với nhiều ưu điểm vượt trội, hình thức quảng cáo bằng drone (thiết bị bay không người lái) liệu có trở thành làn sóng mới định hình tương lai của ngành tiếp thị hay chỉ là một hiện tượng đầy rủi ro đối với thương hiệu?
VNPay có đáng bị chỉ trích vì quảng cáo 'quá đà' trong buổi tổng duyệt drone?
Sở Văn hoá và Thể thao TP HCM thông tin nguyên nhân không trình diễn drone show vào tối 1/5
Sự trỗi dậy của quảng cáo bằng drone
Trước khi drone xuất hiện, quảng cáo ngoài trời là “địa bàn” của các biển quảng cáo truyền thống hoặc kỹ thuật số. Đến nay, các hình thức này vẫn hiệu quả, nhưng chúng đã trở nên quá quen thuộc, khiến các thương hiệu khó lòng nổi bật để lôi kéo sự chú ý của khách hàng. Trong bối cảnh đó, quảng cáo bằng drone xuất hiện như một giải pháp đột phá, mang đến trải nghiệm thị giác khác biệt và khả năng truyền tải thông điệp theo cách chưa từng có.
Sự xuất hiện của drone trong quảng cáo bắt đầu từ những năm 2010, khi công nghệ này trở nên phổ biến và dễ tiếp cận. Các thương hiệu nhanh chóng nhận ra tiềm năng của drone trong việc tạo ra trải nghiệm thị giác khác biệt. Năm 2014, Disney tiên phong sử dụng drone tại công viên giải trí ở Florida, nơi hàng chục chiếc drone được lập trình để tạo hình động trên bầu trời, quảng bá thương hiệu và các sự kiện đặc biệt. Sự kiện này đã mở ra một kỷ nguyên mới cho quảng cáo bằng drone.
Đến năm 2018, Intel nâng tầm công nghệ này với màn trình diễn tại Thế vận hội Mùa đông PyeongChang. Hơn 1.200 chiếc drone được sử dụng để tạo ra các hình ảnh 3D khổng lồ, từ biểu tượng Olympic đến những thông điệp truyền cảm hứng, thu hút hàng triệu khán giả toàn cầu. Các thương hiệu lớn như Coca-Cola, Samsung và Nike cũng nhanh chóng áp dụng drone để tạo ra những chiến dịch quảng cáo đáng nhớ, từ trình diễn logo đến kể chuyện thương hiệu trên bầu trời.

Tại Việt Nam, quảng cáo bằng drone vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu. Một số sự kiện văn hóa, du lịch tại Hà Nội và TP.HCM đã sử dụng drone để tạo hiệu ứng ánh sáng, gây ấn tượng mạnh với công chúng. Một trong những cột mốc nổi bật là Lễ hội Sông nước TP. Hồ Chí Minh 2024, diễn ra vào ngày 9/6/2024 tại Sông Sài Gòn. Màn trình diễn với 1.100 drone đã tái hiện các biểu tượng đặc trưng của thành phố, thu hút hàng ngàn khán giả và trở thành công cụ quảng bá du lịch hiệu quả.
Tuy nhiên, không phải mọi nỗ lực đều thành công. Một ví dụ điển hình là sự kiện tại Quảng trường Mỹ Đình, Hà Nội vào ngày 26/1/2025, thuộc chương trình “Rực rỡ Thăng Long 2025”. Trong buổi tổng duyệt, một số trong số 2.025 drone gặp sự cố, rơi xuống và gây cháy cỏ khô, dẫn đến việc hủy màn trình diễn chính thức vì lý do an toàn.
Gần đây hơn, VNPay Drone Show vào ngày 30/4/2025 tại TP. Hồ Chí Minh, dự kiến là một phần của Vietnam Drone Show, dù đã có phần tổng duyệt ấn tượng nhưng vẫn thất bại thảm hại sau đó. Sự kiện bị hủy do nhiễu tín hiệu, khiến các drone không thể hoạt động theo kịch bản. Trước đó, buổi tổng duyệt bị chỉ trích vì lạm dụng quảng cáo, làm lu mờ ý nghĩa văn hóa của sự kiện. Áp lực điều chỉnh nội dung vào phút chót cùng với thiếu sót trong chuẩn bị kỹ thuật đã để lại bài học đắt giá về sự cẩn trọng trong triển khai drone.
Làn gió sóng hay chỉ là một sân chơi đầy rủi ro?
Quảng cáo bằng drone mang đến một loạt lợi thế độc đáo, khiến nó trở thành một công cụ đầy hứa hẹn trong ngành tiếp thị. Drone có thể bay ở độ cao lớn, sử dụng ánh sáng LED để tạo ra các hiệu ứng hình ảnh ấn tượng, dễ dàng thu hút khán giả dù đứng từ xa. Thương hiệu có thể lập trình drone để di chuyển theo đội hình đồng bộ, tạo ra các màn trình diễn động đầy cuốn hút, từ hình khối 3D đến câu chuyện kể trên bầu trời. Những trải nghiệm này không chỉ giúp thương hiệu giới thiệu sản phẩm mới hay quảng bá sự kiện, mà còn củng cố hình ảnh trong tâm trí khách hàng.
Không giống các biển quảng cáo tĩnh, vốn dễ bị khách hàng lướt qua mà không để lại ấn tượng, quảng cáo bằng drone mang đến cảm giác mới mẻ và kích thích sự tò mò. Điều này đặc biệt có giá trị tại các đô thị đông đúc hoặc các sự kiện lớn, nơi việc thu hút sự chú ý của người tiêu dùng là không hề dễ dàng khi bốn phía đều ngập tràn quảng cáo.

Khả năng sáng tạo không giới hạn của drone cũng là một ưu điểm lớn cho thấy tiềm năng của hình thức quảng cáo này. Drone có thể bay ở các độ cao khác nhau, di chuyển theo đội hình được lập trình một cách chính xác. Thậm chí, chúng có thể tái hiện chuyển động của vận động viên hay hoạt ảnh minh họa sản phẩm như một thương hiệu thể thao tái hiện pha ghi bàn hay một công ty công nghệ trình chiếu cách thức hoạt động của thiết bị - điều mà những bảng quảng cáo truyền thống hay quảng cáo kỹ thuật số không thể làm được.
Bên cạnh đó, hình thức quảng cáo bằng drone có khả năng tạo các tương tác theo thời gian thực. Các kỹ thuật viên có thể điều chỉnh nội dung trình chiếu ngay lập tức dựa trên phản ứng của khán giả hoặc điều kiện môi trường. Ví dụ, nếu khán giả hào hứng với một đoạn trình diễn, drone có thể được lập trình để kéo dài hoặc lặp lại nội dung đó, gia tăng cảm giác kết nối giữa thương hiệu và người xem. Hơn nữa, drone còn có thể được lập trình để bay qua các khu vực có nhóm khách hàng mục tiêu cụ thể, đảm bảo thông điệp được truyền tải đúng nơi, đúng lúc.
Kết quả nghiên cứu của PwC cho biết, các giải pháp sử dụng drone trong truyền thông và quảng cáo ước tính có thể tạo ra giá trị thị trường toàn cầu lên đến 8,6 tỷ USD vào năm 2030. Trong tương lai, các chiến dịch quảng cáo bằng drone không chỉ phục vụ các sự kiện lớn mà còn có thể truyền tải thông điệp riêng đến từng cá nhân hoặc nhóm nhỏ, mở ra một kỷ nguyên mới cho quảng cáo ngoài trời.
Tuy nhiên, quảng cáo bằng drone cũng đối mặt với không ít thách thức. Quy định về không phận là rào cản lớn, đặc biệt tại các khu vực đô thị hoặc gần sân bay, nơi drone bị kiểm soát nghiêm ngặt để tránh ảnh hưởng giao thông hàng không. Bên cạnh đó, giới hạn kỹ thuật và an toàn cũng là vấn đề đáng lo ngại. Dù công nghệ drone đã tiến bộ, nguy cơ nhiễu tín hiệu, lỗi phần mềm, hoặc va chạm vẫn tồn tại như đã thấy trong vụ VNPay Drone Show...