Thứ năm, 14/03/2024, 09:18 (GMT+7)

Phòng tránh bệnh tật thế nào trong mùa nồm ẩm?

PV (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Miền Bắc tiếp tục bước vào chuỗi ngày mưa phùn, nồm ẩm kéo dài, thuận lợi cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển. Thời tiết khó chịu khiến con người dễ mắc bệnh hơn.

Bệnh thường gặp khi trời nồm ẩm

Bệnh đường hô hấp

Các loại vi khuẩn, vi sinh vật, nấm mốc phát tán trong không khí có môi trường thuận lợi để tồn tại và phát triển trong thời tiết nồm ẩm. Chính các tác nhân này dễ khiến các căn bệnh về đường hô hấp như ho, dị ứng, viêm phổi, hen phế quản, hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm khí quản, phế quản cấp,... xuất hiện nhiều khi trời nồm ẩm.

nom am
Đối tượng có sức đề kháng yếu dễ bị vi khuẩn, virus gây bệnh xâm nhập

Cúm

Bệnh cúm khá phổ biến và dễ xuất hiện vào thời điểm giao mùa. Không chỉ trẻ em, người lớn tuổi mà cả người trưởng thành cũng rất dễ mắc các bệnh cúm. Các triệu chứng bệnh cúm rất dễ nhận biết như sốt hoặc ớn lạnh, đau đầu, nhức mỏi, ho, đau họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi. Người bệnh có thể khỏi bệnh sau vài ngày hoặc lâu nhất khoảng hai tuần. Tuy nhiên, bệnh có thể xảy ra biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.

Sốt virus

Sốt virus là bệnh chỉ chung do nhiều loại virus khác nhau gây ra, tùy từng loại virus mà biểu hiện có thể nặng, nhẹ khác nhau. Trời nồm ẩm với độ ẩm cao tạo điều kiện cho nhiều loại virus phát triển và lây lan nhanh chóng. Người bệnh thường có những triệu chứng đặc trưng như sốt cao, cơ thể mệt mỏi, đau đầu, nổi mẩn đỏ trên da...

Trẻ nhỏ là nhóm tuổi dễ bị sốt virus nhất. Người bệnh thường khỏi sau 5-7 ngày nhưng nếu chủ quan không điều trị hoặc điều trị không đúng cách có thể dẫn đến những biến chứng nặng hơn.

Thủy đậu

Thủy đậu gây ra bởi virus Varicella Zoster với sự xuất hiện của các nốt  nhỏ, tròn mọc khắp cơ thể. Người mắc thủy đậu sẽ có cảm giác ngứa ngáy bởi các mụn nước. Thời tiết ẩm ướt chính là điều kiện tốt cho nguồn bệnh phát triển và lây lan. Bệnh thủy đậu không quá nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị đúng cách, các nốt thủy đậu có khả năng bị nhiễm trùng, để lại sẹo và thậm chí còn dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng hơn như viêm phổi hay viêm màng não.

Sởi

Sởi là bệnh truyền nhiễm xuất hiện phổ biến ở trẻ em và có thể phát triển thành dịch. Bệnh có thể lây truyền khi tiếp xúc trực tiếp với chất tiết mũi họng của người mắc bệnh. Tuy lành tính nhưng sởi có thể gây suy giảm miễn dịch nên người bệnh dễ mắc phải các bệnh kèm theo như viêm phổi hay tiêu chảy… Bệnh sởi dễ bùng phát vào những ngày nồm ẩm ướt.

Bệnh về da, viêm nhiễm vùng kín

nom am
Da dễn bị ngứa, viêm nhiễm khi trời nồm ẩm

Trời nồm khiến không khí trở nên ẩm ướt, bí bách. Lúc này da ẩm ướt và tiết nhiều dầu nhờn hơn. Bụi bẩn và vi khuẩn còn có điều kiện thuận lợi để sinh sôi và phát triển. Từ đó tác động và gây ra các bệnh như viêm da, trời nồm gây dị ứng, mụn...

Quần áo phơi lâu ngày không khô làm nảy sinh ẩm mốc, vi khuẩn và virus gây bệnh phát triển. Khi mặc vào da tiếp xúc với nấm mốc dễ gây ngứa ngáy khó chịu, nguy hiểm hơn có thể dẫn đến viêm nhiễm vùng kín, thậm chí có thể dẫn đến vô sinh.

Đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh đau mắt đỏ thường xuất hiện sau những đợt mưa lớn, thời tiết nồm ẩm khiến vi khuẩn sinh sôi, làm bệnh phát triển và lan rộng nhanh chóng. Đây là bệnh cấp tính, dễ lây nhưng lành tính và ít để lại di chứng. Tuy nhiên, người mắc bệnh không nên chủ quan mà nên chữa trị đúng cách để tránh biến chứng nguy hiểm.

Tiêu chảy cấp

Nguyên nhân chính gây tiêu chảy cấp là do virus Rota. Bệnh xảy ra nhiều nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi, đồ chơi hay bình sữa, vật dụng ăn uống của trẻ nếu vệ sinh không kỹ, thời tiết nồm ẩm dễ gây nấm mốc và vi khuẩn phát triển khiến trẻ dễ bị tiêu chảy hoặc có thể dễ mắc các bệnh khác. Tiêu chảy cấp lây truyền theo đường phân-miệng hoặc đường hô hấp. Nếu không được chăm sóc và điều trị kịp thời, trẻ dễ bị mất nước, mất muối có thể dẫn đến tử vong.

Đau xương khớp

nom am
Đau xương khớp khá dễ gặp ở người lớn tuổi khi trời nồm

Người lớn tuổi hay người có tiền sử bệnh về xương khớp thường cảm thấy đau khớp hay nhức mỏi khi trời nồm. Thời tiết thay đổi làm thay đổi áp suất của khí quyển. Khi áp suất khí quyển thấp, các mô trong cơ thể sẽ có xu hướng giãn nở, điều này vô tình gây áp lực lên hệ thần kinh chi phối cảm giác đau. Các cơn đau vào những ngày thời tiết thay đổi thường dễ cảm nhận hơn.

Bên cạnh đó, không khí lạnh và ẩm khiến dịch khớp trở nên dày hơn dẫn đến tình trạng khô cứng khớp gây ra những cơn đau nhức.

Phòng bệnh khi trời nồm ẩm

Để phòng tránh mắc bệnh khi thời tiết nồm ẩm, bác sĩ khuyên các gia đình nên:

- Giữ vệ sinh môi trường sống: Làm sạch và thông thoáng không gian trong nhà, không hút thuốc lá.

- Sử dụng điều hòa nhiệt độ có chế độ hút ẩm hoặc máy hút ẩm chuyên dụng, không phơi quần áo ướt trong nhà, dùng khăn khô để lau sàn.

- Vệ sinh thân thể và đồ dùng cá nhân sạch sẽ. Quần áo khó khô hẳn khi độ ẩm quá cao nên nếu có thể, hãy dùng máy sấy, bàn là đồ trước khi mặc, tránh các nấm mốc, các bệnh ngoài da.

- Đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, duy trì việc luyện tập thể dục (có thể thực hiện trong nhà nếu ngoài trời mưa) để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

- Những người có bệnh mãn tính cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, duy trì đơn thuốc và các biện pháp kiểm soát bệnh tốt để yếu tố môi trường kích thích bệnh phát tác. Khi thấy có các biểu hiện bất thường, cần liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn.

Cùng chuyên mục