Thứ sáu, 23/02/2024, 09:32 (GMT+7)

Cẩn trọng với bệnh truyền nhiễm gia tăng trong thời tiết nồm ẩm sau Tết

Sau Tết Nguyên đán là lúc thời tiết chuyển mùa từ đông sang xuân, mưa phùn và nồm ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh truyền nhiễm gia tăng.

Dịch bệnh dễ dàng bùng phát và lây lan rộng

Theo thông tin từ Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ ngày 9/2 đến 16/2, Hà Nội ghi nhận 8 ca mắc sốt xuất huyết, không có ổ dịch mới. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội có 432 ca mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2023). CDC Hà Nội dự báo, có thể tiếp tục ghi nhận bệnh nhân trong các tuần tới nên người dân không được chủ quan.

Cũng từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 70 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2023) nhưng hiện không có ổ dịch mới. Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do vi rút đường ruột gây ra. Cao điểm của bệnh là từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 8 đến tháng 9 hàng năm. Do đó, đây cũng là thời điểm người dân cần cảnh giác với bệnh tay chân miệng.

benh truyen nhiem
Bệnh truyền nhiễm gia tăng trong mùa nồm ẩm

Bên cạnh đó, thành phố vừa ghi nhận một bé gái 4 tuần tuổi (huyện Quốc Oai) có kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính với ho gà. Như vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã có 3 trường hợp mắc ho gà, trong khi cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận ca bệnh nào. Trong giai đoạn nhiễm bệnh, ho gà có thể lây từ người này sang người khác thông qua giọt bắn do người bệnh tiết ra khi ho, hắt hơi, khạc nhổ…

Hiện nước ta vẫn đang kiểm soát tốt Covid-19. Kết quả giám sát tác nhân gây bệnh cũng chưa ghi nhận biến thể mới, bất thường. Tuy nhiên, với điều kiện thời tiết như hiện nay và đang là mùa lễ hội, nhu cầu đi lại của người dân gia tăng kéo theo nguy cơ lây lan dịch Covid-19. CDC Hà Nội thông tin, tính từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố đã ghi nhận 318 ca mắc Covid-19 (tăng hơn 3,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái).

Các chuyên gia y tế lưu ý, theo quy luật, ngay sau Tết Nguyên đán là giai đoạn chuyển từ mùa Đông sang mùa Xuân, có mưa phùn kèm theo nồm ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện của các bệnh truyền nhiễm. Chính vì vậy, nếu không chủ động triển khai quyết liệt các biện pháp ứng phó, dịch bệnh dễ dàng bùng phát và lây lan rộng.

Chủ động phòng tránh bệnh truyền nhiễm

Để phòng tránh bệnh sốt xuất huyết, người dân thực hiện các biện pháp sau:

  • Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.
  • Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...
  • Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.
  • Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.
  • Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
  • Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
benh truyen nhiem
Giữ gìn vệ sinh là cách phòng chống bệnh truyền nhiễm

Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, người dân cần chủ động thực hiện các hướng dẫn sau:

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
  • Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
  • Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
  • Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
  • Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
  • Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
Cùng chuyên mục