Thứ năm, 22/02/2024, 16:41 (GMT+7)

Hôn người vừa uống bia, rượu có “lây” nồng độ cồn không?

Ăn một số thực phẩm lên men có thể khiến hơi thở có nồng độ cồn. Vậy hôn hôn người vừa uống bia, rượu thì có bị “lây” nồng độ cồn không?

Hôn nhau có “lây” nồng độ cồn không?

Tại Trung Quốc từng xảy ra trường hợp một người phụ nữ có nồng độ cồn trong hơi thở vượt quá giới hạn pháp lý khi lái xe vào ngày 6/6/2020. Tuy nhiên, người phụ nữ khẳng định không uống rượu. Kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu bằng không. Chị giải thích rằng trước đó đã lái xe đến đón bạn trai say rượu và đã hôn nhau trước khi lên xe, nụ hôn có thể kéo dài rất lâu.

Từ kết quả xét nghiệm máu và lời giải thích của người phụ nữ, cảnh sát giao thông cho rằng hai người có thể đã hôn nhau trong thời gian dài khiến nồng độ cồn trong miệng người phụ nữ vượt tiêu chuẩn. Đến nay, thế giới chưa ghi nhận trường hợp nào tương tự.

nong do con
Hôn người vừa uống bia, rượu có “lây” nồng độ cồn không?

Về vấn đề này, bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết, lượng cồn trong cơ thể được đào thải qua nước tiểu là chủ yếu. Một phần còn lại đào thải qua mồ hôi và khí thở. Khi một người uống rượu, trong hơi thở và nước bọt của họ sẽ có cồn, đặc biệt là dịch trào ngược từ dạ dày lên miệng có nồng độ cồn tương đối cao.

Do vậy, khi hôn một người say bia, rượu trong thời gian tương đối lâu, bạn có thể bị “lây” nồng độ cồn. Sau khi hôn, khoang miệng của bạn cũng nhiễm lượng cồn từ nước bọt hoặc dịch từ dạ dày trào ngược của người say. Tuy nhiên, lượng cồn đi vào khoang miệng và đường hô hấp của người hôn có nồng độ thấp, sau đó nhanh chóng bị chuyển hóa tại gan, nên không thể gây say. Cho nên khi hôn một người vừa uống bia, rượu vẫn có thể sẽ bị “lây” nồng độ cồn, song rất hy hữu.

Tại Việt Nam, theo luật, người điều khiển ôtô, xe máy, mô tô không được phép có cồn trong máu khi đang lưu thông. Do đó, khi hôn một người uống rượu say, có thể thổi cồn vẫn lên. Trường hợp này, có thể yêu cầu xét nghiệm máu để có kết quả chính xác hơn.

Giảm nồng độ cồn sau khi uống bia, rượu thế nào?

Chúng ta không thể tính toán tuyệt đối bao nhiêu lâu sau khi ăn uống thực phẩm chứa cồn thì lượng cồn trong hơi thở, máu sẽ hết. Trung bình, mỗi giờ cơ thể loại bỏ 15 miligam cồn trong máu. Đồ uống càng nhiều độ cồn thì thời gian để cơ thể chuyển hóa càng lâu hơn.

nong do con
Nên hạn chế uống bia, rượu

Các chuyên gia cho biết, cách khoa học nhất để giảm nồng độ cồn là bổ sung nhiều nước sau khi uống bia, rượu. Khi cơ thể bổ sung nhiều nước, đi tiểu nhiều thì nồng độ cồn sẽ giảm nhanh hơn. Tuy nhiên, thực tế những người sau khi uống bia, rượu quá mức thường trong tình trạng say xỉn, nôn mửa, cơ thể mệt mỏi. Nếu bổ sung quá nhiều nước ngay lập tức sẽ có nguy cơ rối loạn điện giải nặng hơn, cơ thể mệt mỏi hơn.

Vì thế, cần bổ sung nước từ từ, xem phản ứng của cơ thể. Hoặc bạn cũng có thể pha oresol để uống theo chỉ dẫn. Oresol là dung dịch cân bằng điện giải, rất rẻ tiền, dễ sử dụng, an toàn, giúp bổ sung điện giải và bù nước rất tốt. Lưu ý, chỉ nên dùng đường uống, không nên truyền Oresol để giải rượu. 

Các loại thuốc giải rượu có chứa nhiều thành phần lợi tiểu, giảm đau, giảm chóng mặt, giúp cơ thể tỉnh táo cũng không được khuyến khích. Tốt nhất bạn vẫn nên hạn chế uống bia, rượu và sau khi uống không được tham gia giao thông.

Theo khuyến cáo, nam giới không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày, nữ giới không quá 1 đơn vị cồn/ngày và không uống quá 5 ngày/tuần. Một đơn vị cồn tương đương 10g cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống, tức khoảng 3/4 chai hay lon bia 330ml (5%) hoặc một cốc bia hơi 330ml hay một ly rượu vang 100ml (13,5%) hay một chén rượu mạnh 30ml (40%).

Cùng chuyên mục