Uống rượu, bia sau bao lâu mới hết nồng độ cồn?
Uống rượu, bia dịp lễ tết là điều khó tránh khỏi. Sau khi uống đồ có cồn, phải mất bao lâu để cơ thể đào thải hết nồng độ cồn?
Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết, không có con số chính xác tuyệt đối cho việc uống rượu, bia sau bao lâu mới được lái xe, hay sau bao lâu uống rượu bia mới hết nồng độ cồn trong cơ thể. Quá trình đào thải nồng độ cồn phụ thuộc vào lượng rượu, bia mà một người uống và đặc điểm sinh học, thể trạng của người đó. Từ đó mới có chỉ số nhất định sau bao lâu mới hết nồng độ cồn trong máu.
Theo các chuyên gia, 1 đơn vị cồn tương đương 2/3 chai/lon bia 330 ml (nồng độ cồn 5%) hoặc 1 ly rượu vang 100 ml (nồng độ cồn 13,5%) hoặc 1 cốc bia hơi 330 ml hoặc 1 chén rượu mạnh 30 ml (nồng độ cồn 40%). Đối với người có cơ chế chuyển hóa bình thường thì sau 1 giờ, gan sẽ dung nạp và chuyển hóa hết 1 đơn vị cồn.
Tuy nhiên, để hết hoàn toàn 1 đơn vị cồn, cơ thể còn phải mất từ 1-2 giờ nữa. Do đó, một người khỏe mạnh, không có bệnh gì thì khi uống 1 đơn vị cồn, cơ thể phải mất từ 2-3 giờ mới hết nồng độ cồn trong cơ thể.
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng cho biết, 2 lon bia tương đương 3 đơn vị cồn và chúng ta sẽ mất khoảng 3 tiếng để thải trừ cồn. Tuy nhiên, sau khi thải trừ, cơ thể cần 2-3 giờ để cồn trong hơi thở được phát tán hết và thổi nồng độ cồn sẽ không dương tính. Như vậy, 2 lon bia bạn sẽ mất khoảng 6 giờ để có thể đưa nồng độ cồn về 0.
Nhưng vẫn có nhiều trường hợp đào thải chậm hơn. Có người uống từ tối hôm trước nhưng sáng hôm sau nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở vẫn còn, nhưng có người thì không. Những người có chức năng gan suy yếu hay có cơ thể chuyển hóa chậm hơn, sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Theo quy định hiện hành, khi thổi nồng độ cồn, chỉ cần phát hiện ra lượng cồn chưa tới 0,25mg/L trong hơi thở tức là đã vi phạm. Cho nên, uống 1 cốc bia trong 1 giờ thì khả năng bị phạt vẫn rất cao. Uống 5-6 lon bia từ tối hôm trước thì cần ít nhất 12 giờ để cơ thể đào thải cồn và ít nhất 1 ngày để đảm bảo không phát hiện nồng độ cồn trong hơi thở.
Các chuyên gia khuyên bạn nên hạn chế rượu, bia, đặc biệt vào những dịp liên hoan, lễ, Tết. Nếu bắt buộc phải uống thì nên hạn chế ở mức nguy cơ thấp và không tham gia giao thông sau khi uống. Nam giới khỏe mạnh không nên uống quá 2 đơn vị cồn, nữ giới khỏe mạnh không quá 1 đơn vị cồn mỗi ngày và uống dưới 5 ngày/tuần. Với mức uống như vậy phải mất ít nhất 4 giờ mới có thể lái được xe.
- Thủ tướng yêu cầu tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn dịp Tết
- Trái cây nào có thể phát sinh nồng độ cồn trong hơi thở?
- Trường hợp duy nhất vi phạm nồng độ cồn có thể nộp phạt theo kiểu trả góp
- Nhịn ăn gián đoạn có thể thay đổi hoạt động não theo 2 hướng
- 10 thực phẩm giàu vitamin E giúp da bớt khô nẻ trong mùa đông
- Chuyên gia cảnh báo 3 loại nước không để trong bình giữ nhiệt
- Hệ lụy khi sử dụng quá nhiều đồ ăn nhanh
- Có nên gội đầu khi bị cảm cúm không?
- Tại sao bạn nên ăn quả ổi vào mùa đông?