Tiếp Thị Gia Đình

Thứ sáu, 29/12/2023, 15:28 (GMT+7)

Nhịn ăn gián đoạn có thể thay đổi hoạt động não theo 2 hướng

Theo nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Frontiers in Cellular and Transmission Microbiology, nhịn ăn gián đoạn có thể thay đổi hoạt động não theo cả hướng tích cực và tiêu cực.

nhin an gian doan
Nhịn ăn gián đoạn là phương pháp giảm cân được áp dụng khá phổ biến hiện nay

Nghiên cứu được thực hiện bởi Viện Quản lý y tế ở Bắc Kinh - Trung Quốc đã xem xét các tác động lên hệ vi sinh vật đường ruột và não bộ của việc giảm cân theo kiểu nhịn ăn gián đoạn. Đây là phương pháp đang được nhiều người ủng hộ và theo đuổi.

Nhịn ăn gián đoạn là một cách giảm cân mà bạn chỉ được ăn trong một thời gian cụ thể. Thời gian ăn thường sẽ kéo dài trong khoảng từ 8 giờ đến 16 giờ. Sau thời gian này bạn sẽ nhịn ăn hoàn toàn và chỉ được uống nước, trà hoặc cà phê không có đường. Có nhiều trường hợp áp dụng phương pháp nhịn ăn gián đoạn với một chu kỳ kéo dài hơn trong vài ngày.

Chế độ nhịn ăn gián đoạn 10-14 là phổ biến nhất. Người thực hiện chế độ này bắt đầu bữa ăn đầu tiên trong ngày và thời gian kết thúc bữa ăn cuối cùng gói gọn trong 14 giờ, 10 giờ còn lại không ăn gì. Chế độ 8-16 khắc nghiệt hơn một chút nếu bạn đã quen và còn trẻ. Người bắt đầu, người cao tuổi thường được khuyến nghị ở mức 12-12.

Nghiên cứu gồm sự tham gia của 25 tình nguyện viên ở độ tuổi trung bình 27 tuổi, bị béo phì. Nhóm người này đã trải qua 32 ngày nhịn ăn gián đoạn được kiểm soát chặt chẽ. Kết quả cho thấy, hoạt động tăng lên ở các vùng não dành cho sự chú ý, cảm xúc và học tập, có nghĩa là mọi người có thể thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ đòi hỏi những kỹ năng đó.

nhin an gian doan
Nhịn ăn gián đoạn cũng như mọi kiểu ăn kiêng khác tác động mạnh mẽ đến hệ vi sinh vật đường ruột

Trong hệ vi sinh vật đường ruột, các nhà nghiên cứu nhận thấy vi khuẩn Faecalibacter prausnitzii, Parabacteroides distasonis và Bacterokles clockis tăng mạnh. Faecalibacter prausnitzii làm tăng khả năng của hệ thống miễn dịch để chống lại các tương tác gây viêm, có thể góp phần vào các tác động tốt lên các kỹ năng nói trên. Còn Parabacteroides distasonis được cho là giúp giảm béo phì và Bacterokles clockis tăng cường hàng rào ruột, là “hàng phòng thủ” ngăn chặn vi khuẩn gây bệnh.

Theo TS. Yongli Li - đồng tác giả nghiên cứu từ Bệnh viện Nhân dân tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), đường ruột khỏe mạnh cần thiết để duy trì sự cân bằng tổng thể và cải thiện sức khỏe trên tất cả các bộ phận của cơ thể. Nhiều nghiên cứu trước đây đã chứng minh hệ vi sinh vật này tác động mạnh mẽ đến não bộ thông qua "trục não ruột", góp phần điều chỉnh các chức năng nhận thức, xử lý các nhiệm vụ... cho đến cảm xúc.

Tuy nhiên, phương pháp giảm cân này khiến vi khuẩn E. coli giảm, khiến việc nhịn ăn thêm thử thách vì nó là thứ giúp kiểm soát sự thèm ăn. Một số thay đổi khác cũng làm hạn chế hoạt động ở vùng não liên quan đến ý chí, khiến bạn sẽ phải cố gắng kiên định hơn mục tiêu giảm cân.

Dù sao, tác động tích cực của phương pháp nhịn ăn gián đoạn vẫn lớn hơn vì không chỉ giúp bạn giảm cân hiệu quả mà còn giúp não bộ hoạt động hơn trong cuộc sống, công việc.

Các nhà nghiên cứu cũng khuyên người cao tuổi, người có bệnh nền nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thử nhịn ăn gián đoạn hay bất cứ kiểu ăn kiêng nào khác.

Cùng chuyên mục